Tiếp nối các kỳ báo trước về văn hóa pháp đình, Báo PLVN đã phỏng vấn Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) Nguyễn Trí Tuệ. Thực tế cho thấy, ngay từ Bộ luật Hồng Đức (hay còn gọi là Bộ Quốc triều Hình luật, dưới triều Lê) đã có những quy định về nghi thức xét xử. Bộ luật Gia Long (dưới triều Nguyễn) cũng có nhiều quy định về xử án như việc xử án phải xét xử công khai tại các nha môn; việc xử án không được để lâu quá hạn định; quy định trừng phạt nghiêm khắc các quan tòa khi họ vi phạm trong công tác xét xử… Thời hiện đại, ngay từ khi cơ quan Tòa án của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, chúng ta đã không ngừng hoàn thiện, củng cố tổ chức, thẩm quyền của cơ quan xét xử và cũng đã xây dựng nhiều quy định hướng tới việc phải nâng cao văn hóa pháp đình (VHPĐ).
- Thưa ông, ông có thể chia sẻ một số quy định nhằm nâng cao VHPĐ hiện hành?
- Để giữ gìn tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp, trên cơ sở các bộ luật tố tụng, Chánh án TANDTC đã ban hành hai Thông tư liên quan là Thông tư số 01/2014/TT-CA ngày 28/4/2014 ban hành Nội quy phiên tòa và Thông tư số 02/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 ban hành Quy chế tổ chức phiên tòa.
Cụ thể, Thông tư số 01 đã nêu 10 quy định về nội quy phòng xử án. Chẳng hạn, khi vào phòng xử án, mọi người đều phải chấp hành việc kiểm tra an ninh của lực lượng có trách nhiệm bảo vệ phiên tòa. Nghiêm cấm mang vũ khí, hung khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, đồ vật cấm lưu hành, truyền đơn, khẩu hiệu và tài liệu, đồ vật khác ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa vào phòng xử án, trừ vật chứng của vụ án phục vụ cho công tác xét xử hoặc vũ khí, công cụ hỗ trợ được người có thẩm quyền mang theo để làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa;
Mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy khi Hội đồng xét xử (HĐXX) vào phòng xử án và khi tuyên án, trừ trường hợp đặc biệt được phép của chủ tọa phiên tòa. Chỉ những người được HĐXX cho phép mới được hỏi, trả lời hoặc phát biểu. Người hỏi, trả lời hoặc phát biểu phải đứng dậy, trừ trường hợp vì lý do sức khỏe được chủ tọa phiên tòa cho phép ngồi để hỏi, trả lời hoặc phát biểu… Người vi phạm nội quy phòng xử án thì tùy trường hợp có thể bị chủ tọa phiên tòa cảnh cáo, phạt tiền, buộc rời khỏi phòng xử án, bị bắt giữ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Tại Thông tư số 02, Điều 3 nhấn mạnh nội quy phòng xử án bao gồm nội quy phiên tòa theo quy định tại Điều 256 Bộ luật Tố tụng Hình sự, Điều 234 Bộ luật Tố tụng Dân sự, Điều 153 Luật Tố tụng Hành chính và các quy định sau đây: HĐXX, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, người tham gia tố tụng và người tham dự phiên tòa phải ngồi đúng vị trí trong phòng xử án; Thẩm phán, hội thẩm và thư ký phiên tòa phải mặc trang phục xét xử theo đúng quy định; Tòa án ghi âm, ghi hình, ghi hình có âm thanh về diễn biến phiên tòa được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng.
Người vi phạm nội quy phòng xử án thì tùy từng trường hợp có thể bị chủ tọa phiên tòa buộc rời khỏi phòng xử án hoặc khu vực xét xử, xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ hành chính. Trường hợp hành vi của người vi phạm nội quy phiên tòa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì HĐXX có quyền khởi tố vụ án hình sự.
Trường hợp thẩm phán, hội thẩm, thư ký phiên tòa khi xét xử không mặc đúng trang phục thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý trách nhiệm theo Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND hoặc bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Trước khi khai mạc phiên tòa, thư ký phiên tòa phải ổn định trật tự, kiểm tra sự có mặt của những người được Tòa án triệu tập, phổ biến nội quy phiên tòa và thực hiện các thủ tục khác theo quy định của pháp luật về tố tụng.
Mới đây nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Đây là cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng và ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra; nâng cao uy tín của cơ quan nhà nước, bảo đảm sự tôn nghiêm của Tòa án, bảo đảm sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với cơ quan tiến hành tố tụng; tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật.
- Để triển khai thi hành Pháp lệnh, TANDTC có tính đến việc sửa đổi nội quy phòng xử án không, thưa ông?
- Trước hết, TANDTC sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân chấp hành, thực hiện nghiêm Pháp lệnh; việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng chỉ là giải pháp cuối cùng.
Chúng tôi dự kiến trong tháng 9, đầu tháng 10 sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt thực hiện và triển khai thi hành Pháp lệnh để vừa quán triệt nội dung của Pháp lệnh, những điểm cần lưu ý, nhấn mạnh vừa quán triệt kế hoạch triển khai thi hành Pháp lệnh đến từng cấp Tòa án trong toàn hệ thống TAND.
Tất nhiên, vẫn còn một số nội dung của Pháp lệnh cần hướng dẫn cụ thể hơn, trong đó có Nội quy phòng xử án được quy định tại Thông tư 01, 02 của Chánh án TANDTC. Nội quy này có phải điều chỉnh hay không thì Chánh án TANDTC đã chỉ đạo khẩn trương rà soát, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để sớm có tính toán, làm sao bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đặc biệt là những quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ của đương sự, của những người liên quan, của người dân khi tham gia vào các hoạt động tố tụng.
Trường hợp quy định tại Thông tư 01, 02 khác với quy định tại Pháp lệnh thì phải thực hiện theo Pháp lệnh.
Bên cạnh các quy định pháp luật trên, từ góc độ hành chính, ngành TAND chúng tôi cũng phải luôn tính đến những tình huống phức tạp, cần bảo vệ như vụ án phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng (có mức án chung thân, tử hình, xã hội đen…) hay vụ án thuộc diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo đó, ngành TAND xây dựng phương án bố trí lực lượng, xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan liên quan như cảnh sát hỗ trợ tư pháp (CSHTTP), cứu thương, cứu trợ, phòng cháy, chữa cháy… từ việc dẫn giải đến bảo vệ phiên tòa hay phòng dành cho báo chí tác nghiệp… Có như vậy mới bảo đảm giữ gìn được các phiên xét xử trang nghiêm, nâng cao VHPĐ.
- Xin cảm ơn ông!
“Để nâng cao VHPĐ, vai trò của HĐXX là rất quan trọng, tác động trực tiếp đến hành vi ứng xử của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng. Theo đó, HĐXX phải luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến của những người tham gia tố tụng, có thái độ ứng xử đúng mực, điềm đạm, mềm mỏng nhưng kiên quyết; Xử lý các tình huống phải linh hoạt, thấu tình, đạt lý, thực hiện tốt việc vận dụng pháp luật để thuyết phục đương sự, đảm bảo cho các bên giữ được hòa khí, không tỏ thái độ bức xúc, gay gắt tại phiên tòa. Thực hiện tốt VHPĐ sẽ tạo được sự uy nghiêm của pháp luật.
|
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2022. Để Pháp lệnh trên đi vào thực tiễn cuộc sống, cần tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh đến các tầng lớp nhân dân kịp thời, hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân khi tham gia các hoạt động tố tụng; bảo đảm mọi hành vi cản trở hoạt động tố tụng đều phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng với tính chất, mức độ vi phạm theo quy định của pháp luật”.
(Ông Lương Long Bình - Chánh án TAND huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La )
“Để nâng cao VHPĐ, cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và các quy định của pháp luật nói riêng về nội quy phiên tòa, Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng...
Theo đó, trước khi bắt đầu phiên tòa, ở khâu chuẩn bị, ngoài phổ biến các quy định của pháp luật đối với đương sự, bị cáo, bị hại… thư ký sẽ phổ biến thêm về Pháp lệnh. Khi HĐXX vào làm việc, thẩm phán – chủ tọa phiên tòa tiếp tục phổ biến lại các quy định của pháp luật một lần nữa để đương sự, bị cáo, bị hại, người tham dự phiên tòa nắm được, từ đó có những ứng xử phù hợp nhằm nâng cao VHPĐ. Bởi Pháp lệnh mới (có hiệu lực từ ngày 1/9/2022) chưa được nhiều người biết tới.
|
Bên cạnh đó, biện pháp để nâng cao VHPĐ là cách ứng xử của thẩm phán, thư ký đối với các tình huống xảy ra tại phiên tòa. Ví dụ khi thấy đương sự, người nhà bị cáo, bị hại có thái độ bức xúc, gây sự với nhau, thẩm phán phải động viên, phân tích một cách thấu tình, đạt lý cho các bên hiểu, nhờ đó phiên tòa không bị gián đoạn, diễn ra văn minh.
Ngoài ra, cần tăng cường lực lượng CSHTTP cho các phiên tòa hành chính, hôn nhân gia đình… Từ khi có lực lượng CSHTTP tại phiên tòa, trật tự phiên tòa được đảm bảo, VHPĐ được nâng lên. Vì khi thấy lực lượng CSHTTP, người dân, đương sự ứng xử với nhau có văn hóa hơn, hạn chế lộn xộn, mạt sát nhau tại Tòa.
Sau khi Pháp lệnh được ban hành, chúng tôi yêu cầu các thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký nghiên cứu để biết và thực hiện. Hàng tuần, chúng tôi vẫn nhắc chung trên phần mềm điều hành. Tôi tin tưởng Pháp lệnh sẽ sớm đi vào cuộc sống, VHPĐ ngày càng được nâng cao”.
(Ông Phạm Văn Nam - Chánh án TAND tỉnh Điện Biên )
Hồng Mây (ghi)