Khi được hỏi vì sao gọi là “đồ bành”, chị Trang chủ shop giày bành Hoàng Dũng - người có thâm niên trong buôn bán đồ giày bành giải thích: “Do hàng đóng thành từng bành lớn nên người ta mới gọi là đồ bành, cũng có nhiều nơi, nhiều người gọi là hàng secondhand hoặc đồ sida”. Và trào lưu “săn” đồ bành cũng bắt đầu từ thời điểm này.
Ở Huế, đồ bành tập trung tại 3 khu chợ chính là: chợ Xép (đường Ngô Đức Kế), chợ Cống (đường Bà Triệu- Nguyễn Công Trứ) và chợ Tây Lộc (đường Nguyễn Trãi) – là một trong những khu chợ bán đồ bành lớn nhất Huế với nhiều mặt hàng phong phú và đa dạng. Ngoài ra, đồ bành còn được bán rải rác ở các khu chợ nhỏ, các shop hàng “tuyển” trên các tuyến đường trong thành phố.
Đồ bành có muôn hình vạn trạng. Trước đây chỉ có áo quần, vài năm trở lại đây có thêm nhiều mặt hàng như: túi xách, giày, gấu bông, mũ, chăn, ga… giá cả dễ chịu, nhiều loại từ vài ngàn đến vài trăm ngàn, tùy từng mặt hàng, nhưng rẻ nhất và được nhiều người lựa chọn vẫn là quần áo.
Các chợ đồ bành luôn thu hút các “tín đồ” thời trang, thích săn lùng các món hàng độc và lạ. Do đó, nhiều người bán đồ bành đã trà trộn thêm đồ cũ (hàng mới đã mặc...) để bán. Nếu không có kinh nghiệm khách hàng có thể lựa nhằm hàng cũ có xuất xứ từ Việt Nam hoặc hàng mới có xuất xứ từ Trung Quốc chứ không phải hàng bành, thế nên bạn phải cân nhắc kỹ hoặc nên đi lựa với người đã có kinh nghiệm “nhìn” hàng nếu không muốn mua phải hàng “kém chất lượng”.
Nếu có gu thẩm mỹ một chút, khách hàng có thể lựa chọn và phối cho mình một bộ đồ vừa đẹp, vừa rẻ lại vừa lạ, tạo nên phong cách riêng của từng người. Lựa đồ bành cũng là cái thú không chỉ của những bạn trẻ thích mua sắm, săn hàng lạ mà còn của rất nhiều người kể cả đàn ông con trai. Bạn Duy Lợi, sinh viên Trường Cao đẳng Du Lịch – Huế chia sẻ: “Mình thường đi chợ Tây Lộc và chợ Xép ở đây mình có thể tìm những món đồ độc lạ mà không đụng hàng ai, lại phù hợp với túi tiền của sinh viên như mình. Vậy nên mình rất thích khi mua đồ bành”.