Thừa Thiên – Huế: Lấn cấn lý – tình vụ cưỡng chế đập phá lăng mộ

(PLO) -“Cha tôi mất, gia đình chôn ông trên phần đất của gia đình. Đất này ngày trước gia đình trồng khoai sắn, sau này bỏ hoang, dùng làm nghĩa trang của gia đình, hoàn toàn không có tranh chấp với ai, không vi phạm lộ giới, quy hoạch. Thế nhưng, chỉ còn 1 tuần nữa là đến ngày giỗ đầu của cha tôi, chính quyền xã Phú Diên lại cho người ra đập phá lăng mộ, gây bức xúc cho gia đình tôi”, ông Nguyễn Văn Minh (ngụ đường Bà Triệu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) phản ánh.
Khu lăng mộ bị cưỡng chế đập phá
Khu lăng mộ bị cưỡng chế đập phá

Ngất xỉu vì mộ chồng bị đập phá

Tháng 12/2015, cha ông Minh qua đời. Theo di nguyện của cha, ông Minh đưa cha về chôn ở nghĩa địa thôn Kế Sung, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Quá trình xây mộ cho đến khi hoàn thành, không có ý kiến gì từ chính quyền địa phương. 

Theo ông Minh, khoảng đầu tháng 7/2016, ông Phạm Tăng Đoàn - Chủ tịch UBND xã Phú Diên đã điện thoại yêu cầu ông Minh về gặp. Tại UBND xã, ông Đoàn nói gia đình ông Minh xây dựng lăng mộ quá lớn. 

Ông Minh cho rằng, ông xây mộ cha mình trong phần đất nghĩa trang lâu đời của gia đình. Đất có ranh giới rõ ràng từ bao đời nay, không có tranh chấp hay lấn chiếm của ai. Bốn phía đều có lăng mộ của người khác. Theo ông Minh, quanh mộ cha ông, có rất nhiều phần mộ của bà con khác cũng có diện tích lớn tương tự mộ cha ông.

Sau buổi làm việc vài ngày, ông Minh nhận được quyết định xử phạt, yêu cầu tháo gỡ toàn bộ lăng mộ. Xót xa vì cha vừa mới được chôn cất, nằm chưa kịp ấm chỗ mà lăng mộ bị tháo dỡ là điều tối kỵ của truyền thống tâm linh người Việt, ông Minh 2 lần làm đơn thỉnh cầu, xin được hoãn cưỡng chế. Người con xin với chính quyền, đợi đến lúc hết tang, hoặc đợi qua ngày giỗ đầu của cha mình, vì hôm giỗ cha, cả gia đình sẽ về cúng tế tại ngôi mộ mới chôn.

Vậy mà, chỉ còn đúng 7 ngày nữa là giỗ cha ông Minh, chính quyền địa phương đã cho người mang cuốc, xẻng, dao, rựa, búa, rìu đến đập phá mồ mã của cha ông Minh. 

Ông Minh kể, sáng đó ông chở người mẹ già về quê ăn giỗ ông ngoại. Đang lui cui cúng bái trong nhà, một hàng xóm hớt hải chạy vào nói với ông Minh: “Lăng mộ cha mi ngoài nớ bị người ta đập phá. Mà mi còn ngồi đây ăn giỗ”. Ông Minh hoảng hốt chở mẹ chạy ra phần mộ của cha, thì thấy lăng mộ tan hoang, đất đá lởm chởm. 

Chứng kiến lăng mộ chồng bị đập phá, mẹ ông Minh vừa phẫn uất, vừa đau lòng, sợ hãi, quỳ lạy khóc lóc. Sau đó, bà lão 81 tuổi ngất xỉu tại hiện trường. “Việc ông Phạm Tăng Đoàn cho người đập phá lăng mộ cha tôi vào ngày 24/11/2016 đã gây nhiều tổn thất tinh thần cho gia đình chúng tôi. Mẹ tôi sau đó vì quá đau buồn mà ngất xỉu tại hiện trường, rồi lâm bệnh nặng, phải cấp cứu điều trị tại bệnh viện Trung ương Huế”, ông Minh phản ánh.

Tại hiện trường lăng mộ, phần nữa tường xây bao khu đất và trụ cổng phía trước chân mộ bị đập phá, tháo dỡ. Một người dân trong làng đi thăm mộ người thân xác nhận, phần mộ của cha ông Minh nằm ở giữa, 4 phía đều là đất của người khác, không có tranh chấp.

Phía trước lăng mộ cha ông Minh còn đất của một chủ khác, mới đến rừng dương phòng hộ bờ biển. Cũng như gia đình ông Minh, người này cũng không rõ vì sao ngôi mộ mới xây này lại bị cưỡng chế, đập phá.

Phạm “luật” xã?

Theo ông Phạm Tăng Đoàn – Chủ tịch UBND xã Phú Diên cho hay, thôn Kế Sung có 2 nghĩa địa nằm ở phía Bắc và phía Nam của thôn. Khu nghĩa địa mà gia đình ông Minh mai táng người thân, nguồn gốc trước đây là đất trồng khoai. Nhưng do đất cát trắng, bạc màu, trồng trọt không hiệu quả nên người dân bỏ hoang, sau đó sử dụng đất này làm nghĩa địa. Năm 2011, khu đất trên đã được quy hoạch làm nguồn đất dự trữ do UBND xã quản lý.

Mặc khác, năm 2006, UBND xã đã ban hành quy chế về việc quản lý sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa. Trong đó có nghiêm cấm việc bao chiếm tự ý quy hoạch nghĩa trang, nghĩa địa. Quy chế cũng nêu rõ, người chết từ 16 tuổi trở lên phần đất chôn cất không quá 12m2. Việc xây dựng lăng mộ, tường bao cho người chết chỉ được xây dựng trong phạm vi hạn mức này.

Cha ông Minh là người gốc ở địa phương, nhưng đi làm ăn, sinh sống ở nơi khác. Đến lúc mất, cha ông Minh được con cháu đưa về làng chôn cất. Chính quyền địa phương không hay biết. Tổng diện tích lăng là 273 m2, trong đó phần tường bao lấn chiếm là 182 m2. 

Ngày 17/6/2016, Ban điều hành thôn Kế Sung phát hiện gia đình ông Minh xây dựng lăng, tường thành bao chiếm nghĩa địa. Sau khi kiểm tra thực tế, UBND xã mời ông Minh lên làm việc và yêu cầu ông Minh tự tháo dỡ phần xây dựng tường thành trái phép. Ông Minh làm đơn xin UBND xã cho gia đình ông thời gian để quy tập mộ, đưa 7 ngôi mộ vào khuôn viên 182 m2 đã xây. UBND xã không đồng ý.

UBND xã lần lượt lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông Minh, quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính. 

Ông Minh làm đơn xin hoãn thi hành quyết định cưỡng chế với nội dung xin thời gian để quy tập mộ bắt đầu từ tháng 2/2018. Theo ông Minh giải thích, đây là thời điểm mãn tang cha, nên mới có thể quy tập mồ mả trong dòng họ vào được. 

Sau khi xem xét nội dung đơn , UBND xã không đồng ý việc ông Minh xin thời gian quy tập mộ, với lý do thời gian xin quy tập quá lâu. Ngày 21/11/2016, UBND xã ra quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Minh và ra thông báo về việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính vào ngày 24/11/2016.

Vào thời gian trên, UBND xã tiến hành cưỡng chế phần lăng tường thành trái phép. Trong quá trình cưỡng chế, ông Minh và mẹ đã đến hiện trường phản ứng. Do mẹ ông Minh tuổi cao, trời lại mưa lạnh, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của bà nên ông Hoàng Trọng Đoài – Phó chủ tịch UBND xã, trưởng đoàn cưỡng chế đã tạm dừng buổi cưỡng chế.

Tại khu vực nghĩa địa nơi gia đình ông Minh chôn cất cha, rất nhiều gia đình cũng xây bao tường thành với diện tích rộng. Có khu vực bên trong tường bao có mộ, nhưng cũng có khu vực bên trong tường bao chỉ có 1 ngôi mộ chính.

Theo lời ông Minh, nhiều mộ xây bao tường thành, thời điểm xây dựng còn sau cả mộ cha ông Minh, nhưng không hiểu vì sao những trường hợp đó không bị cưỡng chế, đập bỏ. 

Tại buổi làm việc với chính quyền, PV đã “chuyển” câu hỏi lại cho Chủ tịch UBND xã Phú Diên, ông Đoàn “hứa” sẽ kiểm tra lại.

Câu chuyện trên đã đặt ra trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý. Một đám tang đưa về làng chôn cất, xây dựng lăng mộ nhưng ban điều hành thôn, UBND xã không hay biết, không hề có động thái gì, đến nỗi hơn nửa năm sau mới phát hiện, dẫn đến những chuyện rắc rối sau này?

Mặc khác, gia đình ông Minh đã có đơn xin hoãn cưỡng chế, tháo dỡ lăng mộ đến sau ngày giỗ cha, nhưng chỉ còn 7 ngày nữa là giỗ đầu cha ông Minh, UBND xã lại tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ. Chính hành động này đã gây phản cảm, bức xúc không chỉ đối với gia đình ông Minh mà cả người dân địa phương. 

Đọc thêm