Thực hiện bồi thường cho Công ty đã bị giải thể 8 năm trước
Năm 2013, để triển khai Dự án xây dựng Cầu 17/10 (cầu Thác Mạ), UBND TP Lạng Sơn đã có thông báo thu hồi đất, trong đó có thửa đất số 14, tờ bản đồ số 50 (khối 9, phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn) đứng tên bà Nguyễn Thị Lăng (59,5m2), ông Nguyễn Trọng Tiến (24m2); bà Phùng Thị Trường (54 m2).
Đầu năm 2015, các hộ trên đã chấp nhận phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư do UBND TP Lạng Sơn đưa ra, đồng ý phá dỡ nhà, bàn giao mặt bằng và bốc thăm nhận đất tái định cư (dù chưa có đất trên thực địa).
Chờ đợi để nhận đất tái định cư đến cuối năm 2017 thì 3 hộ bỗng nhiên bị UBND TP Lạng Sơn ra Quyết định số 4580/QĐ-UBND (13/12/2017) hủy phương án bồi thường, tái định cư trước đây.
Không đồng ý, các hộ đã khiếu nại đề nghị hủy Quyết định số 4580/QĐ-UBND để thực hiện đền bù tái định cư với các hộ dân như trước đây. Tuy nhiên, UBND TP Lạng Sơn đã bác khiếu nại trên vì cho rằng Cty TNHH Hồng Sơn mới là chủ sử dụng đất (các hộ không là chủ sử dụng hợp pháp). Sau đó, UBND TP Lạng Sơn còn có văn bản giao cơ quan chức năng thực hiện thu hồi, bồi thường, hỗ trợ cho Cty TNHH Hồng Sơn dù Cty này đã bị giải thể trước đó 8 năm.
Nhà đất vốn là tài sản chung của 5 người
Quyết đòi lại quyền lợi, các hộ dân đã khởi kiện vụ án hành chính đối với UBND TP Lạng Sơn, đề nghị Tòa tuyên hủy Quyết định số 4580/QĐ-UBND.
Theo đơn khởi kiện, đầu năm 1993, khi thấy ông Nguyễn Trọng Hảo và ông Nguyễn Cường có ý định thành lập Cty nên bà Lăng, ông Tiến và ông Trần Mạnh Quỳnh đã cùng nhau góp tiền mua đất, xây nhà với dự định cho Cty mượn làm trụ sở.
Sau khi nhận 740 triệu của 3 người trên, ngày 18/11/1993, ông Hảo đã sử dụng 60 triệu để đứng tên nhận chuyển nhượng thửa đất số 14, tờ bản đồ số 50, diện tích 273m2 tại Khối 9, phường Đông Kinh của ông Hoàng Đức Nền và bà Hoàng Kim Thoa.
Ông Hảo và ông Cường sử dụng số tiền còn lại và góp thêm 43 triệu để xây dựng nhà trên đất. Lúc này, dù ngôi nhà đã được Cty Hồng Sơn sử dụng làm trụ sở nhưng đây vẫn là tài sản chung của các cá nhân (bà Lăng, ông Tiến, ông Quỳnh, ông Hảo, ông Cường) chứ chưa được coi là tài sản góp vốn vào Cty, chưa được hạch toán là tài sản Cty cũng như không thực hiện trích khấu hao tài sản cố định. Bản tổng kết tài sản của Cty ngày 30/6/1994 đã thể hiện rõ nội dung này.
Cũng vào tháng 6/1994, trên cơ sở đồng ý của các cá nhân, ông Hảo đã kê khai tài sản trên để thực hiện vay vốn ngân hàng. Bản xác minh tài sản và định giá tài sản thế chấp ghi rõ “Giấy chủ quyền: Nguyễn Trọng Hảo” (chứ không mang tên Công ty).
Dù qua nhiều lần thay đổi đăng ký kinh doanh nhưng bà Lăng, ông Tiến, ông Quỳnh vẫn chưa bao giờ có tên trong danh sách thành viên Công ty Hồng Sơn. Năm 2005, do muốn rút lại số tiền đã đưa ông Hảo trước đây nên bà Lăng, ông Tiến, ông Quỳnh có “Đơn đề nghị rút vốn góp”.
Vì số tiền này đã được ông Hảo dùng để mua đất, xây nhà nên bà Lăng, ông Tiến, ông Quỳnh, ông Hảo, ông Cường thỏa thuận phân chia nhà đất tại khối 9 phường Đông Kinh cho 5 đồng sở hữu. Ông Hảo chuyển phần mình được nhận cho bà Phùng Thị Trường.
Tháng 5/2005, các bên đã lập bên bản giao nhận đất và nhà theo hiện trạng thực tế để phân chia tài sản chung.
Sử dụng ổn định đến năm 2015 thì có 3 hộ dân bị UBND TP Lạng Sơn lấy đất làm dự án xây cầu. Trước đó 5 năm, Cty TNHH Hồng Sơn cũng làm thủ tục giải thể.
Áp dụng sai luật
Tại phiên tòa hành chính sơ thẩm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện có quan điểm, UBND TP Lạng Sơn đã có sự suy diễn, áp đặt và nhầm lẫn về chủ thể khi cho rằng diện tích do các cá nhân đứng tên kê khai là thửa đất của ông Hoàng Đức Nền chuyển nhượng cho ông Nguyễn Trọng Hảo “đại diện” Cty Hồng Sơn ngày 18/11/1993.
Thực tế, theo nội dung giấy chuyển nhượng trên, có xác nhận của UBND phường Đông Kinh và lời chứng của Công chứng viên thì “bên nhận chuyển nhượng là ông Nguyễn Trọng Hảo thuộc Cty Hồng Sơn” (chứ ông Hảo không phải là “đại diện” cho Cty).
Với hồ sơ Cty, có thể thấy rằng đến thời điểm giải thể thì nhà đất tại khối 9, phường Đông Kinh vẫn là sở hữu chung của các cá nhân cho Cty Hồng Sơn mượn làm trụ sở chứ không phải là tài sản của Cty. Năm 2005, khi các cá nhân này tiến hành chia tài sản chung là phù hợp với quy định pháp luật về dân sự. UBND TP Lạng Sơn áp dụng Luật Doanh nghiệp để cho rằng Cty có vi phạm khi chi trả bất động sản cho cá nhân không phải là thành viên công ty là áp nhầm luật.
Phát biểu tại phiên tòa, đại diện VKSND TP Lạng Sơn cũng cho rằng tài sản 273m2 đất không phải là tài sản Cty. Bà Lăng, ông Tiến, bà Trường không phải là thành viên Cty nên không áp dụng Luật Doanh nghiệp mà áp dụng luật dân sự. Trong các bản kê tài sản của Cty Hồng Sơn đều không thể hiện nhà đất trên…
Tuy nhiên, HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Lạng Sơn vẫn ra phán quyết bác đơn khởi kiện của bà Lăng, ông Tiến, bà Trường vì cho rằng UBND TP Lạng Sơn sẽ tiếp tục xem xét giải quyết lại việc thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ tái định cư cho phù hợp.
Tỏ ra thất vọng với phán quyết trên, những người khởi kiện đều cho rằng họ đã bị lừa dối để nhận đất định cư “trên giấy”, bàn giao mặt bằng để rồi bị “nuốt lời”.