Đến 2050, lao kháng đa thuốc sẽ giết chết 75 triệu người

(PLO) - Trong vòng 35 năm tới, bệnh lao kháng đa thuốc sẽ giết chết 75 triệu người và gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu lên đến 16,7 nghìn tỉ USD, tương đương với tổng sản lượng kinh tế hàng năm của Liên minh Châu Âu.
Một phụ nữ mắc lao ở Nam Sudan. (Ảnh: Internet)
Một phụ nữ mắc lao ở Nam Sudan. (Ảnh: Internet)
Reuters dẫn báo cáo của Nhóm Nghị viện các đảng Anh về bệnh lao toàn cầu (APPG TB) cho biết, nếu không được ngăn chặn, sự lây lan của các siêu kháng thuốc lao có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm đến 0,63% mỗi năm.
“Gánh nặng toàn cầu của bệnh lao kháng đa thuốc và các trường hợp kháng thuốc lây nhiễm khám sẽ dẫn đến những tổn thất về kinh tế và nhân mạng lớn đến mức cộng đồng quốc tế không thể làm ngơ” – nhà kinh tế Jim O’Neill, một thành viên của nhóm nghiên cứu APPG TB cho hay. 
Vi khuẩn gây bệnh lao có thể phát triển khả năng kháng thuốc cho đến nay vẫn được dùng để chữa chính căn bệnh này. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lao kháng đa thuốc không phản ứng với ít nhất 2 loại thuốc chống lao mạnh nhất hiện nay là isoniazid và rifampicin.
Báo cáo được WHO công bố trong năm ngoái cho biết, lao kháng đa thuốc đã ở mức độ “khủng hoảng” với khoảng 480.000 ca bệnh mới được ghi nhận trong năm 2013.
Theo các chuyên gia y tế, lao kháng đa thuốc là một vấn đề do con người gây ra, thường là do bệnh nhân lao dùng sai thuốc, không đúng liều dùng hoặc không điều trị dứt điểm bệnh. Tình trạng này xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn. 
Ở trẻ nhỏ, các chuyên gia tại Trường Đại học Y Harvard (ở Boston, Mỹ) mới đây cũng đã công bố báo cáo cảnh báo về việc hơn 500.000 trẻ bị mắc lao mỗi năm có nguy cơ tử vong vì không được điều trị theo một phác đồ phù hợp. 
Báo cáo của các nhà nghiên cứu tại Trường Harvard cho rằng, bệnh lao khó phát hiện ở trẻ em hơn người lớn vì chúng thường không có các biểu hiện bệnh thường thấy như ho, đổ mồ hôi về đêm… “Một số lượng lớn trẻ em đang mắc và tử vong vì lao do phần lớn các nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh này đang được tập trung vào người lớn và lơ là ở trẻ nhỏ” – bà Mercedes Becerra, Phó Giáo sư tại Trường Harvard cho biết. 
Kể cả khi trẻ đã được phát hiện các dấu hiệu bệnh, các bác sỹ hiện vẫn thiếu các công cụ để chẩn đoán bệnh đáng tin cậy cũng như các loại thuốc điều trị phù hợp với trẻ nhỏ. 5 năm trước, WHO đã khuyến nghị cần phải có liều lượng mới và thích hợp hơn để điều trị bệnh ở trẻ em. 
Tuy nhiên, đến nay loại thuốc viên trị lao dành cho trẻ em vẫn chưa được sản xuất. Thay vào đó, các bác sĩ và phụ huynh thường chia nhỏ viên thuốc của người lớn để cho bệnh nhi uống, thường dẫn đến sai liều và thậm chí là kháng thuốc. 
Theo báo cáo của bà Becerra, mỗi năm hiện có khoảng 32.000 trẻ bị mắc lao kháng đa thuốc, khiến cho việc điều trị bệnh trở nên vô cùng khó khăn, trẻ phải uống nhiều loại thuốc với các tác dụng phụ nặng nề trong khoảng thời gian lên đến 2 năm. 
Lao là bệnh truyền nhiễm gây chết người nhiều thứ 2 trên thế giới, chỉ sau HIV. Báo cáo của WHO cho hay, trong năm 2013, trên toàn thế đã có 1,5 triệu người chết vì căn bệnh này. Bệnh lây qua những cơn ho và hắt hơi của người nhiễm khuẩn. Ở trẻ nhỏ, bệnh cướp đi sinh mạng của ít nhất 800.000 em mỗi năm.
Với tính chất nguy hiểm như trên, nhóm nghiên cứu của Nghị viện Anh thúc giục các chính phủ trên thế giới nỗ lực hơn nữa để cải thiện việc nghiên cứu và hợp tác nhằm ngăn chặn tình trạng kháng thuốc ở bệnh lao./.

Đọc thêm