Thừa Thiên - Huế: Nhà máy sắp xây xong vẫn nợ dân tiền đền bù

(PLVN) - Theo dự kiến, vào tháng 6/2019, Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Thượng Nhật (ở xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, Thừa Thiên - Huế) do CTCP Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư sẽ tích nước. Tuy nhiên đến nay, hơn 100 hộ dân bị thu hồi đất rừng sản xuất giao cho dự án (DA) vẫn chưa được chủ đầu tư chi trả tiền đền bù. Ngoài ra, việc thi công công trình thủy điện cũng đã gây ảnh hưởng đến nhà cửa của nhiều hộ dân nơi đây.
Dự kiến tháng 6/2019 sẽ tích nước nhưng NMTĐ Thượng Nhật vẫn nợ 22 tỷ tiền đền bù cho người dân.
Dự kiến tháng 6/2019 sẽ tích nước nhưng NMTĐ Thượng Nhật vẫn nợ 22 tỷ tiền đền bù cho người dân.

“Dài cổ” chờ đền bù

NMTĐ Thượng Nhật được Bộ Công Thương cấp phép đầu tư vào năm 2007, chính thức khởi công vào tháng 5/2008, với tổng vốn đầu tư 158 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 154ha, với hai tổ máy công suất 6MW. Dự kiến tổ máy số 1 phát điện vào quý 1 năm 2010.

Thế nhưng khi khởi công rầm rộ, dự án chỉ triển khai vài hạng mục nhỏ lẻ rồi “án binh bất động”, bỏ dở việc đền bù giải phóng mặt bằng. Tháng 7/2012, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam quyết định điều chỉnh mức đầu tư vào NMTĐ Thượng Nhật lên trên 341 tỷ đồng và dự án tái khởi động trở lại vào năm 2016.

Để phục vụ dự án thi công xây dựng NMTĐ Thượng Nhật, tại xã Thượng Nhật có khoảng 130 hộ dân bị ảnh hưởng, thu hồi hàng trăm ha đất rừng sản xuất để giao cho nhà đầu tư. Ông Trần Đình Khởi, Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật cho biết, số tiền đền bù cho các hộ dân đã được các ngành chức năng và nhà đầu tư phê duyệt là hơn 22 tỷ đồng.

Thế nhưng, từ năm 2016 đến nay, số tiền đền bù 22 tỷ đồng cho dân vẫn chưa được chi trả cho người dân. Hầu hết các hộ dân được nằm trong diện đền bù phần lớn là hộ nghèo, có điều kiện kinh tế khó khăn và chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Một trong những hộ dân bị thu hồi đất rừng để phục vụ dự án, ông Nguyễn Văn Đức (trú thôn 2, xã Thượng Nhật) cho hay, gia đình ông bị thu hồi đất rừng và được phê duyệt bồi thường gần 1 tỷ đồng. Thế nhưng hơn ba năm nay, gia đình ông “dài cổ” chờ tiền đền bù.

“Rừng sản xuất của chúng tôi, thủy điện đã lấy rồi, người dân không còn nghề nên đành đi làm thuê, làm mướn kiếm ăn qua ngày. Chúng tôi mong muốn, các ngành chức năng sớm vào cuộc để yêu cầu nhà đầu tư trả tiền đền bù cho người dân biết mà chuyển nghề mới”, ông Đức nói.

Cùng cảnh ngộ với gia đình ông Đức, tại xã Thượng Nhật còn rất nhiều hộ đang từng ngày ngóng chờ tiền đền bù. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho hay, hiện nhà đầu tư vẫn còn nợ của người dân hơn 22 tỷ đồng tiền đền bù liên quan đến thu hồi đất rừng sản xuất.

Theo quy định của pháp luật, bất kỳ một dự án nào trước khi triển khai thì nhà đầu tư phải thực hiện nhiều bước, trong đó có việc chi trả đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, dự án này chưa chi trả nhưng vẫn triển khai thi công. Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho rằng, do lúc đó, nhà đầu tư nói là khó khăn và hứa quá trình thi công sẽ sớm chi trả đền bù cho dân.

Quá trình thi công nhà máy đã làm nhiều ngôi nhà của người dân gần đó bị nứt nẻ
Quá trình thi công nhà máy đã làm nhiều ngôi nhà của người dân gần đó bị nứt nẻ

“Dự kiến tháng 6/2019 này sẽ tích nước thế nhưng chưa đền bù cho người dân nên chắc chắn dự án sẽ không thể tích nước, được. Huyện cũng đã làm việc với chủ đầu tư về chuyện chi trả bồi thường cho dân nhưng họ nói chưa có tiền và đợi đi vay ngân hàng”, ông Phụng cho biết.

Hàng chục ngôi nhà bị nứt nẻ do nổ mìn  

Ngoài việc chủ đầu tư chưa đền bù cho người dân thì dự án thi công đã làm ảnh hưởng đến nhà cửa của nhiều hộ dân nơi đây. Theo người dân ở thôn 2, thôn 3 phản ánh, hơn hai tháng nay, việc nổ mìn của công trình này đã gây rung chấn, rung lắc khiến cho nhà cửa bị nứt nẻ… ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Anh Hồ Văn Đúc (38 tuổi, trú thôn 3, xã Thượng Nhật) cho hay, đơn vị thi công nổ mìn khoảng từ tháng 2/2019, từ đó đến nay mỗi khi nổ mìn là anh lại thấy nhà rung lắc. Nhiều vết nứt từ trần nhà, tường nhà đến cả phần móng và cột, những vết nứt lan ra ngày càng rộng sau mỗi lần mìn nổ.

“Sau khi gia đình trình báo việc nổ mìn thi công thủy điện Thượng Nhật đã ảnh hưởng đến ngôi nhà, gây ra nhiều vết nứt, đơn vị thi công cùng chính quyền địa phương đã đến xem và đánh dấu các vị trí nứt nẻ, tuy nhiên các đoàn kiểm tra chỉ rà soát tình hình chứ không có hứa hẹn gì về việc khắc phục đền bù”, anh Đúc bức xúc.

Sau khi nhận được phản ánh của người dân, UBND huyện Nam Đông đã chỉ đạo các phòng, ban kiểm tra. Theo báo cáo của đoàn kiểm tra, hiện có 51 nhà dân bị ảnh hưởng nứt nhà. Khi nổ mìn thi công dự án thủy điện Thượng Nhật thì không có người canh gác, còi báo hiệu lúc có, lúc không... Trên cơ sở đó, UBND huyện cũng đã có văn bản đề nghị Sở Công Thương thành lập đoàn tiến hành kiểm tra việc nổ mìn.

UBND huyện cũng đã yêu cầu đơn vị thi công tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt hoạt động nổ mìn. Đồng thời, kiểm tra thực tế, hướng dẫn người dân và chính quyền xã tiến hành đo đạc, đánh giá những thiệt hại của người dân làm cơ sở để sau này đơn vị thi công đền bù, hỗ trợ cho dân. 

Đọc thêm