Vụ việc xuất phát từ vụ tai nạn giao thông sáng 3/12/2018 khi anh N.V.T (SN 1989, trú tại Hải Phòng) điều khiển xe ô tô kéo romooc đâm ông Q (đang đi xe đạp sang đường) khiến ông Q tử vong.
Lái xe T sau đó bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Cuối tháng 5/2019, VKSND TX. Sơn Tây hoàn tất cáo trạng, chuyển hồ sơ đến Tòa án cùng cấp xét xử. Thẩm phán Bùi Thị Tú được phân công làm Chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án này.
Tố cáo sau này của anh T thể hiện, trước khi phiên tòa diễn ra, anh T đến TAND Thị xã Sơn Tây gặp thẩm phán Tú để hỏi về vụ án thì được trả lời là “phải án tù giam”. Sau khi trình bày hoàn cảnh khó khăn và xin được hưởng án treo, anh T được bà Tú hướng dẫn gặp Thư ký Phương để trao đổi. Bà Phương đưa ra điều kiện, để hưởng án treo thì anh T. phải “bồi dưỡng” tiền. Anh T. đồng ý và đưa 50 triệu cho bà Phương. Đến ngày 24/6/2019, anh T. đã chuyển tiếp 5 triệu đồng cho bà Phương qua tài khoản.
Ba ngày sau khi anh T. chuyển tiền, phiên tòa sơ thẩm được mở. Phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKSND TX Sơn Tây có đề nghị xử phạt bị cáo từ 15 đến 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Tại phần tuyên án, đúng như thỏa thuận, anh T đã được HĐXX cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 30 tháng vì cho rằng có nhiều tình tiết giảm nhẹ và không có tình tiết tăng nặng.
Hiện, trách nhiệm hình sự của bà Phương và bà Tú đang được CQĐT VKSNDTC làm rõ. Tuy nhiên, trong sự việc này, không ít ý kiến cho rằng, cần phải làm rõ việc HĐXX cho anh T. hưởng án treo có đúng quy định không?.
Đối chiếu với nhiều vụ án tai nạn giao thông tương tự, một số luật sư cho rằng việc cho bị cáo T hưởng án treo là không phù hợp. Một số thông báo rút kinh nghiệm của chính ngành Kiểm sát vừa qua cho thấy, nhiều vụ án tương tự thì kiểm sát viên đều đề nghị áp dụng tù giam đối với bị cáo vì “lỗi hoàn toàn thuộc về bị cáo”. Nếu HĐXX cho bị cáo hưởng án treo thì Viện kiểm sát cũng thực hiện kháng nghị vì mức án treo là không nghiêm, không tương xứng với tính chất và mức độ hành vi phạm tội, không có tác dụng răn đe, giáo dục đối với bị cáo và phòng ngừa chung trong tình hình các vụ án tai nạn giao thông đang gia tăng…
Không hiểu vì sao trong vụ án này, VKSND TX. Sơn Tây lại chủ động đề nghị cho bị cáo án treo?
Liên quan đến vụ án “nhận hối lộ”, theo tìm hiểu của phóng viên thì ban đầu, đơn tố cáo của anh T do CQĐT Công an TX. Sơn Tây thụ lý, xác minh. Nhưng sau đó, CQĐT VKSNDTC đã thụ lý, khởi tố điều tra vụ án.
Bình luận về diễn biến trên, có Luật sư cho rằng việc CQĐT VKSNDTC điều tra là đúng thẩm quyền theo quy định tại Điều 163 BLHS (điều tra tội phạm về chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp).
Tuy nhiên, trong vụ việc này, không hiểu tại sao, ngay từ đầu, đơn tố cáo của anh T lại không được chuyển đến CQĐT VKSNDTC để xác minh điều tra theo thẩm quyền? Liệu VKSND thị xã Sơn Tây có thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết đơn tố giác tội phạm trong vụ việc này?.
Để làm rõ câu hỏi trên cũng như rõ hơn về việc vai trò của VKSND TX. Sơn Tây trong vụ án “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” (cụ thể là vai trò của Kiểm sát viên và người ký Cáo trạng - ông Phùng Quốc Toản - Phó Viện trưởng), chúng tôi đã nhiều lần liên hệ làm việc với ông Nguyễn Ngọc Thanh - Viện trưởng VKSND TX Sơn Tây. Tuy nhiên, ông Thanh đều đưa ra lý do “bận họp” hoặc “không có ở cơ quan” để từ chối làm việc.
Được biết, mới đây, do cho bị cáo T. (trong vụ “mua bán hóa đơn”) hưởng án treo không đúng nên một bản án của TAND TX Sơn Tây cũng đã bị kháng nghị. Đáng nói, trong vụ án này, VKSND TX Sơn Tây cũng đề nghị HĐXX cho bị cáo T hưởng án treo.