Đối tượng nghiện ma túy có chiều hướng gia tăng
Từ năm 2005 trở về trước, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương tương đối “sạch” về ma túy. Song, do ảnh hưởng tình hình ma túy trong khu vực và các địa phương trong cả nước, đặc biệt Huế là trung tâm du lịch, TP. Festival của Việt Nam, lượng khách du lịch đến ngày càng tăng nên những năm gần đây, tình hình ma túy trên địa bàn diễn biến khá phức tạp và đối tượng nghiện ma túy có chiều hướng gia tăng.
Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, số người nghiện có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay là 562 người, tăng 92 người (tăng 19,57%) so với cuối năm 2016. Trong số 562 đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý thì thường tập trung vào độ tuổi từ 18 đến trên 30 tuổi. Trên 80% số này không có nghề nghiệp ổn định và loại ma túy thường được dùng nhiều nhất là heroin với 365 đối tượng.
Một nguyên nhân nữa được cho là khiến số người nghiện tại Thừa Thiên – Huế có chiều hướng gia tăng là do nhiều đối tượng ở các tỉnh, thành khác đến cư trú, làm việc hoặc người dân ở Huế đi làm ăn ở tỉnh khác bị nghiện ma túy sau đó trở về quê sinh sống và cai nghiện. Khi cai nghiện không thành công lại rủ rê lôi kéo thêm nhiều người làm gia tăng thêm đối tượng nghiện ngập.
Tỉ lệ tái nghiện còn cao
Với thực trạng số người nghiện ma túy đang có chiều hướng gia tăng cùng với đó là tình hình công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại, công tác cai nghiện được thực hiện dưới ba hình thức: thông qua Trung tâm Bảo trợ xã hội; cai nghiện tại cộng đồng và tại gia đình; điều trị bằng Methadone.
Ông Hồ Quang Minh - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống TNXH Thừa Thiên - Huế cho hay, thời gian qua đơn vị không ngừng phối hợp tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức đến từng địa phương. Tuy nhiên, công tác cai nghiện tại gia đình và tại cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn khi kinh phí cho hoạt động này tại các xã, phường, thị trấn chưa được bố trí. Ở địa phương chưa được trang cấp đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ, dụng cụ, thuốc men chữa trị... theo quy định nên việc cai nghiện vẫn chưa được triển khai thực hiện tốt.
“Ngoài ra, vì bận mưu sinh nên nhiều gia đình không thể giám sát hỗ trợ người cai nghiện trong quá trình cai nghiện và quản lý sau cai. Vì không được hướng dẫn các kỹ năng giúp đỡ, động viên con em mình cai nghiện và dự phòng tái cai nghiện nên ngoài tình yêu thương hầu như các gia đình chưa có biện pháp gì giúp con em đoạn tuyệt với ma túy. Sắp tới chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa công tác tập huấn, tuyên truyền về từng địa phương”- ông Minh cho hay.
Theo lãnh đạo Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh, diện tích đất trung tâm hiện quá nhỏ hẹp, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, vị trí, địa điểm không phù hợp. Đây cũng là điều kiện “tiếp tay” cho các đối tượng bên ngoài thường tìm cách ném các dụng cụ: lưỡi cưa, dao... nhằm giúp học viên có hung khí chống nhân viên bảo vệ và cưa cửa bỏ trốn. Mặt khác, trung tâm hiện không có bác sỹ để đảm bảo việc điều trị cắt cơn nghiện và xây dựng phác đồ điều trị nghiện cho người nghiện. Trung tâm cũng chưa có khu vực lao động sản xuất, lao động trị liệu, học văn hóa, học nghề, vui chơi thể dục, thể thao… cho học viên theo quy định. Đội ngũ y sỹ và lực lượng bảo vệ làm công tác cai nghiện vẫn còn hạn chế về số lượng và trình độ chuyên môn.
Thời gian qua Chi cục Phòng chống TNXH cũng đã đẩy mạnh công tác phối hợp với cơ sở điều trị bằng Methadone. Đến nay, cơ sở đã điều trị cho 265 lượt người nghiện. Tuy kết quả đáng khả quan nhưng thời gian tới các đơn vị vẫn phải chú ý nhiều đến phối hợp trao đổi thông tin để quản lý học viên giữa cơ sở điều trị methadone và địa phương. Tránh tình trạng người nghiện đối phó lẫn trốn hoặc sử dụng 3 trong 1 (vừa điều trị bằng Methadone, vừa lén lút sử dụng cả ma túy tổng hợp vừa cả thuốc phiện) làm giảm đi chất lượng của hoạt động điều trị Methadone.