Thừa và thiếu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đã có rất nhiều năm, chúng ta băn khoăn với câu chuyện các trạm y tế cấp xã có thực sự phát huy hết giá trị hữu ích với cuộc sống?
Thực trạng “khổ sở” của y tế cấp xã đã được đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan phân tích trong phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội về kinh tế - xã hội sáng 8/11 vừa qua.
Thực trạng “khổ sở” của y tế cấp xã đã được đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan phân tích trong phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội về kinh tế - xã hội sáng 8/11 vừa qua.

Đã rất nhiều năm, hệ thống trạm y tế cấp xã rơi vào tình trạng trụ sở thì to đùng nhưng nhân sự thì thiếu hụt, thuốc men “lèo tèo”, trình độ nhân lực chưa cao…

Để rồi “đùng một cái”, khi đại dịch COVID-19 ập tới, hệ thống trạm y tế rơi vào cảnh trớ trêu.

Ví dụ như tại TP HCM, những ngày này, các nhân viên của trạm y tế xã và trạm y tế lưu động thuộc xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn phải căng mình hỗ trợ các F0 trên địa bàn. Nhân lực hạn chế nhưng họ phải đảm nhiệm cùng một lúc nhiều công việc như lấy mẫu, chăm sóc, điều trị, phát thuốc… cho các F0.

Xã có 259 ca đang cách ly tại nhà, trong khi năng lực của xã hiện có chỉ có thể phục vụ khoảng 80 trường hợp/ngày. Xã có hơn 30.000 dân nhưng cán bộ, nhân viên y tế cơ hữu chỉ có 8 người, cộng thêm lực lượng hỗ trợ là hơn 10 người; lượng công việc không chỉ vất vả, mà có thể nói là khổng lồ.

Tại quận Tân Bình, phường 13 có gần 50.000 dân nên với trạm y tế phường, sức ép công việc càng khủng khiếp. Tại quận Gò Vấp, trạm y tế Phường 3 nhân sự cơ hữu chỉ có 4 người, nên phường phải vận động, kêu gọi thêm các y, bác sĩ của các cơ sở y tế tư nhân và tình nguyện viên để hỗ trợ khi trạm y tế lưu động thành lập.

Địa bàn phường đến ngày 13/11 có khoảng 55 ca đang cách ly tập trung và hơn 100 ca đang cách ly, điều trị tại nhà.

Trong thời điểm này, nguồn nhân lực này cũng thiếu nên phường tự khắc phục bằng phương châm 5 tại chỗ “Lực lượng tại chỗ, vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ”.

Thực trạng “khổ sở” của y tế cấp xã đã được đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan phân tích trong phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội về kinh tế - xã hội sáng 8/11 vừa qua. Từ kinh nghiệm xương máu của TP HCM, bà Lan khẳng định cần xem lại thực trạng hệ thống y tế cơ sở.

Hiện chỉ 30% ngân sách y tế dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở cũng “không đáng kể gì đâu so với nhu cầu”. Trong khi nhiều địa phương thực hiện việc này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do đó cần có chính sách xuyên suốt, chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ với Bộ Y tế về xây dựng y tế cơ sở.

Đại biểu TP HCM thẳng thắn chỉ ra chính sách hiện nay chắp vá, thay đổi liên tục. Đơn cử như từ trung tâm y tế quận, huyện chia làm ba phần bệnh viện (BV), y tế dự phòng, phòng y tế… dẫn tới BV chưa phải là BV, trung tâm y tế dự phòng què quặt, còn phòng y tế chỉ làm công việc hành chính, đã yếu còn thiếu.

Tại TP HCM, khi dịch bùng phát, tất cả trung tâm y tế dự phòng và BV quận, huyện thuộc Sở Y tế nên khó khăn trong điều phối lực lượng. Hệ quả của sự bất hợp lý này, theo bà Lan, hệ thống điều trị và năng lực điều trị “chỉ một cơn dịch tan tác hết”.

Còn có những điều đáng lưu ý khác, việc xây dựng y tế cơ sở không chỉ cần tiền mà cần thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao. Và BV là các đơn vị sự nghiệp, chưa được chuẩn bị cơ sở về pháp lý, kiến thức cần thiết để đảm bảo cung ứng trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc và đặc biệt là cơ chế tài chính.

Những bài học sau đại dịch này, hi vọng sẽ là động lực để chúng ta thay đổi những gì chưa được trong ngành y, trong y tế cơ sở. Cần đầu tư đủ mạnh cho hệ thống y tế cơ sở, cho các trạm y tế cấp xã; có chế độ phù hợp và tạo điều kiện phát triển chuyên môn cho nhân viên y tế, tạo môi trường phát triển y đức.

Làm sao để những trạm y tế phải đủ khả năng trở thành một đơn vị y tế khám chữa bệnh thực thụ, chứ không chỉ là nơi nhện giăng và chữa vài căn bệnh lặt vặt.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm