Không làm đúng pháp luật về bảo vệ môi trường
Trước việc khí thải đèn xì phát tán từ hai nhà máy sản xuất của Cty Tân Nguyên và Cty Tân Đông, hàng trăm hộ dân thị trấn Phú Thứ đã làm đơn kiến nghị chính quyền địa phương đề nghị được đối chất trực tiếp với hai doanh nghiệp (DN) này để làm rõ việc có hay không ô nhiễm không khí do khí thải của nhà máy phát ra. Việc đối chất chưa diễn ra và cũng chưa có kết luận chính thức của cơ quan quản lý về việc này, nhưng một điều khá rõ là những thủ tục pháp lý bắt buộc về môi trường đã không được tuân thủ.
Qua tìm hiểu của phóng viên Báo PLVN, cả hai DN này đều chưa nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Cty Tân Nguyên đi vào hoạt động từ năm 2009, nhưng phải đến năm 2011 mới được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và đến năm 2013 mới được cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường.
Sự chậm trễ trên diễn ra tương tự với Cty Tân Đông. Hoạt động từ đầu năm 2015 nhưng tháng 1/2016 mới được UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Với quy định DN phải hoàn thiện đầy đủ các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động thì ngay từ đầu, hai DN này đã không chấp hành đúng pháp luật về bảo vệ môi trường.
Không chỉ có vậy, Cty Tân Nguyên còn lắp đặt hệ thống lọc bụi mới lên tới 2.000m2, trị giá khoảng 350.000 USD mà chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo lý giải của ông Trần Văn Lưỡng - Phó Giám đốc Cty Tân Nguyên, việc lắp đặt hệ thống lọc bụi mới trên nhằm đảm bảo từng bước mở rộng quy mô sản xuất từ 50.000 tấn/năm đến 120.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, điều đáng quan ngại ở đây là khi hệ thống lọc bụi mới đi vào hoạt động, DN đã và vẫn đang vận hành một hệ thống lọc bụi cũ kỹ, được lắp đặt từ ngày đầu sản xuất. Dù các cấp có thẩm quyền chưa cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường cho giai đoạn mở rộng quy mô sản xuất, một trong những thủ tục bắt buộc để vận hành hệ thống lọc bụi 2.000m2, nhưng DN lại “làm liều” bằng cách đấu nối hai hệ thống đó với nhau.
Đối với các công trình bảo vệ môi trường tại Cty Tân Nguyên thì nhiều hạng mục có dấu hiệu cũ nát, xuống cấp; dây chuyền sản xuất gần sát khu dân cư khiến người dân thị trấn Phú Thứ bức xúc, nhất là máy thiêu kết. Khoảng tháng 3/2016 xảy ra nhiều trường hợp có khói nghi ngút khi thiêu kết nên công ty đã phải dừng sản xuất và phải thành lập ban cải tạo thiết bị bảo vệ của máy thiêu kết. Công ty cam kết rằng sau khi cải tạo xong và vận hành đạt hiệu quả mới đưa dây chuyển này vào sản xuất.
Còn về hệ thống thoát nước mặt của nhà máy, ông Lưỡng cũng thừa nhận, hàng tấn nguyên vật liệu không được che phủ cẩn thận nên ngoài khí bụi, mỗi khi trời mưa nước rửa nguyên liệu chảy thẳng xuống sông Phi Liệt.
Số liệu quan trắc “tốt”, nhưng người dân không tin
Ngoài việc không đáp ứng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, việc sử dụng nguyên liệu đầu vào của hai DN cũng bị nghi ngờ có tác động tiêu cực đến môi trường. Theo Báo cáo số 064/2016/BC-TĐ của Cty Tân Đông, DN sản xuất, kinh doanh các loại hợp kim nhôm và các loại sản phẩm phụ của hợp kim nhôm với nguyên liệu đầu vào không sử dụng phế thải độc hại ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, trong danh mục nguyên liệu được công ty nhập khẩu qua một công ty thành viên thu mua ở nước ngoài về xử lý lại có 2 nguyên liệu là nhôm phế liệu, dầu FO.
Tương tự, đại diện Cty Tân Nguyên cho biết, công ty sản xuất kinh doanh sản phẩm của hợp kim sắt, nguyên liệu chủ yếu là các loại quặng giàu mangan nhập khẩu từ Úc, Nhật, Nam Phi và quặng sắt, quắc zít, than cốc, than đá. Theo đánh giá của lãnh đạo UBND thị trấn Kinh Môn, nhôm phế liệu, dầu FO, quặng sắt chưa hẳn là nguyên liệu “sạch”.
Theo bà Nguyễn Thị Liễu - Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn, hai DN này chưa nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Ngày 9/6/2016, UBND huyện Kinh Môn ban hành Văn bản số 45/BC-UBND về kết quả chỉ đạo giải quyết đơn phản ánh kiến nghị của nhân dân, trong đó nêu rõ, UBND huyện yêu cầu hai DN kiểm tra, chấn chỉnh việc sử dụng nguyên liệu đầu vào không đúng quy định, vận hành công nghệ sản xuất đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật theo dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không sử dụng nguyên liệu, hóa chất không đảm bảo tiêu chuẩn, ngoài danh mục dự án. Trường hợp công nghệ kỹ thuật cũ, lạc hậu không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường thì bổ sung và đầu tư cải tiến công nghệ, lắp đặt hệ thống giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Luyện kim là một trong những ngành công nghiệp có tác động tiêu cực đối với môi trường do có lượng chất thải gồm nước thải, khí thải, chất thải rắn rất lớn và có nồng độ các chất ô nhiễm, độc tố cao. Với việc Cty Tân Nguyên và Tân Đông hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện chấp hành pháp luật về môi trường chưa nghiêm túc đã gây quan ngại, phản ứng của người dân là điều dễ hiểu.
Và điều khó hiểu nhất lại là các kết quả quan trắc môi trường do Trung tâm Quan trắc môi trường Hải Dương thực hiện. Theo kết quả quan trắc định kỳ thì thấy các thông số, chỉ tiêu thấp hơn mức giới hạn cho phép. Điều này đã thực sự tạo nên sự ngạc nhiên và khó tin đối với người dân và nhiều ý kiến đã cho rằng, kết quả quan trắc “có vấn đề” vì đã không phản ánh thực tế. Ngoài ra, hai công ty đã được UBND tỉnh Hải Dương cấp phép khai thác và sử dụng nước tại sông Cầu Cao, sông Phi Liệt, tiếp giáp với công ty để phục vụ hoạt động sản xuất.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề quan trắc môi trường và tại sao người dân lại không tin vào kết quả của Trung tâm Quan trắc môi trường Hải Dương.