Thu hồi đất cho dự án Trung tâm VHTT Đa Tốn (Hà Nội): Đất công hay đất đã giao cho dân?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong khi chính quyền địa phương cho rằng phần đất thu hồi là đất công do UBND xã quản lý thì một số người dân lại cho rằng đất họ đang sử dụng được giao từ những năm 1989 - 1990.
Khu đất đã được người dân xây dựng, ở ổn định trong thời gian dài.
Khu đất đã được người dân xây dựng, ở ổn định trong thời gian dài.

Dự án có sự điều chỉnh

Theo tài liệu, ngày 3/4/2019, UBND huyện Gia Lâm có Quyết định (QĐ) 2599 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng Trung tâm văn hóa thể thao (VHTT) xã Đa Tốn. Tại QĐ trên, ngoài việc phá dỡ khối nhà hai tầng xây dựng từ 1985, cải tạo các hạng mục khu vực trung tâm VHTT…; khu đất giải phóng mặt bằng (GPMB), san nền được xác định có diện tích khoảng 18.400m2.

Tổng mức đầu tư của dự án trên 19,9 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Ngày 16/11/2020, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, ông Lê Anh Quân ký QĐ 8936 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Trung tâm VHTT Đa Tốn; xác định diện tích sử dụng đất của dự án trên khuôn viên khu đất rộng khoảng 24.788,8m2 do UBND xã Đa Tốn “đang quản lý sử dụng”. Tổng mức đầu tư: hơn 19,8 tỷ, trong đó chi phí GPMB 3,2 tỷ đồng.

Ngày 11/10/2021, cũng vẫn ông Lê Anh Quân ký QĐ 6002 điều chỉnh nội dung, quy mô đầu tư dự án. Theo đó, thêm nội dung: Đầu tư sân bóng đá đồng bộ theo tiêu chuẩn. GPMB toàn bộ nhà, ki ốt các hộ dân liên quan đến dự án và trong phạm vi mở rộng tuyến đường 30m theo quy hoạch. Tổng mức đầu tư từ 19,8 điều chỉnh lên 30,3 tỷ đồng (tăng hơn 10 tỷ đồng), trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 11,5 tỷ đồng.

Một LS thuộc Đoàn LS TP Hà Nội cho biết, theo Điều 63 Luật Đất đai 2013 thì việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải dựa trên các căn cứ: Dự án thuộc các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 61, 62 Luật Đất đai; Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước thẩm quyền phê duyệt; và tiến độ sử dụng đất thực hiện dự án.

Chính vì vậy, việc “kết hợp”, GPMB cả phần đất nằm trong quy hoạch mở rộng đường (không thuộc dự án xây dựng Trung tâm VHTT) khiến một số người dân cho rằng chưa xác đáng.

Cần sự đánh giá khách quan, công tâm

Về nguồn gốc đất, người dân và chính quyền địa phương đều xác định, khu đất GPMB trước đây là “đất ao”. “Giai đoạn 1989 - 1994, Chủ tịch UBND xã Đa Tốn khi đó nói với một số người dân là thực hiện chủ trương của cấp trên, để tạo bộ mặt của xã khi cấp trên về thăm nên xã đã họp, thống nhất chủ trương và giao cho Phó Chủ tịch trực tiếp giao đất cho người dân”, bà Đỗ Thị Minh (người dân khu liên gia số 6, xóm Hồ) nêu ý kiến.

“Cán bộ xã khi ấy còn yêu cầu các hộ nhận đất ra đây phải xây nhà cửa kiên cố, không được xây nhà tạm hay cấp 4. Lúc đó, chỗ này vẫn là ao sâu. Chúng tôi phải tự cải tạo, đóng cọc tre, đổ không biết bao nhiêu cát… mới có được mặt bằng xây dựng và kiến tạo nên như ngày hôm nay. Thậm chí, có người còn bảo chúng tôi “thừa tiền nên mới đổ xuống ao”. Bây giờ thấy đường sá, nhà cửa khang trang chứ mấy ai biết chúng tôi lúc đó vất vả, khó khăn thế nào”, ông Cung Văn Tuấn nêu ý kiến.

“Chúng tôi là người dân thì chỉ biết tin tưởng vào chính quyền địa phương. Khi đó, xã mời, vận động người dân ra ở để “tạo bộ mặt cho địa phương”. Ai đồng ý nhận thì xã “cắm” cho. Hơn 30 hộ gia đình chúng tôi đã làm nhà kiên cố, ở ổn định suốt hơn 30 năm nay”, ông Phan Bá Anh nói.

Trao đổi với PV, lãnh đạo UBND xã Đa Tốn cho biết, xã đã mời các nguyên lãnh đạo trước đây tới làm việc. Theo đó, có việc “cắm đất” cho người dân nhưng không có giấy tờ hay văn bản lưu lại.

Bên cạnh đó, một số thông tin UBND xã Đa Tốn đưa ra còn chưa đồng nhất với phản ánh của người dân như: Mục đích cắm đất làm ki-ốt, để kinh doanh chứ không phải giao đất ở; diện tích cắm cho 1 hộ bề ngang khoảng 3m (tổng khoảng trên 10m2), trong khi người dân cho rằng, khi giao đất không giới hạn chiều dài, do các hộ tự cải tạo…

Quá trình quản lý đất, hiện UBND xã cho rằng phần đất các hộ dân đang sử dụng là đất công do xã quản lý nhưng trên thực tế trong suốt thời gian dài lại không có hợp đồng thuê đất. Trong khi trước 2017, người dân khai có “đóng thuế” hàng năm với mức 1.000 đồng/m2/tháng.

“Điều này cho thấy, quá trình sử dụng khu đất có những vấn đề do lịch sử để lại; cần sự đánh giá, xem xét khách quan, công tâm để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân”, một LS nói.

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm cho biết, cơ quan chức năng đã nhận được đơn của người dân và đang tiến hành xử lý đơn, làm rõ các vấn đề liên quan.

Cùng nguồn gốc thửa đất, nhưng có trường hợp tại thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường từ thị trấn Trâu Quỳ đi xã Đa Tốn (thực hiện năm 2015), loại đất thu hồi được xác định là “đất ở tại nông thôn”. Còn tại thông báo thu hồi thực hiện dự án Trung tâm VHTT mới ban hành, lại thể hiện loại đất người dân đang sử dụng là “đất thương mại dịch vụ”.

Đọc thêm