Thực tế cho thấy có nhiều bé gái bị dậy thì sớm. 8 tuổi, 6 tuổi, thậm chí có bé 3 tuổi đã bị dậy thì. Với những trường hợp dậy thì sớm bất thường, việc tiêm thuốc ức chế dậy thì là cần thiết.
Việc sử dụng thuốc để ức chế dậy thì sớm chỉ khi chắc chắn có sự tăng tiết hormon và dậy thì sớm quá mức bình thường.
Cơ chế của các loại thuốc này là hạn chế kinh nguyệt sớm, ức chế tuyến yên tiết ra hormon sinh dục rõ rệt nên làm cho sự phát triển sinh dục giảm, giảm các hormon gây dậy thì sớm, kết quả là làm giảm các biểu hiện kinh nguyệt, giảm tốc độ tiến triển dậy thì sớm.
Đối với trường hợp dậy thì sớm do suy tuyến giáp thì bổ sung hormon tuyến giáp, loại bỏ triệu chứng chảy sữa và tăng prolactin máu...
Có loại hormone ức chế dậy thì còn được cho rằng có tác dụng phụ là thúc đẩy xương phát triển tối đa, nên rất được các bậc cha mẹ 'xính dùng' vì 'một mũi tên trúng 2 đích'.
Tuy nhiên, việc dùng hormon như trên chỉ mới giải quyết phần ngọn nhằm giảm bớt các biểu hiện, làm chậm lại dậy thì sớm chứ không chữa được. Phụ huynh không nên tự ý sử dụng cho con mình bởi đi kèm với những lợi ích trên, các loại thuốc này còn có những ảnh hưởng không tốt khác như: sự thay đổi nội tiết, trẻ phải chịu những cơn đau, sẽ lão hóa sớm về sau...
Không những thế, thuốc ức chế hormon sinh dục nếu tiêm cho trẻ bình thường là đi ngược lại nhịp sinh học đang phát triển của các em, gây rất nhiều điều bất lợi. Sau khi dùng thuốc, có thể các bộ phận như buồng trứng, tinh hoàn của trẻ sẽ teo nhỏ, ngừng phát triển hoặc gây vô kinh, vô sinh…
“Thuốc nội tiết dành cho trẻ luôn là “con dao hai lưỡi”, do vậy nếu sử dụng đúng chỉ dẫn của bác sỹ hiệu quả mang lại cao, tuy nhiên tác hại cũng thật khôn lường nếu phụ huynh tự ý sử dụng mà không tham khảo ý kiến của thầy thuốc”, một bác sỹ viện Nhi khuyến cáo.