Thiếu năng lực vẫn cố ôm “siêu dự án” Đại Ninh: “Đã thừa điều kiện thu hồi đất, chấm dứt dự án”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Như PLVN đã phản ánh trong số báo trước, từ 10 năm nay, cách Đà Lạt gần 40km, cách sân bay Liên Khương 15km, ven QL20, tại khu vực hồ thủy điện Đại Ninh; “Dự án khu đô thị thương mại, dịch vụ, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh” “ôm” diện tích gần 3600ha rồi bỏ không để đó. Trong Kết luận thanh tra 929/KL-TTCP, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị cần chấm dứt hoạt động, thu hồi đất với dự án này.
Sau hàng chục năm triển khai, “siêu dự án vốn đầu tư 25 ngàn tỷ” chỉ là vài công trình hoang phế mục nát.
Sau hàng chục năm triển khai, “siêu dự án vốn đầu tư 25 ngàn tỷ” chỉ là vài công trình hoang phế mục nát.

Nguy cơ “điểm nóng” an ninh trật tự

Kiến nghị chấm dứt hoạt động, thu hồi đất Dự án Đại Ninh (do Cty CP Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh làm chủ đầu tư, diện tích 3595ha thuộc xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan); không chỉ được cán bộ địa phương, người dân trong khu vực, mà còn được những người yêu núi rừng Lâm Đồng hưởng ứng.

Ông Nguyễn Văn Sơn (SN 1980, người dân địa phương) bày tỏ: “Là người chứng kiến sự việc từ hàng chục năm nay, tôi thấy đây là một “dự án” rất bất thường. Đất cấp cho dự án có dấu hiệu chồng lấn với đất thủy điện Đại Ninh. Trước đây tại khu vực có hàng loạt dãy nhà kiên cố dành cho các đoàn kỹ sư nước ngoài tới giúp xây thủy điện Đại Ninh, tự dưng bà Hoa (bà Phan Thị Hoa, Chủ tịch HĐQT Cty Sài Gòn – Đại Ninh) cho đập phá đi vô cùng lãng phí. “Siêu dự án hàng chục ngàn tỷ” kiểu gì mà thời gian đầu chỉ có vài chục người xây dựng lắt nhắt, rồi bỏ hoang công trình, lâu lâu lên tô trét lại cho có vẻ mới”. 

“Cứ thấy đoàn đông người đến là dân biết dự án bị thanh kiểm tra. Mới đây bị thanh tra, có lẽ họ “chống chế” rằng dự án vẫn đang “đầu tư” bằng cách cho mở con đường lên đồi nhưng dốc dựng đứng, đổ đá dăm, chỉ xe tăng chứ xe nào leo nổi. Tôi cho rằng dự án này được dựng lên chỉ để “ôm” đất rồi tìm cơ hội sang tay kiếm lời, chứ thực chất không phải đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gì hết...”.

Một cán bộ địa phương cho hay tình trạng đất dự án bị “tái lấn chiếm” là có thật. Một số người dân địa phương vẫn phản đối dự án cho rằng dự án lấy đất của dân nhưng chưa đền bù thỏa đáng. Một số hộ dân vì thấy đất bỏ hoang hàng chục năm, nên “nhảy dù” vào canh tác, xã lập biên bản xử phạt hành chính nhưng dân không đóng tiền phạt và khẳng định: “Chúng tôi là nông dân, thấy đất trống bỏ hoang thì canh tác, đâu có tội tình gì?”. “Có lúc tình hình tại đây rất phức tạp, xe bà Hoa đi qua là họ chặn xe lại đập luôn. Có những lúc công an huyện phải điều lực lượng xuống can thiệp mà tình hình vẫn căng”, vị này nói.

Vẫn theo lời vị cán bộ địa phương: “Hàng chục năm trước, khi nghe tin về dự án này, nhiều người vui mừng kỳ vọng người dân sẽ có việc làm, du khách sẽ đổ về đây ùn ùn, nhiều “đại gia” tới đầu tư. Nhưng thực tế cho thấy chủ dự án chỉ “ôm” đất rồi để đó, nên dư luận địa phương cho rằng đã bị “ăn quả lừa”.

Nhận thấy hàng ngàn ha đất bỏ không nhiều năm lãng phí tài nguyên quốc gia, một số đại biểu HĐND và cử tri đã nhiều lần nêu vấn đề này ra tại các cuộc họp HĐND địa phương, các cuộc tiếp xúc cử tri của ĐB Quốc hội. 

“Quan điểm của huyện là cần xử lý nghiêm”

Cũng quan điểm với người dân địa phương, trả lời PLVN, một lãnh đạo huyện Đức Trọng khẳng định: “Dự án đã được TTCP kết luận có nhiều vi phạm. Quan điểm của huyện là cần xử lý nghiêm vi phạm nhằm tránh lãng phí đất đai, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư trên địa bàn”.

Lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh cho biết UBND tỉnh đang triển khai các nội dung của KLTT của TTCP, trong đó giao thanh tra tỉnh làm đầu mối tổ chức thực hiện các nội dung của KLTT.

Trả lời PLVN, ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, cho biết, sau khi có kết luận của TTCP, tỉnh đã nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện thì chủ đầu tư dự án có đơn thư phúc tra. Ông Ánh cho rằng hiện TTCP đang rà soát sự việc.

Trrước đó, trong KLTT, cơ quan thanh tra đã chỉ ra nhiều sai phạm của dự án này: Không tuân thủ nghĩa vụ tài chính nhiều năm số tiền hàng trăm tỷ đồng; để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm đất dự án; vi phạm trật tự xây dựng khi xây dựng hàng loạt công trình không phép hoặc không có trong quy hoạch chi tiết 1/500; dự án đã hết thời hạn đầu tư và Cty Sài Gòn – Đại Ninh có nhiều vi phạm, tiến độ không đúng theo cam kết…

LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) đánh giá: “Theo quy định tại Điều 64 Luật Đất đai 2013 và Điều 48 Luật Đầu tư 2014, đã thừa điều kiện để chấm dứt dự án trên. Đó là điểm g khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư “Sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án”; điểm đ và i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai “Đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm”, “Đất được nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục”…”.

Vẫn lời LS Hiệp: “Đề nghị phúc tra là quyền của đơn vị bị thanh tra, nhưng tôi cho rằng vì dự án đã có những sai phạm quá rõ ràng và kéo dài quá lâu, TTCP và các cơ quan TW sẽ có những quyết định đúng đắn, phù hợp pháp luật về dự án Đại Ninh”.

“Cần thực hiện nghiêm kết luận của TTCP”

“Khi thực hiện một dự án thì pháp luật đã quy định về điều kiện, thời hạn triển khai. Đặc biệt với dự án sinh thái nghỉ dưỡng 3600 ha, ảnh hưởng rất lớn. Do đó TTCP đã có kết luận thì cần thực hiện nghiêm theo kết luận.  

Việc dự án chậm tiến độ kéo dài như Đại Ninh gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến quy hoạch chung của địa phương, ảnh hưởng đến người dân, gây lãng phí nguồn lực đất đai”.

“PGS. TS Bùi Thị An, nguyên ĐB Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường & Phát triển Cộng đồng”.

Đọc thêm