Chữa tâm lý mới là tận gốc

(PLO) - Không phải là tất cả. Nhưng nhiều trường hợp thì đúng là như vậy. Chẳng hạn khi bị các triệu chứng về tim mạch như tăng huyết áp, loạn nhịp tim, hồi hộp đánh trống ngực... thì đương nhiên người bệnh sẽ đến chuyên khoa tim mạch. Tại đây đương nhiên bệnh nhân sẽ được chữa trị các triệu chứng.

Stress gây nhiều bệnh

Nếu được chữa khỏi hẳn, xin chúc mừng bệnh nhân. Và như vậy câu chuyện thì sẽ không có gì để nói. Nhưng nếu các triệu chứng vẫn bị lặp lại thì nên nghĩ đến bệnh về tâm lý: stress.

Theo Ths. Trần Thị Tâm Nhàn, chuyên gia tâm lý – giảng viên bộ môn Khoa học hành vi & Giáo dục sức khỏe – trường đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, nguyên căn của các triệu chứng nêu trên có thể là do tình trạng tâm lý căng thẳng và dồn ép quá mức (stress tiêu cực) gây ra. Chữa triệu chứng là chữa trên ngọn. Để chữa tận gốc thì phải xử lý được cái nguyên cớ gây ra tình trạng stress tiêu cực này. Nhưng đó là phạm vi chuyên môn của bác sĩ tâm lý chứ không phải của bác sĩ tim mạch.

Chuyên gia tâm lý Ths. Trần Thị Tâm Nhàn.
Chuyên gia tâm lý Ths. Trần Thị Tâm Nhàn.

Stress không chỉ gây ra các bệnh về tim mạch. Khoa học hiện đại ghi nhận stress có thể gây ra nhiều căn bệnh khác: tâm thần kinh (mất ngủ, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn phiền, cáu gắt, loạn trí nhớ, trầm cảm...); tiêu hóa (viêm loét dạ dày - tá tràng, chảy máu tiêu hóa, thủng dạ dày, tiêu chảy, khô miệng, chán ăn, ăn không tiêu, hơi thở hôi, rối loạn chức năng đại tràng...); bệnh tình dục (giảm ham muốn, di tinh, mộng tinh, giao hợp đau); bệnh phụ khoa (rối loạn kinh nguyệt, rối loạn nội tiết...); cơ khớp (co cứng cơ, đau lưng, đau khớp, cảm giác kiến bò ở ngón tay, máy mắt, chuột rút, run rẩy...); bệnh toàn thân (suy sụp, mệt mỏi, dễ mắc các bệnh dị ứng hay bệnh truyền nhiễm).

Điều trị về tâm lý song song hoặc trước khi điều trị đau thực thể

Với rất nhiều bệnh như vậy mà chỉ được điều trị triệu chứng thì xác suất được chữa tận gốc rất thấp. Trong chương trình tư vấn sức khỏe của Phòng khám đa khoa đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch ngày 07/07/2018, với chủ đề “Kiểm soát stress – để làm việc hiệu quả”, các chuyên gia tâm lý Ts. Lý Thị Mai, Ths. Trần Thị Tâm Nhàn đều thống nhất rằng bệnh nhân nên được điều trị về tâm lý song song hoặc trước khi điều trị đau thực thể.

Chuyên gia tâm lý Ts. Lý Thị Mai.
Chuyên gia tâm lý Ts. Lý Thị Mai.

Để tự nhận biết được đang stress, các chuyên gia hướng dẫn người bệnh chú ý 2 phương diện: cơ thể và tâm trí. Nếu cơ thể có vài trong số những triệu chứng: Ăn, ngủ không ngon; tăng hoặc giảm cân; đau đầu, lưng, vai; các vấn đề về dạ dày; tim đập nhanh, khó thở; da bị kích ứng… và tâm trí có một số trong các dấu hiệu: mất kiểm soát cảm xúc; dễ bị kích động, dễ nổi giận; hành vi gây hấn; cảm thấy bất lực; không tập trung; lo lắng; buồn, dễ khóc, mặc cảm… thì đấy là dấu hiệu của stress.

Các chuyên gia cho biết, nếu bệnh do tâm lý gây ra và người bệnh chủ động sớm đến với bác sĩ tâm lý thì chi phí chữa trị sẽ thấp hơn rất nhiều và đồng thời không bị tác dụng phụ của thuốc so với chỉ chữa thực thể./.

Đọc thêm