Thuốc lá mới - cơ hội hay gánh nặng?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các sản phẩm thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đang nhận nhiều ý kiến đa chiều của các nhà khoa học trên toàn cầu, cũng như nhiều nghiên cứu khoa học vẫn đang diễn ra để đưa ra kết luận đối với các sản phẩm này.

Dữ liệu thực tế không thể làm ngơ

Từ năm 2018, Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE), đã phát hiện: “So với khói của thuốc lá điếu đốt cháy, các sản phẩm thuốc lá làm nóng (TLLN) có khả năng khiến người sử dụng và người không sử dụng phơi nhiễm ở mức độ thấp hơn với các hạt phân tử rắn và các hợp chất gây hại hoặc có tiềm năng gây hại”. Đồng thời, PHE cũng công bố thuốc lá điện tử (TLĐT) ít gây hại hơn khoảng 95% so với thuốc lá điếu thông thường.

Cục Y tế Môi trường thuộc Viện Y tế Công cộng Quốc gia Nhật Bản đã tiến hành một nghiên cứu so sánh nồng độ các chất hóa học trong khí hơi (aerosol) của một sản phẩm TLLN và khói của thuốc lá điếu thông thường. Các tác giả đã kết luận rằng: “Nồng độ các hợp chất nguy hiểm trong khí hơi của sản phẩm TLLN này thấp hơn nhiều so với trong khói của thuốc lá điếu đốt cháy”.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng đưa ra kết luận với một sản phẩm TLLN đã qua kiểm nghiệm: “Với những căn cứ khoa học có được tính đến thời điểm hiện tại, có thể thấy rằng hệ thống làm nóng thuốc lá chỉ làm nóng nhưng không đốt cháy thuốc lá. Điều này giúp giảm thiểu đáng kể sự hình thành các chất hóa học gây hại hoặc có tiềm năng gây hại”.

Theo các chuyên gia y tế, việc giảm hàm lượng chất gây hại có ý nghĩa rất lớn. Chỉ cần giảm hàm lượng các chất độc hại do đốt cháy điếu thuốc lá thì sẽ giảm phần lớn mức tiếp xúc với các chất sinh ung thư. Kết quả là nguy cơ gây ra các bệnh lý cũng có khả năng giảm theo.

PGS. TS. BS Trần Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TP Hồ Chí Minh cho biết, một nghiên cứu năm 2021 do Đại học Catania (Ý) thực hiện trên nhóm bệnh nhân COPD hút thuốc lá điếu chuyển sang sử dụng TLLN cho thấy các đợt cấp COPD sau 36 tháng giảm khoảng 40%. Nghiên cứu trong ống nghiệm tại Nhật phát hiện hàm lượng các độc chất trong TLLN được giảm từ 90-95% so với thuốc lá điếu thông thường. Thí nghiệm trên chuột cũng chứng minh việc chuyển đổi sang TLLN làm chậm đi quá trình phát triển xơ vữa động mạch và khí phế thũng, vốn gắn liền với bệnh COPD.

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TP Hồ Chí Minh.

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TP Hồ Chí Minh.

Hiện nay, bên cạnh các quốc gia cấm thuốc lá mới thì số đông đưa các sản phẩm này chịu sự kiểm soát của pháp luật. Cụ thể 184/195 quốc gia thành viên của WHO đưa TLLN vào quản lý trong khi 79 quốc gia kiểm soát TLĐT.

Dùng hàng rào pháp lý để ngăn giới trẻ sử dụng thuốc lá mới

Tại Mỹ, khảo sát từ Viện Quốc gia về Lạm dụng Ma túy (NIDA) và Đại học Michigan chỉ ra rằng, tỷ lệ sử dụng TLĐT có chứa nicotin ở học sinh lớp 12 giảm xuống dưới 20% trong năm 2021.

Gần đây nhất, FDA Hoa Kỳ và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) nghiên cứu về tình trạng sử dụng thuốc lá quốc gia ở giới trẻ (NYTS) đã công bố một báo cáo đáng chú ý. Theo đó, tỷ lệ sử dụng sản phẩm thuốc lá nói chung hiện nay ở nhóm học sinh trung học tại Mỹ đã giảm trong giai đoạn 2022-2023 (16,5% xuống 12,6%). Sự suy giảm này chủ yếu đến từ việc sử dụng TLĐT ở độ tuổi này giảm từ 14,1% xuống còn 10,0%. Điều này có nghĩa, trong năm 2023 số học sinh trung học hiện đang sử dụng TLĐT ít hơn 580.000.

Từ năm 2022 - 2023: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh trung học tại Mỹ giảm đáng kể.

Từ năm 2022 - 2023: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh trung học tại Mỹ giảm đáng kể.

Tại Trung Quốc, cơ quan quản lý thuốc lá cho biết sẽ thiết lập một “nền tảng quản lý thống nhất có tính chất quốc gia cho việc mua bán TLĐT”. Điều này có nghĩa, tất cả các doanh nghiệp bán buôn và bán lẻ TLĐT muốn được cấp phép phải thông qua những tiêu chuẩn trong hệ thống quản lý.

The đó, Nhà nước Trung Quốc sẽ kiểm soát liều lượng nicotine có trong TLĐT, các hóa chất được thêm vào dung dịch và mức độ nguy hại. Hành động này chính thức khép lại thời kỳ nằm “ngoài vòng pháp luật” của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (TLTHM).

Đối với giới trẻ, quốc gia này cũng ngăn chặn người dưới 18 tuổi tiếp cận sản phẩm, cấm các hành vi buôn bán TLĐT trên mạng, tước giấy phép các bên liên quan khi có bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật hiện hành.

Không phải ngẫu nhiên mà bằng các căn cứ khoa học, phần lớn các quốc gia tiên tiến đều đi đến quyết định kiểm soát TLTHM thay vì buông lỏng hay cấm đoán cực đoan. Điều này cho thấy, đã không còn là lúc bàn về tác động của TLTHM hay không, mà là sự thật các sản phẩm này đã hiện diện trên thị trường, không chỉ ở một vài nước mà là toàn cầu. Theo các chuyên gia, điều cần làm hiện giờ của các Chính phủ là nên đưa ra biện pháp “rèn nắn” sản phẩm này phát triển theo hướng có lợi như những quốc gia đã đi trước và thành công, thay vì chật vật trong việc ngăn chặn buôn lậu bằng những hình thức cấm đoán không hiệu quả.

Đọc thêm