Đầu tư ngoài ngành ồ ạt, thu về ì ạch

(PLO) - Giá trị vốn đầu tư các tập đoàn, tổng công ty thu về được trong khoảng 1,5 năm qua tính ra chưa bằng “số lẻ” họ đã ồ ạt đầu tư ra ngoài ngành những năm trước. Không chỉ EVN hay Vinacomin “thu binh” không kèn không trống…
EVN đã thoái toàn bộ vốn tại Công ty Cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina (Land Sài Gòn) và Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Miền Trung (Land Miền Trung) để chuyên tâm với ngành nghề chính của “nhà đèn”
EVN đã thoái toàn bộ vốn tại Công ty Cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina (Land Sài Gòn) và Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Miền Trung (Land Miền Trung) để chuyên tâm với ngành nghề chính của “nhà đèn”
2.000/22.000 tỷ đồng
Theo báo cáo của Bộ Tài chính về thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong tổng số gần 22 ngàn tỷ đồng các tập đoàn, tổng công ty đã đầu tư ngoài ngành cần thoái, năm 2013 mới thoái được 965 tỷ đồng (tài chính, ngân hàng là 734,7 tỷ đồng, bảo hiểm 135 tỷ đồng, bất động sản 103,5 tỷ đồng, các quỹ đầu tư 7 tỷ đồng); năm 2014, tính đến ngày 20/6 giá trị vốn đầu tư các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thoái được là 821,8 tỷ đồng, gồm 168,5 tỷ  đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính (chứng khoán 23 tỷ đồng, tài chính - ngân hàng 73 tỷ đồng, bảo hiểm 72,5 tỷ đồng) và 653,3 tỷ đồng đã thoái tại các doanh nghiệp giảm tỷ lệ sở hữu. 
Như vậy, trong một năm rưỡi qua, giá trị vốn đầu tư các tập đoàn, tổng công ty thu về được tính ra chưa bằng “số lẻ” họ đã ồ ạt đầu tư ra ngoài ngành những năm trước. Vì vậy, để hoàn thành có hiệu quả Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty phải “coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần kiên quyết hoàn thành”.  
Mặc dù trước đó, nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, ngày 6/3/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 15/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. 
Theo đó, ngoài các quy định tại Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước được thực hiện các giải pháp “đặc biệt”: Thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định và trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định. Đối với việc thoái vốn tại các công ty đầu tư tài chính, các ngân hàng thương mại của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, có thể giao các ngân hàng thương mại nhà nước mua lại hoặc chuyển Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện chủ sở hữu. 
Khi Điện dứt “nợ” bất động sản, Than đoạn “tình” chứng khoán
Trong số các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có đầu tư ngoài ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) là 2 tên tuổi khá nổi bật.
Theo Đề án tái cơ cấu EVN giai đoạn 2012-2015, Tập đoàn này sẽ phải thực hiện thoái vốn và giảm vốn tại 7 công ty cổ phần hoạt động ngoài lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính. Tính đến ngày 31/12/2013, tổng số vốn góp của EVN tại 7 đơn vị này là 2.072,2 tỷ đồng.
Đến nay, EVN đã thoái toàn bộ vốn tại Công ty Cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina (Land Sài Gòn) và Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Miền Trung (Land Miền Trung) theo hình thức đấu giá công khai với giá trị cổ phiếu được nói là bằng hoặc cao hơn mệnh giá. 
EVN cũng hoàn thành việc chuyển nhượng một triệu cổ phần của Tập đoàn tại Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu cho Công ty International ERGO, giảm tỷ lệ sở hữu của EVN từ 22,5% xuống còn 20% vốn điều lệ của Công ty cổ phần này. EVN còn hoàn thành việc chuyển nhượng 25,2 triệu cổ phần của EVN tại Ngân hàng TMCP  An Bình cho Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Nội (Geleximco), giảm tỷ lệ sở hữu của EVN từ 21,27% xuống còn 16,02% vốn điều lệ của Ngân hàng này. 
EVN cũng hoàn thành việc thoái toàn bộ vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Điện lực Việt Nam với số lượng chuyển nhượng là 500.000 cổ phần. Đến nay các thủ tục thanh toán tiền chuyển nhượng cổ phần cho EVN đã hoàn thành. Riêng tại Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance), Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội đã chấp thuận phê duyệt phương án giảm vốn của EVN từ 40% vốn điều lệ xuống còn 15% vốn điều lệ.
Trong khi đó, lãnh đạo Vinacomin cho hay cũng vừa bán công ty tài chính của tập đoàn này  cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank); đồng thời, khoảng hơn 400 tỷ đồng đang đầu tư tại 4 đơn vị là Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), Công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Sài Gòn - Hà Nội (SHF) và Khu công nghiệp Hải Hà cũng sẽ được Tập đoàn hoàn thành thoái vốn trong năm 2015... 
Còn nhớ một thời không riêng EVN hay Vinacomin mà hầu như tất cả các tập đoàn, tổng công ty đều “trống giong cờ mở” ký kết các “thỏa thuận chiến lược” góp vốn đầu tư ngoài ngành. Nay thì lặng lẽ “thu binh” “không kèn không trống”. Một số ý kiến vẫn chống chế cho rằng không ít dự án ngoài ngành vẫn có lãi, và rằng: “Một số đang đầu tư dở dang phải hoàn thiện, khác nào may một chiếc áo mà chưa có khuy thì sao thành áo được” như phát biểu mới đây của một vị tổng giám đốc.

Đọc thêm