Thừa Thiên - Huế phản hồi vụ Nhà máy xử lý rác Lộc Thủy

(PLVN) - Xung quanh những phản ánh của Báo PLVN về những bức xúc của người dân khi Nhà máy xử lý chất thải rắn Lộc Thủy hoạt động gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới sản xuất tại thôn Nam Phước, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh để làm rõ các vấn đề liên quan.
Khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy hiện đang ngưng hoạt động
Khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy hiện đang ngưng hoạt động

Khí thải ra môi trường đảm bảo an toàn 

Ông Phan Thiên Định cho biết, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng Khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy là nhằm xử lý rác cho Khu Kinh tế Chân Mây Lăng Cô (gọi tắt là Khu Kinh tế) và huyện Phú Lộc.

Đây là dự án quan trọng của tỉnh, được phê duyệt theo Quyết định số 2947/QĐ-UB ngày 17/10/2003, với quy mô thiết kế Khu xử lý gồm 6 ô chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) và 1 ô chôn lấp chất thải nguy hại (CTNH). Giai đoạn 1 - Khu xử lý đã được đầu tư xây dựng hoàn thành 2 ô chôn lấp CTRSH, 1 ô chôn lấp CTNH và bàn giao Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế - Hepco quản lý, vận hành từ tháng 4/2012.

Sau khi bị người dân phản ứng vì rác chôn lấp gây ô nhiễm, hiện Công ty Hepco đang trình UBND tỉnh phê duyệt phương án dùng lò đốt rác thay thế việc chôn lấp. Tuy nhiên, người dân vẫn lo lắng xảy ra ô nhiễm và đề nghị di dời nhà máy. Quan điểm của tỉnh thế nào, thưa ông?

- Sau sự việc người dân chặn xe vận chuyển rác vào khu xử lý rác cuối tháng 2/2017, để đáp ứng nguyện vọng của người dân ở thôn Nam Phước, xã Lộc Thủy, qua các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với nhân dân vào tháng 3 và tháng 4/2017, các cơ quan chức năng đã tham mưu UBND tỉnh đầu tư xây lắp Lò đốt thuộc phạm vi khu xử lý.

Ngày 24/11/2017, UBND tỉnh đã thống nhất, phê duyệt chủ trương đầu tư xây lắp lò đốt CTRSH (công suất dự kiến 1 tấn/giờ - 24 tấn/ngày), thời hạn thực hiện 2 năm. Hiện nay, Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã lấy ý kiến dân cư thuộc khu vực và đã được phê duyệt. 

Theo quy định, việc đầu tư lò đốt rác sinh hoạt phải đạt quy chuẩn môi trường Việt Nam (QCVN61-MT:2016/BTNMT). Khi thực hiện đầu tư xây dựng lò đốt, Công ty Hepco đã lập ĐTM, có hội đồng thẩm định (bao gồm các chuyên gia và đại diện các cơ quan có thẩm quyền) và đã có cơ quan thẩm quyền phê duyệt (Ban Quản lý Khu Kinh tế phê duyệt ĐTM).  

Về mặt kỹ thuật, lò đốt tuân thủ Quy chuẩn QCVN61 sẽ đảm bảo khí thải ra môi trường đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn Việt Nam; đặc biệt loại bỏ khí độc dioxin và furan. 

Ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế
Ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế

Việc xây dựng khu vực xử lý rác thải sinh hoạt đã được nghiên cứu, đưa vào quy hoạch trên cơ sở những phân tích khoa học về nhiều vấn đề như đặc điểm môi trường, phương án thu gom, phương án tài chính khi đầu tư, vận hành… để đảm bảo tính khả thi, làm cơ sở triển khai. Quá trình đầu tư dự án cũng qua nhiều khâu thẩm tra, thẩm định theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, để tránh xảy ra những sự cố hoặc những vấn đề chưa đạt yêu cầu như hồ sơ dự án đề ra vẫn cần sự kiểm tra, giám sát, theo dõi thường xuyên của đơn vị vận hành, các ngành, các cấp, chính quyền địa phương.

Quan điểm của tỉnh là sẽ phân công trách nhiệm rõ ràng, tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ dự án từ khâu đầu tư đến khâu vận hành để hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng xấu về môi trường (nếu có) đến cuộc sống của người dân.

Không làm dự án bằng mọi giá

Ông có thể cho biết công tác khắc phục ô nhiễm trong vận chuyển, tập kết cũng như đốt rác ra sao nếu lò đốt đi vào hoạt động? Tỉnh chia sẻ thế nào với những khó khăn của người dân?

- UBND tỉnh thấu hiểu và chia sẻ những lo lắng, tâm tư nguyện vọng của người dân. Như tôi đã nói, việc đầu tư Khu xử lý rác Lộc Thủy là nhằm xử lý rác cho Khu Kinh tế và huyện Phú Lộc; việc xử lý rác bằng lò đốt phải đảm bảo các tiêu chí về môi trường, lò đốt phải đặt trong nhà xưởng bao che, dùng chế phẩm để xử lý mùi hôi, diệt ruồi, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, việc vận chuyển, tập kết rác cũng hết sức quan trọng.

Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan hết sức lưu ý đến vấn đề này và sẽ có kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về môi trường trong quá trình vận chuyển, tập kết rác. Không để xảy ra tình trạng gây bức xúc cho người dân như  sự việc đã từng xảy ra.

Thực hiện cam kết với người dân, tỉnh cũng đã chỉ đạo Công ty Hepco phải thực hiện nghiêm túc các công việc khi nhà máy hoạt động trở lại: chở rác đúng xe chuyên dụng, không rơi vãi, rò rỉ nước giữa đường; công bố thời gian cụ thể xe vận chuyển rác theo đề nghị của người dân thôn Nam Phước, xã Lộc Thủy; chịu sự giám sát đột xuất của người dân.

Đồng thời giao cho cơ quan chức năng có kế hoạch thực hiện giám sát độ ô nhiễm và công bố công khai kết quả cũng như tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người dân. 

Tôi khẳng định dự án lò đốt rác này sẽ được làm tốt nhất trong khả năng có thể. Tuy nhiên, tôi cũng thông tin thêm, hiện nay, hồ sơ về phương án xử lý rác bằng công nghệ đốt mà Công ty Hepco trình lên vẫn chưa đến tay tôi… 

Thưa ông, người dân đến đây lập nghiệp theo chủ trương giãn dân, xây dựng kinh tế mới, nay họ có nguyện vọng sinh sống lâu dài tại đây, tránh xáo trộn cuộc sống, vậy quan điểm của tỉnh thế nào?

- Quá trình phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi một số trường hợp phải có sự điều chỉnh quy hoạch nhằm đem lại lợi ích tốt hơn cho xã hội. Việc thực hiện quy hoạch làm ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của người dân là vấn đề mà không chính quyền nào mong muốn.

Nhưng vì lợi ích chung của tất cả cộng đồng, địa phương, chính quyền rất mong được người dân chia sẻ những khó khăn này. Cũng vì điều đó, chính quyền cũng đã nỗ lực để đầu tư hạ tầng và các điều kiện nơi đến ở mới tốt hơn nơi hiện tại.

Còn đối với các trường hợp phải giải tỏa đền bù, tỉnh sẽ tiếp thu ý kiến của người dân, xem xét giải quyết một cách hợp tình, hợp lý cho người dân.

Tuy nhiên, tôi cũng khẳng định, tất cả các hoạt động đều vì con người. Sức khỏe người dân phải được đặt lên hàng đầu. Tỉnh không phải làm dự án bằng mọi giá, không cố làm cho bằng được. Nếu làm hết sức mà thấy không phù hợp, vẫn xảy ra sự cố, thì chắc chắn phải thay đổi, tìm phương án khác…

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi. 

Đọc thêm