Thiêng liêng tháng Bảy!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Có lẽ không nơi nào như dải đất hình chữ S, những nghĩa trang liệt sỹ trải dài suốt dọc dài đất nước. Máu xương thấm đẫm trên lá cờ Tổ quốc, anh linh các anh hùng liệt sỹ hòa vào núi sông, cây cỏ. Đã 15 năm, những người làm báo Pháp luật Việt Nam tiếp bước những hành trình về miền đất lửa miền Trung với tất cả lòng biết ơn, sự thấm thía về hòa bình, nơi mỗi tên làng tên núi tên sông đã đi vào sử sách…
Tiến sĩ Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập cùng Nhà báo Trần Ngọc Hà - Phó Tổng Biên tập, Nhà báo Vũ Hồng Thúy - Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam thỉnh chuông dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
Tiến sĩ Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập cùng Nhà báo Trần Ngọc Hà - Phó Tổng Biên tập, Nhà báo Vũ Hồng Thúy - Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam thỉnh chuông dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.

“Ngã ba này dân tộc đã đi qua”

Đây là hành trình được lãnh đạo Báo Pháp luật Việt Nam khởi xướng từ năm 2007. Năm nay, dưới nắng lửa Hà Tĩnh - Quảng Bình - Quảng Trị, từ ngày 11-13/7/2023, Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập dẫn đầu đoàn, cùng nhà báo Trần Ngọc Hà - Phó Tổng Biên tập, nhà báo Vũ Hồng Thúy - Phó Tổng Biên tập và những người làm báo Pháp luật Việt Nam đã dâng hương tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Khu mộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Quốc gia Đường 9, Khu di tích Thành Cổ Quảng Trị.

Điểm đầu tiên mà đoàn dâng hương là Ngã ba Đồng Lộc - trong những năm tháng chiến tranh chứa đầy những huyền thoại, những con người bình thường đã trở thành anh hùng, dũng sĩ giản dị mà phi thường... Bởi nơi ấy, mỗi mét vuông đất Đồng Lộc phải gánh chịu hơn 3 quả bom, chưa kể bom bi, rốc két. Sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh in hằn lên từng quả đồi, từng con đường. Biết bao nhiêu máu và nước mắt của hàng ngàn người con yêu nước đã anh dũng ngã xuống nơi đây để những đoàn xe nối tiếp nhau ra tiền tuyến. Nơi đây cũng ghi dấu ấn hào hùng và bi tráng về sự hy sinh anh dũng của mười cô gái thanh niên xung phong vào ngày 24/7/1968. Mười cô gái mỏng manh, mười bông hoa trinh trắng, mười bức tượng đài bất tử còn mãi với thời gian.

Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cho biết, hành trình Tri ân vào tháng bảy của Báo Pháp luật Việt Nam là một truyền thống tốt đẹp, được các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của báo vun đắp. Hành trình bồi đắp tâm hồn đã diễn ra 15 năm với ý nghĩa: “Xây đắp tâm hồn, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu giữa con người với con người, lòng biết ơn với quá khứ, với lịch sử... Hành trình này sẽ tiếp tục được nối dài, chúng tôi sẽ cùng nhau xây đắp, thành văn hóa, một truyền thống thực sự tốt đẹp, nhiều ý nghĩa của Báo Pháp luật Việt Nam trong chặng đường tiếp theo. Qua chuyến hành trình này, chính những tâm hồn, tình cảm chúng ta vun đắp được, sẽ là động lực cho thế hệ trẻ trong những bước đường tiếp theo trong sự nghiệp những người làm báo Pháp luật Việt Nam…

Từng dòng người kính cẩn nghiêng mình thắp lên mộ phần mười cô những nén hương thơm, những bông hoa cúc trắng tinh khôi cùng những chiếc gương, chiếc lược cho các cô. Những cái tên đã hóa thành bất tử Tần, Cúc, Nhỏ, Hà, Hợi, Hường, Rạng, Xanh và hai cô tên Xuân nằm ở lưng đồi xanh bóng cây. 10 cô gái trẻ trong tiểu đội 4 ngày ấy tuổi chỉ từ 17 đến 22. Buổi trưa định mệnh ngày 24/7/1968, như mọi ngày 10 cô ra làm nhiệm vụ. 16h30, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, 1 quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi 10 cô đang đang đào hầm tránh bom. Ngoài tiểu đội trưởng Võ Thị Tần, chưa ai có người yêu.

Nhiều người dù năm nào cũng đứng trước di ảnh của các cô vẫn không nén được xúc động, những đôi mắt nhòe lệ, những ánh nhìn đau đáu, xót xa tiếc thương vô bờ. Ngày ấy, trong khoảnh khắc đau xót nhất, bi thương nhất khi 9 đồng đội đã được tìm thấy, còn Hồ Thị Cúc còn nằm đâu đó dưới hố bom. Yến Thanh, anh cán bộ kỹ thuật của ngành giao thông vận tải đã nấc nghẹn bật ra bài thơ Cúc ơi làm lay động lòng người.

Và chiều ngày thứ ba, đồng đội đã tìm được cô trong tư thế ngồi, chiếc nón bẹp trên đầu, vai mang cuốc như khi cô đang đào hầm…

Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam đã trực tiếp tặng 10 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 10 triệu đồng tới các mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sỹ, người có công.

Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam đã trực tiếp tặng 10 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 10 triệu đồng tới các mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sỹ, người có công.

Nơi hàng ngàn liệt sỹ tuổi 20 làm nên khúc ca bi tráng

Có thể nói, không nơi nào có nhiều nghĩa trang liệt sỹ hơn Quảng Trị, trong số 72 nghĩa trang với 60 ngàn liệt sỹ, có hai Nghĩa trang quốc gia là Nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9 Nam Lào. Theo nguồn cứ liệu của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, trong cuộc đối đầu lịch sử 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972, các lực lượng tham gia của ta thời điểm cao nhất đến 80.100 người. Chiến trường Thành cổ Quảng Trị, 81 ngày đêm ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 9/8/1972 viết: “Mỗi mét vuông đất tại Thành cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử. Trong 81 ngày đêm, từ ngày 28/6 đến 16/9/1972, Thành cổ Quảng Trị phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Mỗi ngày có một đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót”.

Cũng trên dòng Thạch Hãn mùa hè năm 1972 ác liệt ấy, có cô du kích 81 ngày đêm cùng cha chồng tránh bom, vượt đạn vững tay chèo lái con đò nhỏ tiếp tế lương thực, vũ khí và chở bộ đội vào Thành cổ chiến đấu, đưa thương binh về hậu tuyến. Hình ảnh ấy được nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính ghi lại cho mai sau, hiện trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ. Tên đầy đủ của bức ảnh là: “Cha con lão ngư dân Triệu Phong chở bộ đội và vũ khí tiếp sức cho Thành cổ”. Đó là bà Nguyễn Thị Thu (1954) ở Tiểu khu 5, TT Ái Tử, Triệu Phong, Quảng Trị.

Bà Thu không còn nhớ là đã bao nhiêu lần chở bộ đội sang sông trong 81 ngày đêm ấy. Trung bình mỗi ngày chiếc đò ấy cứ phăm phăm sóng nước 30 - 40 lần vượt sông đưa bộ đội vào trận tuyến chiến đấu. Rồi cũng trên chiếc đò ấy không biết bao nhiêu tấn vũ khí, lương thực được tiếp tế cho Thành cổ. “Những chiến sĩ của ta ngày đó còn rất trẻ, có những chiến sĩ chỉ vừa mười tám đôi mươi. Có một lần chở thương bệnh binh về tuyến sau, khi đò đã cập bến an toàn thì có một chiến sĩ trẻ chỉ kịp kêu lên một tiếng “mẹ ơi đau quá…” rồi trút hơi thở cuối cùng”, bà Thu nhớ lại trong nước mắt…

Giữa tháng 9/1972, trận chiến 81 ngày đêm Thành cổ kết thúc. Chiến thắng ở Thành cổ đã tạo đà lợi thế cho ta trên hội nghị đàm phán Hiệp định Pari năm 1973. Trong chiến thắng ấy có một phần nhỏ đóng góp của hai cha con lão ngư dân Triệu Phong.

Đặc biệt, tại Thành cổ, còn có một Khu tượng đài sinh viên Hà Nội. Nơi hàng ngàn sinh viên ưu tú đã lên đường và nằm lại tại Thành cổ, mãi mãi tuổi 20 và những giấc mơ còn dang dở… Nhiều người lính trở về, sau này vẫn không tin vào sự phi lý khi mình còn sống qua mùa hè đỏ lửa 1972. Tại trường ĐH Bách khoa, thầy Nguyễn Dũng (lúc sinh thời vẫn được bạn bè gọi là Dũng đầu bạc) không lập gia đình nhưng nuôi con của một đồng đội đã hy sinh, vào những ngày tuần trong tháng đều ra đặt hoa ở Tượng đài liệt sỹ và những ngày tết thầy thường xuyên vào Thành cổ Quảng Trị để thắp một nén nhang nơi đầu gió cho đồng đội mình, chỉ để nói một câu: “Hoà bình rồi, chúng mày ơi”…

Và những ấm lòng được viết tiếp

Những người làm báo Pháp luật Việt Nam trên hành trình tri ân tháng bảy bảy tại Thành cổ Quảng Trị.

Những người làm báo Pháp luật Việt Nam trên hành trình tri ân tháng bảy bảy tại Thành cổ Quảng Trị.

Nhà báo Nguyễn Quang Tám, Trưởng đại diện Văn phòng Báo Pháp luật Việt Nam tại ba tỉnh Huế - Quảng Trị - Quảng Bình, một trong những người đầu tiên cùng Ban Biên tập tiền trạm cho những hành trình tri ân tháng bảy bồi hồi xúc động: “Trong hình dung của tôi, thị xã Quảng Trị hôm nay chính là một khúc ca hòa bình. Tháng 7 lắng đọng những cung bậc tình cảm, biết ơn, thiêng liêng, để mỗi bước chân nơi Thành cổ lại dặn mình: Phải làm gì để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn trước anh linh các anh hùng liệt sỹ? Làm gì để góp phần sưởi ấm, xoa dịu những mất mát, hy sinh của gia đình người có công, để đạo nghĩa “Uống nước nhớ nguồn” luôn ngời sáng, để Quảng Trị tươi xanh đầy sức sống?”…

Trong hành trình về vùng đất thiêng năm nay, như truyền thống hằng năm, Báo Pháp luật Việt Nam đã tri ân, tặng những món quà ý nghĩa, thiết thực cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách và cán bộ công chức ngành Tư pháp có cuộc sống còn khó khăn tại các tỉnh miền Trung. Đó là 10 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 10 triệu đồng tới mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Đi (thôn Cu Dong, xã Húc, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị), Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Vui (thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị); bà Nguyễn Thị Thu (cô gái trong bức ảnh cha con người chở đò nổi tiếng tại thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị)… Trao dàn thiết bị âm thanh trị giá 45 triệu đồng tặng Di tích Thành cổ Quảng Trị. Cùng với đó, phát huy tinh thần sẻ chia ân tình của Báo Pháp luật Việt Nam với những người có hoàn cảnh còn nhiều khó khăn dưới mái nhà chung ngành Tư pháp, Báo cũng trao tặng Mái ấm Tư pháp trị giá 100 triệu đồng cho anh Đinh Thanh Sơn, Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Tiến sĩ Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam chia sẻ: “Đoàn Báo Pháp luật Việt Nam lại về mảnh đất anh hùng miền Trung với lòng biết ơn vô hạn những người đã cống hiến tuổi xuân, máu xương và cả cuộc đời mình cho đất nước! Còn đó những người vợ mẹ, người mẹ, những gia đình có chồng, có con, có người thân hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc. Những món quà hôm nay từ đội ngũ người làm báo Pháp luật Việt Nam hy vọng góp phần nhỏ bé giúp các mẹ Việt Nam anh hùng, những gia đình chính sách dịu bớt nỗi mất mát do chiến tranh, những hoàn cảnh còn khó khăn vơi đi những nhọc nhằn trong cuộc sống”…

Đọc thêm