Thu hồi đất thực hiện 3 dự án tại Nghĩa Hưng (Nam Định): Vì sao người dân chưa đồng thuận?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một số người dân tại các xã Nghĩa Hải, Nghĩa Thành, Nghĩa Lâm (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) có đơn gửi cơ quan chức năng đề nghị xem xét thỏa đáng quyền lợi của dân liên quan việc thu hồi đất thực hiện một số dự án trên địa bàn huyện.
Thu hồi đất thực hiện 3 dự án tại Nghĩa Hưng (Nam Định): Vì sao người dân chưa đồng thuận?

Ngày 9/10/2021, UBND tỉnh Nam Định ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy gang thép số 1 Xuân Thiện Nam Định của Cty CP Xuân Thiện Nam Định. Quy mô diện tích khoảng 341,11ha tại các xã Nghĩa Hải, Nghĩa Thành, Nghĩa Lâm.

Ngoài dự án trên, còn hai dự án khác là Nhà máy cán thép Xuân Thiện Nghĩa Hưng của Cty CP Xuân Thiện Nghĩa Hưng, diện tích khoảng 28,05ha (tại xã Nghĩa Lâm) và Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định của Cty CP bê tông Nghĩa Hưng, diện tích khoảng 57,80ha (tại xã Nghĩa Hải).

Theo thông báo, liên quan việc thu hồi hơn 431ha đất tại huyện Nghĩa Hưng, dự kiến hết 2021 sẽ hoàn thành phương án đền bù, thu hồi đất để đến tháng 5/2022 bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng còn chưa nhận được sự đồng thuận của dân.

Theo các hộ dân, từ 1991, nhiều hộ đã ký hợp đồng kinh tế với UBND huyện để đấu thầu dưới hình thức tự bỏ vốn, khoanh vùng đắp đầm tận dụng mặt nước nuôi trồng thủy sản; thời hạn từ 1991 – 1996 (5 năm), sau đó là 3 năm; từ 2000 đến 2009 thời hạn ký hợp đồng 1 năm. Việc mở rộng nuôi trồng thủy sản ở Nghĩa Hưng đã khiến vùng đất này trở nên sôi động với hàng nghìn hộ làm nghề, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động.

Ngày 19/12/2018, UBND tỉnh có Quyết định 2896/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế thuỷ sản và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Nam Định đến 2025 định hướng 2030. Căn cứ vào đó, nông dân các xã càng yên tâm dồn tiền, dồn công sức đầu tư, xây dựng các khu nuôi trồng thuỷ sản ven biển. Nghĩa Hưng đã được cấp hai thương hiệu sản phẩm quốc tế là Cá bống bớp Nghĩa Hưng và Ngao vạng Nghĩa Hưng. Nhờ đó, đời sống nhân dân được nâng cao, yên tâm bám biển sản xuất, giải quyết việc làm, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tại khu vực Cồn Xanh (thuộc các xã Nghĩa Hải, Nghĩa Thành, Nghĩa Lâm), có 3 dạng đất nuôi trồng thuỷ sản chính được UBND huyện cấp đất theo dạng trang trại với diện tích khoảng 100ha; đất đấu thầu thời hạn sử dụng 10 năm và một số hộ được ký tiếp thời hạn 5 năm đến 2024 với khoảng 350ha; đất tự khai hoang, nuôi trồng thuỷ sản khoảng trên 30 năm, sau đó được UBND huyện cho nhận thầu khoảng 400ha.

Trong đơn, người dân cho rằng bức xúc khi tháng 9/2021 nhận được thông báo của UBND huyện về việc dừng xuống giống mới và đầu tháng 11 UBND tỉnh có thông báo thu hồi đất: “Việc thu hồi đất để thực hiện các dự án sẽ gây thiệt hại to lớn cho nông dân; cả chục nghìn lao động trực tiếp và phụ trợ sẽ thất nghiệp. Chúng tôi được một số cán bộ huyện nói nhà máy ở đây sẽ biến nông dân thành công nhân, giải “bài toán” lao động dôi dư; nhưng hàng nghìn người trên 50 tuổi thì sao đi làm công nhân được nữa? Trong khi đó, nếu tiếp tục canh tác nuôi trồng thuỷ sản vẫn có thể có công ăn việc làm, có thu nhập”.

Trước sự việc trên, một số người dân huyện Nghĩa Hưng mong muốn cơ quan chức năng tỉnh Nam Định cần xem xét, giải quyết những kiến nghị một cách thỏa đáng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Đọc thêm