10 năm đòi đường ra biển
Trong buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội, câu chuyện chính quyền giao đất cho nhà đầu tư khai thác du lịch vệt biển thuộc quận Ngũ Hành Sơn một lần nữa được hâm nóng. Ông Thái Văn Cát (cử tri quận Ngũ Hành Sơn) nhấn mạnh “một lần nữa” vì việc này được cử tri kiến nghị rất nhiều lần trước đây.
Ông Cát cho biết, khu vực Ngũ Hành Sơn nổi tiếng với bãi biển Bắc Mỹ An. Năm 1963, tuyến đường Hồ Xuân Hương hình thành và trở thành lối đi chính để người dân ra biển. Năm 2003, thành phố chủ trương giải tỏa, cho mở rộng thêm con đường với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Thời điểm trên, hầu như mọi nhà đều đồng tình, sẵn sàng hiến đất. Oái ăm, cùng thời điểm, thành phố lại cắt một phần diện tích đất ven biển (không tính đường đi) giao cho các chủ đầu tư, trong đó có khu biệt thự nghỉ dưỡng du lịch Sunrise.
Ông Cát kể, có những gia đình, nhiều nhất ở đoạn cuối đường Hồ Xuân Hương (hướng biển) phải chấp nhận di dời hẳn, vì ai nấy đều kì vọng sau khi hoàn thành con đường sẽ đem lại lợi ích cho nhân dân. Chưa kịp mừng, năm 2007, một khu biệt thự du lịch cao cấp mọc lên. Lâu dần, chủ đầu tư cho xây tường bao độc chiếm lối xuống biển. Không chấp nhận, năm nào tại các buổi tiếp xúc cử tri ở quận Ngũ Hành Sơn người dân cũng bức xúc, kiến nghị chính quyền TP Đà Nẵng, yêu cầu chủ đầu tư trả lại đường. Thế nhưng đến nay, nguyện vọng trên vẫn chưa có câu trả lời.
Tiếp lời, bà Tăng Thị Tâm (60 tuổi, ngụ đường Hồ Xuân Hương) trình bày, vì chủ trương phát phát triển thành phố, gia đình sẵn sàng mất đi 300m2 đất, không có tiền đền bù. Công việc kinh doanh cũng phải ngưng để phục vụ giải tỏa cung đường. “Việc thành phố giao đất cho nhà đầu tư để phát triển du lịch, chúng tôi ủng hộ. Tuy nhiên, cũng phải tính toán kỹ để chừa khoảng cách giữa các khu du lịch làm lối xuống biển cho dân. Nhà đầu tư nhảy vào rào kín, giờ biển trước mặt mà phải đi lòng vòng mãi, sao chấp nhận được. Chúng tôi cũng vì thế mới phản ánh, mà đã 10 năm, dân chờ một câu trả lời không thấy”, bà Tâm nói.
Trong các cuộc họp tiếp dân, bà con quận Ngũ Hành Sơn còn thẳng thắn đặt nghi vấn, ở đây không phải khu vực quân sự hay một công trình an ninh quốc gia mà không hiểu vì sao cả vùng biển rộng lớn chỉ để doanh nghiệp thừa hưởng. Con đường dân đóng góp cũng chỉ phục vụ cho những doanh nghiệp này?
Quyết tâm của chính quyền chỉ dừng trên giấy
Đặc biệt, khi bít đường xuống biển, tuyến đường Hồ Xuân Hương cũng không còn được kỳ vọng sẽ thu hút đầu tư trong lĩnh vực lưu trú du lịch như đề ra. Các khách sạn tầm cỡ trong khu vực khi được hỏi đều cho biết, công suất khai thác phòng bình quân chưa đến 40% vào mùa du lịch cao điểm. Phần lớn nhà hàng “ăn theo” khách sạn cũng chấp nhận thua lỗ, tháo dỡ. Nguyên nhân do không có đường xuống biển cho du khách.
Trao đổi với PV, ông Lê Tấn Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ xác nhận thực tế này. Theo ông Nghĩa, nếu đi dọc bờ biển rộng lớn thuộc phường Mỹ An và phường Khuê Mỹ dễ dàng nhận thấy lối xuống biển bị bịt kín bởi các khu nghỉ dưỡng cao cấp và resort. Ngoài ra, còn có nhiều dự án khác cũng xí phần đất bằng cách dựng hàng rào che chắn.
Không chỉ độc chiếm, chủ đầu tư còn phớt lờ chỉ đạo của thành phố. Cụ thể, tại Công văn 6010/SXD-QLQH (15/10/2014) mà PV có được, nội dung ý kiến của Sở TN-MT nêu: “Đề nghị thu hồi phần diện tích đường Hồ Xuân Hương nối dài (8.104 m2) và thu hồi phần diện tích phía đông tuyến đường (hiện tại chủ đầu tư đã xây dựng bãi đỗ xe) để làm đường giao thông xuống biển phục vụ nhân dân”, nhưng thực tế không được thực thi.
Đáng nói, qua phản ánh liên tục của người dân, UBND TP Đà Nẵng cũng ra quyết định phê duyệt điều chỉnh qui hoạch một số dự án du lịch nghỉ dưỡng để mở lối đi thông ra biển. Cụ thể, đầu năm 2017, mở lối xuống biển rộng 17m giữa dự án khu du lịch quốc tế đặc biệt Silver Shores và dự án của Cty CP Hòn Ngọc Á Châu; lối xuống biển rộng 10m tại phía bắc dự án The Nam Khang Resort Residences; lối xuống biển rộng 3,5m tại phía bắc dự án Khách sạn và biệt thự biển Đông Phương; lối xuống biển rộng 4m tại phía nam dự án Future Property. Ngoài ra, khu vực giữa dự án Furama và quần thể đô thị du lịch quốc tế Ariyana cũng được chọn triển khai xây dựng lối xuống biển từ tận dụng mặt trên của tuyến cống hộp. Tuy nhiên, hơn 10 tháng trôi qua, cả 5 lối đi này vẫn chưa có động tĩnh.