Cụ thể, lễ Mộc dục hay còn gọi là lễ tắm thần, lễ bao sái tượng vua Đinh, tượng vua Lê và lau Thần vị, nhang án. Lễ được tiến hành ngay sau khi Lễ rước nước đã hoàn tất. Nghi thức Lễ Mộc dục được thực hiện đó là bình nước rước về được đặt trang trọng lên bàn thờ trước chính diện tượng vua Đinh.
Vị Chánh tế tế vua, chiêng trống nổi lên ba hồi. Các nghi thức bao sái tượng được thực hiện theo nghi thức truyền thống, nước múc trong bình nước Thần vừa nghinh rước về, hai khăn tay màu vàng sấp nước, vắt khô, lau từ diện (mặt), mão (mũ bình thiên), cảnh (cổ) đến vai, thân tượng và long ngai.
Trong khi diễn ra lễ Mộc dục, ngoài sân rồng tiếp tục múa Lân, múa Rồng, trống phách, thanh la, não bạt vang lừng cho đến khi thực hành xong lễ Mộc dục (thời gian khoảng 10 phút). Đồng thời, lễ Mộc dục cũng được thực hiện tại Đền vua Lê Đại Hành.
Lễ Mộc dục hay còn gọi là lễ tắm thần, lễ bao sái tượng vua Đinh, tượng vua Lê và lau Thần vị, nhang án. |
Trong ngày đầu tiên của Lễ hội Hoa Lư còn diễn ra các nghi lễ truyền thống như: Lễ Tiến phẩm hay còn gọi là lễ Hiến phẩm. Đại diện Đảng, chính quyền, nhân dân dâng tiến lễ phẩm lên đức vua cha và thần linh để bày tỏ lòng tri ân sâu sắc. Lễ được diễn ra tại sân Rồng đền thờ Vua Đinh và Vua Lê.
Thời gian tiến hành sau lễ Mộc dục và lễ Dâng hương. Lễ phẩm tiến vua là lễ phẩm "tam sinh" (trâu, dê, lợn). Lễ phẩm được bày ngoài hương án sân Rồng và dâng tiến vào cung chính tẩm đền Vua. Nghi thức tế lễ theo tế cung đình.
Lễ rước kiệu là nghi lễ tái hiện lại sự nghiệp dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn của Đinh Tiên Hoàng Đế, là sự nghiệp chung của các tướng lĩnh và của cả dân tộc. Nhiều nơi trong địa bàn tỉnh và cả nước có đền thờ đức vua Đinh và các tướng lĩnh triều Đinh - Tiền Lê. Vì vậy, mỗi kỳ lễ hội, các đình, đền thờ các tướng lĩnh hai triều đại này đã rước kiệu về chầu đức vua ở đền vua Đinh và vua Lê ở Trường Yên.
Lễ phẩm tiến vua. |
Trong đó có 11 kiệu như: kiệu đền Vua Đinh (xã Gia Phương, quê hương Vua Đinh); kiệu đền thờ Vua Lê (đền Đồng Bến, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình); kiệu đền Trung Trữ (Ninh Giang, Hoa Lư) thờ Vua Đinh, Vua Lê và Dương Thái Hậu; kiệu đền Nguyễn Bặc (Gia Phương, Gia Viễn)… Toàn bộ kiệu được rước vào sân Lễ hội.
Nằm trong nội dung các nghi lễ truyền thống của Lễ hội, các hoạt động tế lễ cổ truyền và tế Cửu khúc diễn ra trong 2 ngày (từ 14h ngày 20/4 và ngày 21/4).