Thừa Thiên - Huế: Hàng ngàn tấn cá ứ đọng do bí đầu ra

(PLVN) - Các cơ sở thu mua hải sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đang lâm vào cảnh khó khăn, điêu đứng khi hàng ngàn tấn cá tồn đọng trong kho cấp đông.
 Hàng trăm tấn cá tại cơ sở của ông Trần Văn Châu đang tồn đọng trong kho cấp đông.
Hàng trăm tấn cá tại cơ sở của ông Trần Văn Châu đang tồn đọng trong kho cấp đông.

Ngư dân lao đao

Đã hơn một tháng nay, tại Cảng Thuận An (thị trấn Thuận An, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), các chủ cơ sở thu mua hải sản quy mô lớn đang “bó gối” trước sự im ắng của thị trường. Kể từ năm 2016, thì đây là thời điểm mà các cơ sở thu mua hải sản trên địa bàn tỉnh đứng ngồi không yên vì hàng ngàn tấn cá tồn kho chưa có người thu mua. 

Tại cơ sở kho lạnh Chính Thủy (thị trấn Thuận An), mỗi tháng thu mua 300- 400 tấn cá các loại từ tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân địa phương và các tỉnh lân cận. Những năm trước, mỗi tháng 2/3 số cá thu mua được thị trường tiêu thụ nhưng năm nay, gần 500 tấn cá vẫn còn tồn kho, chưa có ai hỏi mua khiến cơ sở này khó khăn chồng chất.

“Cơ sở chúng tôi thu mua tất cả các loại cá, đặc biệt là những loại cá xuất khẩu như cá ngừ, cá thu, cá hố... Tuy nhiên, hiện vẫn chưa tiêu thụ được, tất cả các kho cấp đông chứa cá của cơ sở đã đầy, nếu thu mua thêm không biết để ở đâu.

Cá sau khi thu mua, cấp đông phần lớn được chúng tôi bán lại cho các doanh nghiệp hấp, sấy ở Quảng Trị, Quảng Bình nhưng năm nay rất ít doanh nghiệp hỏi mua. Bí đầu ra, nên phải bán lẻ ở trong tỉnh với giá rẻ, nhưng số cá bán được rất ít”- bà Nguyễn Thị Thủy, chủ cơ sở kho lạnh Chính Thủy cho biết. 

Ông Trần Văn Châu - chủ cơ sở kho lạnh Tám Thế cho biết: “Hiện tại, cơ sở của ông đang tồn đọng hơn 600 tấn các các loại. Cơ sở tôi có cam kết tiêu thụ hải sản cho nhiều tàu cá ở địa phương. Hiện nay, giá cá nục đang rớt mạnh nhưng tôi vẫn cam kết với ngư dân tiêu thụ sản phẩm với giá 9 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, việc bí đầu ra khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. 

Việc hàng ngàn tấn cá tồn đọng không chỉ là nỗi lo của các cơ sở thu mua mà đây còn là nỗi lo lắng chung đối với ngư dân vùng biển. Ngư dân Nguyễn Văn Huê (trú thị trấn Thuận An) cho biết, mấy chuyến đi biển vừa rồi giá cá bán ra đã giảm hơn mấy tháng trước.

Việc giá bán cá giảm kéo theo rất nhiều khó khăn, thậm chí có mấy chuyến biển liên tiếp, các tàu đều lỗ chi phí dầu, đá. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì ngư dân sẽ còn gặp nhiều khó khăn và tàu thuyền trước nguy cơ nằm bờ.

Không nên để các chủ cơ sở “tự bơi”

Lý giải việc cá rớt giá, khó tiêu thụ, theo các chủ cơ sở thu mua cá trên địa bàn, thông thường sau khi thu mua, sản phẩm sẽ được hấp, sấy chuyển sang thị trường Trung Quốc, Philippines. Tuy nhiên, gần 2 tháng nay, các thương lái không nhập sản phẩm và ép giá khiến giá cá không bằng phân nửa so với thời điểm cùng kỳ. 

Theo tìm hiểu, các cơ sở đông lạnh trên địa bàn tỉnh thường liên kết với các doanh nghiệp chế biến tại các tỉnh lân cận để tiêu thụ. Sản phẩm sau khi sơ chế được vận chuyển theo đường tiểu ngạch, chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, gần đây, việc Trung Quốc lấy lý do chính sách nhập khẩu được siết chặt, đòi giấy chứng nhận nguồn gốc và an toàn thực phẩm hàng nhập khẩu khiến cá của ngư dân tại các tỉnh miền Trung bị ứ đọng trong kho. 

Ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Cá không bán được, chắc chắn thị trường tiêu thụ đang bị thu hẹp và phụ thuộc. Do vậy, ngoài các đầu mối truyền thống, các chủ cơ sở cần tìm hiểu và liên kết với các đầu mối khác để giải quyết khâu thị trường. Sức tiêu thụ cũng tùy theo nhu cầu nên thời gian tới, giá cá có thể biến động.

Các cơ quan chức năng cho rằng, để tiêu thụ sản phẩm, các cơ sở kho đông lạnh cần mở rộng thị trường và có kế hoạch liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản lớn trong và ngoài tỉnh. Việc kết nối không chỉ làm giảm sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định mà còn giúp cho việc sự tiêu thụ lâu dài, bền vững.

Đọc thêm