Thực phẩm bẩn gia tăng: Luật có như không?

Ngoài những vụ vi phạm mà các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý, còn vô khối những vụ vi phạm khác bị lọt lưới pháp luật, đồng nghĩa với nó là có hàng nghìn tấn thực phẩm bẩn đã tuồn được vào các chợ, các nhà hàng và bày lên bàn ăn của người tiêu dùng.

Theo tìm hiểu của PLVN, thực tế thì ngoài những vụ vi phạm mà các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý, còn vô khối những vụ vi phạm khác bị lọt lưới pháp luật, đồng nghĩa với nó là có hàng nghìn tấn thực phẩm bẩn đã tuồn được vào các chợ, các nhà hàng và bày lên bàn ăn của người tiêu dùng.

Thực phẩm bẩn "tấn công" từ mọi phía

Cùng với tình hình thực phẩm lên giá ngay sau Tết Nguyên đán, nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng cao hơn bao giờ hết. Đây là mối lo lớn của phần lớn các bà nội trợ trong gia đình. Chị Huỳnh Thị Mỹ, giáo viên một trường tiểu học tại quận Bình Thạnh, TPHCM chia sẻ: “Mùng 9 Tết, cả nhà tôi đi ăn phở bò, sau đó về cả nhà bị một phen rối loạn tiêu hoá, sợ xanh mặt, từ đó cứ mua thực phẩm về tự chế biến cho chắc ăn".

Cùng nhận định như trên, chị Lâm Thị Thu Dung, nhân viên văn phòng một công ty bất động sản tại Đống Đa (Hà Nội) cho biết: "Trước kia khi vội không có thời gian chuẩn bị bữa ăn cho gia đình, tôi vẫn thường dùng những thức ăn bán sẵn như thịt chà bông (ruốc thịt), chả giò, nhưng gần đây, một chị bạn làm việc ở cửa hàng chế biến các thực phẩm này tiết lộ hầu hết chà bông, chả giò ngoài chất hàn the, còn được chế biến từ các loại thịt không rõ nguồn gốc, ôi thiu".

Tuy nhiên, ngay cả khi các bà nội trợ lựa chọn cách mua thực phẩm về tự chế biến thì nguy cơ vẫn còn đó. Chị Hoàng Thị Vi, quận Hải Châu (Đà Nẵng) chia sẻ: "Vừa rồi, tôi mua bốn miếng đậu phụ, nhưng để quên trong tủ lạnh, sau gần hai tuần lấy ra thấy vẫn còn nguyên, chứng tỏ là trong đó chứa một lượng chất bảo quản lớn, tôi sợ qúa bỏ luôn”.

Chị Lã Thùy Anh ở Bình Dương thì lắc đầu: Hôm tết, nghe bạn bè khuyến cáo nên khi mua nấm về, tôi đem luộc lại để khử bớt chất độc và cả nhà giật mình khi nước luộc đen kịt và có mùi hôi khó chịu".

Cùng với những trải nghiệm trực tiếp về sự mất an toàn trong sử dụng thực phẩm, thì các thông tin về thực phẩm bẩn, nguồn gốc không rõ ràng, gây độc hại cho sức khoẻ liên tục đến khiến người tiêu dùng choáng váng. Một topic về an toàn thực phẩm gần đây trên một trang Web dành cho các bà nội trợ đã đưa thông tin về việc tận mắt chứng kiến việc các nông dân trồng rau ở một huyện thuộc TP HCM phun thuốc trừ sâu liên tục trong vòng cả tháng, công nghệ làm giá đỗ bao gồm hóc môn tăng trưởng, thuốc tẩy trắng và thuốc trống mọc rễ để cho ra cọng giá trắng tinh, căng đẹp...

Chế tài nhẹ

Dù Luật An toàn thực phẩm đã có hiệu lực thi hành hơn 7 tháng, song đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành, nên việc xử lý vẫn theo các quy định cũ.

Theo Nghị định số 40/2009/NĐ-CP (ngày 24/4/2009) của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y thì các cá nhân có hành vi kinh doanh, vận chuyển sản phẩm động vật không có giấy phép chứng nhận kiểm dịch, với số lượng bất kể bao nhiêu cũng chỉ bị xử phạt với mức tiền từ 1-2 triệu đồng.

Tình hình vi phạm pháp luật về vệ sinh ATTP diễn ra liên tiếp trên diện rộng, tuy nhiên việc xử lý đối với các hành vi vi phạm này của các cơ quan chức năng còn chưa nghiêm. Hầu hết các hành vi vi phạm chỉ bị xử lý hành chính và tiêu hủy tang vật, rất ít hành vi bị xử lý hình sự.

Luật sư Lê Thiên, Giám đốc Cty TNHH Luật Lê và Liên danh bày tỏ: “Việc xử lý chưa nghiêm các hành vi vi phạm đã khiến người dân không khỏi nghi ngại về tính khả thi của các văn bản pháp luật. Đồng thời càng làm cho một số đối tượng vi phạm tỏ ra coi thường pháp luật và khiến số lượng các vụ việc vi phạm ngày một gia tăng với nhiều hình thức tinh vi, nguy hại hơn. Theo quy định tại Nghị định 45/2005/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế thì các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh ATTP có thể phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là: cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Nhưng mức phạt tiền cao nhất mà pháp luật quy định đối với hành vi vi phạm cũng chỉ lên tới 15 triệu đồng. Chính vì các chế tài xử phạt áp dụng đối với hành vi vi phạm pháp luật vệ sinh ATTP là quá nhẹ so với mức độ nguy hại mà hành vi này gây ra cho sức khỏe con người, cho môi trường, xã hội nên vi phạm không những không được ngăn chặn triệt để mà đối tượng vi phạm còn tỏ ra coi thường pháp luật”.

Phải chăng chế tài quá nhẹ, cộng với sự chủ quan của người tiêu dùng là những nguyên nhân khiến cho thực phẩm bẩn luôn có đất sống, không chỉ sống chui lủi mà còn công khai và thách thức dư luận.

“1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Không thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc nơi tập trung, phương tiện vận chuyển trước và sua khi đã kiểm dịch, bốc xếp, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; b) Trốn tránh việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông trên tuyến đường đi.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật theo quy định phải kiểm dịch mà không có Giấy chứng nhận kiểm dịch; b) Đánh tráo hoặc làm thay đổi số lượng động vật, sản phẩm động vật đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch bằng động vật, sản phẩm động vật chưa được kiểm dịch; c) Vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không đúng chủng loại, số lượng được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm dịch; d) Tự ý tháo dỡ niêm phong phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật hoặc tự ý thay đổi mã số đánh dấu động vật trong quá trình vận chuyển.....”

(Điều 12 Nghị định số 40/2009/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y)

Vân Anh – Ngọc Mai
 

Đọc thêm