Tuy nhiên, người đang sử dụng khu đất này là ông Nguyễn Văn Tin (ngụ xóm Đoòng Lèng, thị trấn Tà Lùng, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng) làm bến bãi thì khẳng định đây là đất ông được chuyển nhượng, có giấy tờ làm bằng chứng, đã tôn tạo và xây dựng từ năm 2010. Ông Tin yêu cầu được đền bù thỏa đáng.
Tuy nhiên, quan điểm trước sau của chính quyền huyện Phục Hòa và Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Cao Bằng đều cho rằng các đòi hỏi của ông là không có căn cứ. Sau nhiều lần thông báo, vận động tự tháo dỡ không được, chính quyền và các cơ quan chức năng đã san bằng vật kiến trúc trên mảnh đất này và rào lại.
Nắm được diễn biến của vụ việc, nhằm làm mọi việc minh bạch, đảm bảo quyền lợi của công dân, tuân thủ pháp luật của Nhà nước, Báo Pháp luật Việt Nam đã có Công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng vào ngày 16/01/2015 với nội dung: “Báo Pháp luật Việt Nam đã cử phóng viên đến địa phương tìm hiểu sự việc. Qua làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phục Hòa và Ban Quản lý Cửa khẩu Tà Lùng nhận thấy các cơ quan này không cung cấp được bất cứ tài liệu gì để chứng minh mảnh đất này không phải của ông Tin, trong khi đó, ông Tin đã xuất trình những giấy tờ liên quan khẳng định đất này do ông nhận chuyển nhượng từ ông Trương Văn Bình là người cư ngụ lâu đời tại địa phương. Bản thân người chuyển nhượng cũng xác định việc này.
Tất cả những yêu cầu, khiếu nại của ông Tin trong hơn một năm qua chưa có cấp nào giải quyết hoặc trả lời mà chỉ ra thông báo cưỡng chế, vận động thi hành, không có văn bản nào giải quyết các khiếu nại của ông Tin.
Buổi cưỡng chế diễn ra vào ngày 28/12/2015 đã diễn ra. Mặc dù chính quyền địa phương cho rằng đây chỉ là việc “hỗ trợ bảo vệ thi công” nhưng thực chất là cuộc cưỡng chế với đầy đủ đại diện ban ngành chức năng, chính quyền địa phương, công an, bộ đội biên phòng tham gia, máy xúc đã phá hủy toàn bộ công trình xây dựng trên đất, thu giữ tài sản, bắt người,...
Việc chưa đền bù đất đai, chưa thỏa thuận được với người sử dụng đất đã cưỡng chế thu hồi gây thiệt hại về tinh thần, tài sản có dấu hiệu cho thấy hành vi này trái với quy định pháp luật hiện hành, xâm phạm đến lợi ích chính đáng của công dân được pháp luật bảo vệ.
Báo Pháp luật Việt Nam đề nghị đồng chí Chủ tịch tỉnh xem xét, cho kiểm tra làm sáng tỏ vụ việc và trả lời cơ quan báo chí cũng như người khiếu nại được biết”.
Ngay sau đó, Chủ tịch tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo huyện Phục Hòa và các cơ quan liên quan xem xét sự việc. Tuy nhiên, “không có bổ sung gì mới” nên Thanh tra huyện đã có công văn trả lời ông Tin “không xem xét sự việc nữa”. Không đồng ý với sự trả lời đó, ông Tin tiếp tục khiếu nại. Mới đây, ngày 26/7/2016, Chủ tịch huyện Phục Hòa chủ trì cuộc đối thoại với ông Tin, ghi nhận các phản ảnh cũng như quan điểm của các cơ quan chức năng. Cuộc đối thoại công khai này “cấm cửa” các nhà báo, riêng luật sư của người khiếu nại được tham dự.
Một tình tiết là khi làm việc với Ban Quản lý kinh tế Cửa khẩu Tà Lùng vào tháng 1/2016, vị lãnh đạo ở đây cho phóng viên biết là “vẫn còn 700 triệu tiền đền bù để đấy, nếu xác nhận được người chủ thực sự của khu đất này thì người đó sẽ được nhận”. Nghĩa là, cho đến nay, không chỉ duy nhất một quan điểm từ chính quyền là “đất này đã giao cho Công ty CT, giờ thu hồi một phần” mà vẫn còn bỏ ngỏ một phương án rằng có người chủ thực sự của khu đất đó!
Một việc thu hồi đất không rõ ràng, một cuộc cưỡng chế dưới danh nghĩa “bảo vệ thi công” thiếu minh bạch, đó là những động thái hành xử không đúng với tinh thần tuân thủ pháp luật. Rất mong vụ việc này được làm sáng tỏ, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân và giữ vững kỷ cương, phép nước.