Thói quen ăn uống 'xấu xí' cần thay đổi

(PLVN) - Bất chấp luật lệ đem thức ăn cấm qua nước ngoài, tự ý lấy đồ đang bán trong siêu thị nếm thử, bắt vật nuôi của người khác để làm thức ăn cho mình… Đó là những hành động “xấu xí” mà nhiều người Việt cần thay đổi.
Hình ảnh cửa hàng Nhật tan hoang vì thức ăn thừa sau cơn bão “mua hàng sale”.
Hình ảnh cửa hàng Nhật tan hoang vì thức ăn thừa sau cơn bão “mua hàng sale”.

Bấp chấp tự trọng

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện câu chuyện đi kèm hình ảnh hai cô gái trẻ với hành động “khó coi” trong siêu thị. Hai cô gái này có vẻ là sinh viên, vào một siêu thị lớn của Nhật tại TP HCM, đi dạo một vòng và nhân lúc khu ăn uống đông đúc, đã đến tự tiện lấy và nếm thử hầu hết các thức ăn tại các quầy hàng đang buôn bán như gà chiên, mực chiên giòn, xiên nướng…

Trong khi, đây là thức ăn để quầy hàng bán thì các vị khách thò tay vào bốc, xé như món hàng mình đã mua. Câu chuyện khiến cộng đồng mạng khá tức giận. Nhiều bạn trẻ từng chứng kiến hoặc là nhân viên siêu thị, cửa hàng cũng kể lại không ít hành vi vô ý thức của khách hàng như tự ý xé gói thức ăn đóng kín ra nếm thử, nhân lúc nhân viên không chú ý ăn vụng ngay tại quầy, lấy sữa từ các quầy bán ra uống rồi bỏ lại…

Câu chuyện này cũng làm nhiều người nhớ lại việc cách đây không lâu, một chuỗi cửa hàng của Nhật tuyên bố rút khỏi Việt Nam và thanh lý tất cả thực phẩm tại cửa hàng với giá rẻ.

Trong dịp này, mỗi ngày cửa hàng có hàng trăm khách đến mua, và cuối ngày, cảnh tượng còn lại trong cửa hàng là những trái cây bị ăn dở, sữa bị uống dở, bánh, kẹo bị xé ra khỏi bao bì và rác do thức ăn dùng tại chỗ vung vãi khắp nơi. Những bức ảnh “chiến trường siêu thị” này đã khiến những người có ý thức không khỏi xấu hổ.

Còn một câu chuyện gây tranh cãi từ nhiều năm nay chưa có hồi kết. Đó là cuộc khẩu chiến “ăn thịt chó mèo”. Lẽ dĩ nhiên, ăn thịt động vật phụ thuộc sở thích của mỗi người, nhưng ăn thịt trái phép, ăn vật nuôi của người khác lại là câu chuyện khác.

Có rất nhiều chó, mèo lên bàn ăn, bàn nhậu thực tế là vật nuôi, vật cưng, bạn bè của con người, của các gia đình. Hàng năm, bao nhiêu vụ trộm chó mèo không thể thống kê hết, cũng không ít vụ trộm chó mèo bị đánh thừa sống thiếu chết. Bao đội cứu hộ chó mèo cũng không chuộc xuể những chó mèo bị bắt trộm, nhốt lồng chồng chéo lên nhau để đem đi giết thịt. 

Nguy cơ vi phạm pháp luật

Nhưng thói quen ăn uống vô độ và bất chấp không chỉ gây ra những hành động vô ý thức. Nó còn dẫn đến cả những hành vi vi phạm pháp luật. Bắt chim, voọc, sinh vật quý hiếm, nằm trong danh sách bảo tồn để ăn, nhiều người còn tự hào khoe lên mạng xã hội như một chiến tích vì được ăn “của ngon vật lạ”.

Không chỉ thế, người ta còn đặt hàng, còn săn lùng. Nhiều nhà hàng thịt rừng vẫn tồn tại đâu đó trên cả nước, núp bóng những quán ăn bình thường và sẵn sàng phục vụ khi có khách vip, khách “sành ăn”. 

Thói xấu ấy không chỉ bộc phát khi ở trong nước, nhiều người Việt đi nước ngoài, vẫn giữ nguyên nết xấu ăn, thèm ăn bất chấp. Và khi ở môi trường quốc tế, nó không còn đơn giản là hành vi vô ý thức nữa mà đã trở thành những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng. Chẳng hạn như câu chuyên mang thực phẩm bị cấm sang các nước khác.

Không ít lần, dư luận xôn xao vì chuyện người Việt bị bắt khi mang trứng vịt lộn, mắm, chà bông… sang các nước. Mới đây, một cô gái bị bắt tại trận khi mang đến vài trăm quả trứng vịt lộn, hàng chục kí nem chua sang Nhật, số nem chua này lại bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi.

Cô gái đứng trước án phạt vài trăm triệu đồng cùng nhiều năm tù giam, trả giá cho hành vi cố mang thức ăn khoái khẩu đi nước ngoài. Hay báo chí phương Tây đưa tin, thi thoảng có những người Việt sống ở nước ngoài, bị bắt vì bẫy trộm bồ câu nướng ăn, bắt chó mèo nhà hàng xóm làm thịt… Những cái tin ấy tuy nho nhỏ, nhưng góp phần khiến hình ảnh người Việt xấu xí hơn một chút trong mắt bạn bè quốc tế.

Khi tôi có dịp phỏng vấn một hướng dẫn viên du lịch người Hàn Quốc về chuyện ăn thịt chó ở nước này, cô gái trẻ nói, đó là câu chuyện của nhiều năm về trước. Giờ đây, thịt chó không còn là món “quốc hồn quốc túy” của Hàn Quốc, từ khi bị phản ứng trong kỳ Thế vận hội, từ khi những người trẻ, thế hệ mới của Hàn Quốc lớn lên, và nhận ra một phần nguyên nhân việc mình bị chê cười.

Giờ đây, thế hệ trẻ Việt Nam cũng đã có nhiều thay đổi. Không ít bạn trẻ tham gia các hội giải cứu vật nuôi bị bắt, giải cứu động vật hoang dã. Không ít bạn trẻ lập những hội sống thuần chay vì hạn chế sát hại sinh linh.

Cũng không ít người hoạt động để cứu giúp, hạn chế những sinh linh vô tội, những động vật tự nhiên bị sát hại, vì môi sinh và vì chính con người. Với họ, miếng ăn không còn là điều quan trọng, không quan trọng bằng sự tôn trọng sinh mạng, tôn trọng luật lệ và tôn trọng tự nhiên.

Họ vẫn đang hành động âm thầm để tinh thần ấy được lan tỏa. Có lẽ, người Việt có thể hy vọng ở một thế hệ trẻ như thế, một thế hệ đã có sự thay đổi nhận thức, sống hữu ích và không xấu xí vì miếng ăn. 

Đọc thêm