Biển "xâm thực", dân nơm nớp lo mất nhà

(PLO) - Tình trạng thủy triều ngày một dâng cao khiến hàng trăm mái nhà  bà con sinh sống tại vùng ven biển ở thôn Tiến Đức (xã Tiến Thành, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) bị cuốn ra biển. Hàng trăm hộ dân còn lại đang trong “diện nguy hiểm” vì không biết lúc nào sẽ bị biển xâm thực. 
Người dân Tiến Đức nơm nớp lo nhà sụp.
Người dân Tiến Đức nơm nớp lo nhà sụp.
Luôn sẵn sàng... chạy
Những năm gần đây, nhiều hộ dân trong diện di cư này phải sống trong tình trạng hoang mang vì sóng biển ngày càng lấn sâu vào đất liền. Từ năm 2011 đến nay, thôn Tiến Đức đã có 76 hộ bị sụp hoàn toàn nhà cửa, riêng trong năm 2014 đã có 27 nhà bị đánh sập. Phần lớn những căn nhà thuộc vành đai biển đang đang trong tình trạng “báo động đỏ”, hiện có 20 hộ có nhà ở cách mặt nước biển chưa đầy 1m.
Cũng theo người dân cho biết, mỗi khi có gió nồm thổi thì sóng thấp nên chậm lấn vào đất liền, nhưng khổ nhất là đến khoảng tháng 9-10, gió bắc thổi đến khiến thủy triều ngày càng dâng cao và ăn sâu vào khu dân cư sinh sống.
“Cuối tháng 3 năm ngoái (2013 - PV), lúc gia đình tôi đang chuẩn bị đi ngủ thì bỗng hốt hoảng khi thấy đất dưới nền nhà bị sụt lún một cách nhanh chóng. Lúc này chồng tôi đã ngủ nên không kịp chạy khỏi nhà và bị gạch ngói rơi trúng người trọng thương. Tôi chỉ kịp bế đứa con nhỏ chạy ra ngoài kêu cứu. Mọi người nghe tiếng tri hô nên thức dậy và mang xe máy đến để chở người chồng tôi xuống bệnh viện.
Kể từ đêm đó, mọi thứ đều đổ sụp xuống trước mắt tôi: Mất nhà, chồng bị thương. Ngôi nhà cấp 4 hai vợ chồng đã vay mượn để xây dựng, đến nay chưa trả hết nợ thì đã bị biển cuốn trôi. Trong thời gian qua, hai vợ chồng tôi phải nhờ bà con lối xóm thương tình cho ở nhờ qua ngày chứ không có đất đai để dựng lều tạm bợ”, chị Lê Thị Mai (43 tuổi, người dân thôn Tiến Đức) nghẹn ngào tâm sự.
Người dân chịu thiệt hại nặng nề trong thôn Tiến Đức đã đâm đơn lên chính quyền nhiều lần nhưng vẫn chưa có chính sách giải quyết và di dân kịp thời. Trong thời gian vừa qua, những hộ dân bị sụp nhà và bị sóng cuốn trôi, cơ quan chức năng đã trợ cấp cho mỗi hộ 2 triệu đồng nhưng số tiền ấy là chẳng thấm vào đâu. Hơn nữa, khi những hộ dân cư này trình báo nhà cửa đang trong tình trạng nguy hiểm thì chính quyền chỉ hổ trợ bao cát chắn sóng nhưng hiệu quả không đáng kể trong việc ngăn chắn sóng. 
Nhà sập chỉ còn đống gạch vỡ.
Nhà sập chỉ còn đống gạch vỡ. 
“Nhà tôi bị sập toàn bộ, người thì bị trọng thương suýt chết, hiện không có nơi nương tựa mà chỉ cấp cho 2 triệu đồng thì có thể làm gì được. Quan trọng là chính quyền phải có trách nhiệm trước tính mạng và tài sản của người dân chúng tôi. Cứ như đà này thì sớm muộn gì cũng có người chết vì bị gạch đá đè lúc nửa đêm. 
Không “an cư” thì sao mà “lạc nghiệp” được chứ, ngày nào cũng thấp thỏm lo nhà sập thì ai dám ra biển mà làm ăn được? Chúng tôi thuộc diện di cư của nhà nước mà đến bây giờ không có chỗ để dựng lều tạm thì thật không còn gì để nói”, bà Hồ Thị Hoa (62 tuổi, người dân Tiến Đức) bức xúc phân trần.
Có nhà như... ở tạm?
Thôn Tiến Đức có khoảng 250 hộ dân sinh sống, trong đó có gần 100 hộ dân thuộc diện di cư năm 1994 từ phường Đức Thắng (TP.Phan Thiết) đến xã Tiến Thành để phục vụ chủ trương lấy mặt bằng xây cảng cá Cồn Chà của UBND tỉnh Bình Thuận. 
Chủ trương di dân được chia làm 3 đợt, trong đó 2 đợt đầu các hộ dân được di chuyển đến khu Vân Thánh (phường Phú Tài) và số dân còn lại được chuyển đến thôn Tiến Đức (xã Tiến Thành). 
Trước khi chuyển đến vùng đất mới, mỗi hộ nhận được 75m2 đất làm nhà, cùng 2 triệu đồng tiền mặt để ổn định ban đầu. Thêm vào đó, mỗi hộ được nhận 300 ngàn đồng tiền “phí di chuyển”, nhưng lúc này do chưa có đường đi thuận tiện nên đồ đạc chủ yếu được di chuyển bằng xe kéo dọc theo đường biển. 
Những ngày đầu chuyển đến thôn Tiến Đức, người dân phải tự vay mượn tiền để xây dựng nhà cửa trên lô đất đã được giao. Trong thời gian đầu chuyển đến, cuộc sống của người dân di cư gặp không ít những khó khăn, thiếu thốn. Thôn Tiến Đức được coi là thôn cuối cùng của xã Tiến Thành, nằm sát bờ biển nên không có đất canh tác cũng như phát triển các ngành nghề khác ngoài đi biển. 
Những ngôi nhà giờ chỉ còn là đống gạch vụn.
 Những ngôi nhà giờ chỉ còn là đống gạch vụn.
Một trong những khó khăn lớn nhất của người dân lúc mới đến là hiện trạng thiếu nước ngọt trầm trọng, thêm vào đó là cơ sở vật chất như điện, đường, trường, trạm cũng chưa được xây dựng đầy đủ để đảm bảo sinh hoạt. Phải mất nhiều năm sau cuộc di dân, người dân mới có thể dùng đèn điện thay đèn dầu, và cũng gần chừng ấy năm ở thôn Đức Tiến mới có đường thông xe với bên ngoài.
Tuy đã được cấp đất để làm nhà ở, nhưng trong gần 20 năm qua những hộ di dân này vẫn sống như người “ở tạm” vì chưa được cấp giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo nhiều người dân ở thôn Tiến Đức , trước khi có chủ trương di dân để làm cảng cá Cồn Chà thì chính quyền TP.Phan Thiết có hứa hẹn sẽ làm “sổ đỏ” cho những hộ dân này khi đã ổn định cuộc sống. 
Thế nhưng đã gần 20 năm nay việc này vẫn chưa được thực hiện. Nhiều người bức xúc nên đã làm đơn đề nghị chính quyền giải quyết, nhưng cho đến nay nguyện vọng của họ vẫn chưa được giải quyết.
“Mấy “ổng” cứ bảo khu đất này chưa ổn định nên không làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được. Nhưng đến nay đã 20 năm trời rồi mà vẫn chưa cấp được giấy là sao? Chúng tôi cũng thuộc diện di cư theo chủ trương của nhà nước và vẫn phải đóng thuế nhà đất đầy đủ từ khi chuyển đến đây cơ mà? 
Hơn nữa, trong mấy năm gần đây, mặc dù biển đã xâm lấn đến hư hỏng và sụp đổ gần như hoàn toàn nhà cửa nhưng chúng tôi vẫn phải đóng thuế sử dụng đất. Mặc dù đã nhiều lần kiến nghị đến cơ quan chức năng nhưng cho đến nay họ vẫn chưa giải quyết cho quyền lợi chính đáng của người dân chúng tôi”, ông Nguyễn Trọng Phú (SN 1969, người dân thôn Tiến Đức) bức xúc nói.
PLVN tiếp tục cập nhật thông tin.

Đọc thêm