Thị trường thời trang Việt: “Nhiễu sóng” vì “thương hiệu”

(PLO) - Thời điểm cuối năm đồng loạt “cơn sốt” giảm giá của các cửa hàng thời trang, rất nhiều thương hiệu lớn nhỏ chạy đua với cuộc chiến marketing “sale off”, cùng lúc đó các tín đồ thời trang cũng dốc hết hầu bao để tậu về những món hàng hiệu đẹp giá rẻ. Nhưng liệu rằng sản phẩm khách hàng mua có phải là hàng hiệu, hàng thiết kế đúng như các thương hiệu quảng cáo?
Thị trường thời trang Việt: “Nhiễu sóng” vì “thương hiệu”

Hàng Quảng Châu đội lốt hàng thiết kế, hàng hiệu

Khảo sát một vòng trên các tuyến phố Chùa Bộc, Kim Mã, Hàng Bông... hàng trăm cửa hàng lớn nhỏ, thương hiệu thiết kế cho đến cửa hàng hàng hiệu xuất nhập khẩu, đâu đâu cũng treo biển giảm giá từ 20%, 50% thậm chí vào ngày lễ các cửa hàng này còn mạnh tay giảm đến 70%. 

Tại một cửa hàng thời trang thiết kế Daisy trên phố Kim Mã, các mặt hàng thiết kế được bày bán xen kẽ các mẫu quần áo nhãn mác Trung Quốc. Khi được hỏi sản phẩm này có phải là hàng thiết kế của thương hiệu Daisy hay không thì nhân viên tại cửa hàng cho biết: “Cửa hàng bán em cả hàng Quảng Châu”. Tiếp tục hỏi về chất liệu và giá cả thì được nhân viên tư vấn: “Chất liệu dù hàng Quảng Châu nhưng đều là hàng chọn nên chất đẹp, giá của hai mặt hàng thiết kế và Quảng Châu cũng tương đương nhau cho nên chị ưng mẫu nào thì lấy thôi ạ, hàng của chúng em có cả hệ thống chuỗi cửa hàng nên chị yên tâm”. 

Trên thực tế mặt hàng Quảng Châu được bày bán trong các cửa hàng không khác hàng ở chợ sinh viên nhưng giá thành chênh nhau một trời một vực. Thế nhưng, khách hàng vẫn chấp nhận mua những món hàng đó chỉ vì có thêm cái mác thương hiệu hàng thiết kế. 

Kiếm hời từ những chiếc mác nhái

Không chỉ những mặt hàng được gọi là hàng Quảng Châu mà hàng Việt Nam xuất khẩu cũng đều không rõ nguồn gốc. Chị M., chủ một cửa hàng quần áo Việt Nam xuất khẩu, trên đường Giảng Võ cho biết: “Hàng chị có người nhà trong xưởng lấy cho nên yên tâm là hàng xuất khẩu chứ không giống như hàng may gia công đâu”. 

Từ những lời chào hàng của bà chủ, phóng viên lại tiếp tục khảo sát giá cả và mặt hàng kiểu dáng quần áo. Cũng một mẫu mã đó nhưng rất nhiều mức giá khác nhau. Lý do chênh giá chỉ dựa vào một các mác nhãn thương hiệu trên áo. Anh Thắng, chủ cửa hàng quần áo chia sẻ: “Thật ra chả có hàng hiệu nào giá lại 300.000 đồng hay 600.000 đồng, hoặc họ quảng cáo là hàng hiệu xuất khẩu cũng không phải thật. Cái mác thì làm giả, chất liệu thì tiền nào của đấy thôi. Trước mình bán cái áo gió chất vải đẹp nhưng kiểu dáng giống với mẫu hàng hiệu như Zara thì độn giá lên một vài trăm khách cũng chẳng phàn nàn, vì trong áo có thêm cái mác nhãn made in Việt Nam làm cho khách yên tâm đó là Việt Nam xuất khẩu, nhưng cùng cái áo đó thử nhập cái có mác made in China xem, đảm bảo bạn không thể bán với giá hời cao được. Còn về hàng hiệu chỉ cần kiểm tra trên trang web là biết giá của nó không hề rẻ, ít cũng vài trăm USD”. 

Không chỉ ở các cửa hàng, trong thời buổi công nghệ số chỉ cần lướt qua mạng xã hội để tìm mua đồ cũng không khó. Và chúng ta dễ bắt gặp những nhà kinh doanh online rao bán với các dòng quảng cáo: “Chuyên hàng hiệu xách tay từ Anh, Pháp, Ý, Nhật… của các hãng Chanel, LV, Hermes, Gucci, Burberry… Hàng chính hãng, đảm bảo không nhái, nếu phát hiện hàng nhái đền gấp đôi”... 

Từ những câu chuyện về thương hiệu Việt bịp khách bằng hàng Quảng Châu gần đây như Khải silk, hay Hoàng Phúc là những bài học đắt giá cho người tiêu dùng. Bởi những mặt hàng thương hiệu lớn như lời quảng cáo chẳng khó bắt gặp trên các khu chợ đầu mối lớn như chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp...

Những người kinh doanh tinh ranh đánh vào tâm lý của người tiêu dùng thích rẻ, nên hầu hết các điểm kinh doanh hàng giả, hàng nhái đều đưa ra chiêu “sale off” để thu vốn, hàng “xách tay”. Nhiều người tiêu dùng thấy nhãn hàng nổi tiếng, giá rẻ cũng dao động và quyết định mua mà không hay biết đó là hàng nhái. Và “vòng quay” đó khiến thị trường thời trang Việt luôn bị “nhiễu sóng”.

Đọc thêm