“Cụ Giời” không có y đức
Trong lần thứ hai thâm nhập cơ sở khám chữa bệnh của “cụ Tám Giời”, tôi tiếp tục hòa vào dòng người đông đảo chầu trực ở đây. Buổi chữa bệnh ngày hôm đó nổi bật lên trường hợp một phụ nữ quê tỉnh Bắc Giang có chồng vừa mất sớm thì 2 ngày sau con trai lên cơn co giật, đi bệnh viện bác sỹ chẩn đoán bệnh viêm màng não.
Bên cạnh việc đưa con đi bệnh viện, gia đình còn làm lễ giải hạn vì được thầy cúng “phán” rằng nguyên nhân tai ách này là do có tang trùng. Nghe người làng mách bảo, chị này cũng đến thỉnh “cụ Tám” chữa bệnh đường âm cho gia đình mình.
Hỏi ra mới biết chị đã từng một lần đến đặt lễ đánh dấu ở “cửa Giời” nhưng “cụ Tám” chưa chữa cho. Sau đó, chị bận chăm con cả vài tháng trời ở Hà Nội nên chưa có thời gian quay lại “cửa Giời” nhờ bùa phép của “cụ Tám”.
Trong thời gian này, chị cũng theo một thầy bùa khác để nhờ giúp đỡ nhưng bệnh tình của con trai không khỏi nên chị sinh lo lắng.
Hôm phóng viên đóng giả con bệnh đến “cửa Giời”, chị này cũng đến trình bày hoàn cảnh với “cụ Tám”. Sau khi “soi” bệnh cho chị, “cụ” tỏ ra rất phật lòng vì chị này đã phản “cửa Giời” để “đi đêm” với thầy bùa khác nên nhất mực đòi trả vấn lễ về.
Nghe “cụ Tám” nói vậy, người phụ nữ này mới quỳ lạy van xin thống thiết, các con nhang đệ tử ở ngoài cũng chêm lời xin khẩn nên “cụ” mới phần nào nguôi giận. Tuy vậy, “cụ Tám” vẫn rất “sang chảnh” khi không chữa liền tay mà hẹn chị này tới ngày hôm mùng 7 âm lịch thì quay lại.
Trước mắt, “cụ” cho chị này vài đồng tiền lẻ về đặt ở sân nhà lạy sám hối... cụ thần linh. Thế mới thấy rằng “cụ Tám Giời” luôn leo lẻo nói mình được mệnh Giời sai bảo đi chữa bệnh cho người ở hạ giới nhưng “cụ” chẳng có tẹo teo y đức nào, bởi “cụ” coi cái sĩ diện của mình nó “to” hơn hoàn cảnh, sức khỏe của người bệnh.
Tuy vậy, trước khi ra về, người phụ nữ này vẫn nấn ná lại để hỏi về chứng ho khan của cậu con trai, đồng thời khẩn thiết van xin “cụ Tám” phán xét. “Cụ Tám” bảo không cần cho cậu bé uống thuốc, chỉ cần đặt hai tờ tiền vào cổ họng thằng bé rồi cứ thế sám hối “cụ thần họng, thần cổ” là sẽ khỏi ho!?
Muôn hình vạn trạng hầu “cửa giời”
Theo tìm hiểu của tôi, tới hầu điện nhà “cụ giời” chữa bệnh có muôn hình vạn trạng con bệnh. Có người là nữ giáo viên, chồng đi cặp bồ về nhà đòi ly dị vợ. Bất lực không thể níu kéo được tình cảm của chồng, chị này cho rằng người nhà mình đang mắc bệnh đường âm nên cũng dẫn cả con theo để trừ tà.
Cũng có người chồng chết, hóa điên thoát y đi khắp nơi, người ta bảo căn cao số nặng phải hầu đồng, được giới thiệu cũng lặn lội vài chục cây số để hầu “cụ Giời”. Có cả cặp vợ chồng đều là sỹ quan quân đội nhưng vì không có con trai nên tuần nào cũng lên thỉnh “cụ Giời” để cầu tự. Rồi thì có trường hợp con bị tâm thần do “đập đá” nhiều, cho rằng đang bị ma hành nên cũng đưa tới thỉnh “cụ Tám” đuổi vong ma...
Thậm chí, có người con cái hư hỏng nhiều lần mang xe đi cầm cố cũng đến cầu khẩn xin “cụ Tám” “soi” chữa bệnh. Hầu như bệnh nào thì bệnh, tới điện “cụ Tám” đều được soi chữa. Kết quả chẩn đoán nếu không bị vong hành, ma theo thì cũng là động thiên, động địa. Nhưng không căn bệnh nào “cụ Tám” chịu thua. Chỉ cần đều đặn tới để “cụ” tát, đấm, mắng và lạy thần linh là đủ để cho người bệnh “ổn lại như xưa”...
Một người phụ nữ quê ở tỉnh Hưng Yên cho biết, thời kỳ cao điểm vào dịp này năm ngoái, nhà “cụ Tám” lúc nào cũng có cả trăm người đến khám, chữa bệnh ra vào tấp nập. Thế nên, người đi chữa bệnh có khi phải xuất hành từ 3-4h sáng, tới nơi vẫn còn phải xếp hàng. Nhiều trường hợp đói vàng cả mắt nhưng vẫn phải cố nhịn để đợi tới lượt. Hiện giờ, thì có đỡ hơn cho con bệnh vì “cụ Tám” đã lệnh cho nấu cơm phục vụ khách tại nhà miễn phí.
Qua tìm hiểu thì nghe nói khoảng 13 năm trước, “cụ Tám” đột ngột nổi điên dại, thường xuyên không làm chủ được suy nghĩ, hành động nên các con cháu rất vất vả trông nom. Đi xem các thầy bói, thầy cúng, họ bảo “cụ Tám” có căn quả, được “nhà Giời” cho ăn lộc, phải xây điện tu hành và làm phép cứu giúp mọi người. Vậy là, “cụ Tám” xây một điện nhỏ để cúng bái chữa bệnh cứu người.
Vào ngày rằm, mùng 1, “cụ Tám” đều nấu xôi, chè, mang thịt cá mang dải khắp các sông hồ để tán lộc. Dần dà, tiếng tăm của “cụ Tám” cũng vang xa, việc khám chữa bệnh cũng phát đạt nên “cụ” cho cơi nới, xây mới một điện khang trang như ngày hôm nay.
Ngoài phương pháp khám, chữa bệnh tâm linh “có một không hai” của mình, “cụ Tám” còn có một đội ngũ “nữ y tá” không chỉ phò tá làm nhiệm vụ giúp việc khám chữa mà còn hợp nhau lại để kẻ tung, người hứng, tạo thành một chiếu diễn hết sức lố bịch và nhố nhăng nhằm câu khách và gây sự chú ý.
Cùng chiếu diễn đó là những thủ thuật “soi bệnh”, gợi hỏi như vừa dò, vừa ra lệnh. Con bệnh vốn đi khám đã mang trạng thái hoang mang, vái tứ phương nên sợ thì lại càng sợ, cuối cùng đều trở thành con rối “cửa Giời” để “cụ” và đám đệ tử giật dây.
Thế là con bệnh đã mê muội thì lại càng u mê hơn, về nhà lại tuyên truyền những điều nhảm nhí này khiến lượng khách tìm đến “cụ” ngày càng đông hơn...