Phương thuốc bí mật 'thổi bay' nọc rắn độc

(PLO) -Nhiều người dân ở huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) đều biết đến tài năng, tấm lòng và sự nhiệt tình cứu người của ông thầy lang Đình Văn Cường, người chuyên chữa rắn độc cắn.
 Ông  Cường đang “thổi” độc rắn cứu bệnh nhân
Ông Cường đang “thổi” độc rắn cứu bệnh nhân

Theo sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ của ông Cường. Trước nhà là giàn thuốc Nam đang được phơi nắng. Tiếp chúng tôi, người đàn ông tuổi đã ngoài 50 với nước da ngâm đen, vầng trán đầy những những nếp nhăn và mái tóc đã điểm bạc.

Biết thì giúp người làm phúc

Pha ấm nước chè xanh, ông Cường tiếp chuyện bằng chất giọng chắc nịch của người dân miền núi Hà Tĩnh: “Việc tôi giúp người bị rắn cắn cũng đã nhiều năm rồi. Hương Khê là huyện miền núi, địa hình toàn là rừng núi nên rắn cắn là chuyện thường xuyên xảy ra.

Người ta hoạn nạn thì mới tìm đến mình, mình không phải là bác sỹ, thuốc của mình cũng không phải là thần dược gì cả nhưng thấy cảnh họ bị rắn độc cắn đứng bên “bờ vực” cái chết mình cũng xót, có biết “tí” cách chữa trị thì phải giúp họ, thà cố gắng mà không được chứ không giúp thì cắn rứt lương tâm lắm…”, ông Cường mở đầu câu chuyện.

Bản thân ông Cường cũng đang mang trong mình căn bệnh kinh niên u tuyến tiền liệt. Nhiều năm nay, ông đã đi khắp các bệnh viện ở miền Bắc, miền Nam chữa trị nhưng hiện căn bệnh quái ác vẫn đang hành hạ ông ngày đêm. Mặc dù vậy, điều này không cản được tấm lòng, mong muốn cứu người giúp đời của ông. 

Theo lời ông Cường, từ lúc biết phương thuốc Nam chữa rắn độc cắn tới giờ, ông đã chữa thành công cho hàng trăm người bị rắn cắn nặng, nhẹ khác nhau và chưa có ca nào thất bại. Đặc biệt có một ca nặng nhất, là trường hợp của chị Nguyễn Thị Hảo (trú tại xã Thạch Khương, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). 

Ông Cường kể lại, chồng chị Hảo tìm đến nhà ông, kể về tình trạng của vợ rồi mong ông giúp đỡ. Tuy là nửa đêm lại đang bị căn bệnh kinh niên của mình hành hạ nhưng khi nghe tin có người bị rắn độc cắn đang trong tình trạng nguy kịch, ông không hề quản ngại, lập tức vượt gần 100km đến bệnh viện Đa Khoa Hà Tĩnh cứu chữa.  

“Nói thật, tôi cũng rất lo, vì chị Hảo đã ở trong tình trạng nguy kịch, thở bình ôxy rồi, sơ sẩy tí là mất cả mạng người. Đêm đó, tôi đã giúp được cô ấy qua cơn “thập tử nhất sinh”, rồi còn phải đi tới đi lui bệnh viện mấy ngày nữa thì chị Hảo mới hết nguy hiểm. Đó cũng là ca chữa trị dài nhất của tôi từ trước tới giờ, lúc đó độc rắn đã phát tác quá mạnh, lan khắp cơ thể rồi…”, ông Cường bộc bạch vể chuyện cứu người.

Bài thuốc Nam “thổi bay”…độc rắn

Về bài thuốc chữa rắn độc cắn của mình, ông Cường không ngần ngại chia sẻ: “Tôi dùng lá trầu không, 1 chai rượu trắng, gừng, giã nhuyễn trầu và gừng rồi đổ thêm rượu vào, khuấy đều, cho bệnh nhân uống 1 ít nước đã pha đó. Tiếp đên ngậm một lượng vừa đủ hỗn hợp nước đó trong miệng và “thổi” lên chỗ đau của họ”. 

Theo ông Cường, công đoạn dùng miệng thổi là quan trọng nhất vì nó quyết định việc thành công hay không. Phải làm sao để máu độc không di chuyển tới các vùng khác nữa và có thể loại bớt độc tố ra ngoài. Đây mới chỉ là công đoạn sơ cứu bệnh nhân để máu độc đỡ lan ra các vùng khác. “Tiếp đó phải dùng một vài loại thuốc Nam khác mà gia đình tôi pha chế giã nhuyễn sắc uống kết hợp thổi nữa là khỏi hẳn…”, ông Cường cho biết. 

Ông Cường nói thêm" Phương pháp chữa trị rắn cắn, rết (tít) cắn từ thuốc Nam này là tự ông mày mò, học hỏi. Khi còn là thanh niên đi rừng lấy củi, chăn bò, ông đã bị rắn cắn nhiều lần và nhanh chóng tự cứu mình bằng những cái lá cây xung quanh. Chính vì thế ông đúc rút được nhiều kinh nghiệm cho bản thân và có được bài thuốc Nam chữa rắn như ngày hôm nay.

Không chỉ riêng chị Hảo thoát khỏi “lưỡi hái” tử thần mà hàng chục người khác bị rắn độc cắn cũng được bảo toàn tính mạng nhờ ông Cường. Như trường hợp anh Trần Văn Nhật (ở xóm La Khê, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh). Anh Nhật bị rắn độc cắn lúc chập tối, tới nhà ông Cường trong tình trạng nôn mửa, người đờ đẫn, khó chịu, mặt mày tím tái.

Gia đình cứ nghĩ là sẽ không qua khỏi, nếu đưa đến bệnh viện thì đường xá xa xôi cũng không kịp nên tới nhờ ông với hy vọng “còn nước còn tát”. Ấy thế mà chỉ với phương thuốc Nam, cùng chiêu “thổi độc” cộng với lòng cứu người, ông Cường đã giúp anh Nhật thoát khỏi kiếp nạn. 

Ông Cường và phương thuốc chữa rắn độc cắn của mình
Ông Cường và phương thuốc chữa rắn độc cắn của mình

Ngoài ra, còn có nhiều người khác như ông Nguyễn Công Tuyết (ở xóm La Khê, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), ông Nguyễn Văn Ân (xóm Ngọc Bội, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), chị Lê Thị Mười (xã Bắc Sơn, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), anh Nguyễn Hùng (xóm Bắc Lĩnh, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh)…

Ông Nguyễn Công Tuyết (ở xóm La Khê, Hương Trạch), người từng được ông Cường chữa trị khỏi rắn độc cắn chia sẻ: “Bữa đó trong nhà hết thuốc, để kịp thời có thuốc giải độc rắn cắn, ông Cường đã phải gùi cơm lên rừng kiếm lá về sắc và đắp vào vết thương cho tui không quản trời đang mưa tầm tã”. 

“Tuy tui và gia đình đã ngăn cản nhưng với sự nhiệt tình cứu người, ông Cường vẫn nhất quyết đi lấy lá bằng được vì sợ ở nhà không đủ thuốc cho tui dùng, độc rắn ngấm sâu ảnh hưởng tới sức khỏe sau này. Điều đặc biệt là ông chữa cho người khác từ cái tâm của mình chứ không vì vật chất hay gì khác”, tiếp lời người bệnh.

Ông Đinh Văn Thiện, xóm trưởng xóm Bắc Lĩnh (xã Hương Trạch) cho biết: “Ông Cường là một người mẫu mực, luôn vì anh em bạn bè, làng xóm. Việc cứu người bị rắn cắn ông đã làm từ thời còn trẻ, cũng chỉ xuất phát từ tấm lòng và trách nhiệm của bản thân. Hàng năm chính quyền xóm vẫn đến thăm hỏi và cảm ơn ông đã cứu chữa rất nhiều bệnh nhân rắn cắn, rết cắn, chó dại cắn… Đây là tấm gương về tài năng và đạo đức mà lớp trẻ sau này cần học hỏi”.

“Còn một hơi thở cũng phải cứu người…”

Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Liên, hàng xóm của ông Đinh Văn Cường, chị tâm sự : “Ông Cường là 1 người rất gương mẫu, thương yêu con cháu và đặc biệt là rất quan tâm mọi người xung quanh. Ai đau ốm là ông tới thăm, nhà ai có người mất là ông xông xáo vô làm giúp. Ông có tài chữa rắn cắn lắm mà lại không lấy một đồng nào của người bệnh cả”.

Anh Đinh Văn Hùng, con trai trưởng của ông Cường cho hay : “Nhiều lần anh em bọn tui khuyên cha đừng làm việc này nữa, nó rất nguy hiểm bởi công đoạn hút rồi “thổi” máu của người bị rắn cắn rất độc và máu đó ngấm rất nhanh, có thể về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến cha.

Mỗi lần đi viện chữa bệnh là một lần đại gia đình tui rớt nước mắt vì thương cha. Thế mà không những không dừng lại, cha tôi vẫn tiếp tục việc cứu người của mình cha nói “Còn một hơi thở cũng phải cứu người”.

Bất chấp căn bệnh đang hoành hành trong người, ông Cường vẫn nhiệt tình với công việc cứu chữa. “Việc của cha hãy để cha làm, đừng suy nghĩ nhiều. Cha muốn làm điều gì đó cho đời để đời cha sống không uổng phí!” – ông Cường đã nói với con mình như vậy.

Tạm biệt ông ra về, tôi chợt nhớ đến nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân “Một tấm lòng như vậy dễ có trong thiên hạ sao?”. Chính tấm lòng, sự nhiệt tình của ông Đinh Văn Cường, khiến tôi chợt nghĩ trong xã hội hiện nay vẫn còn đó những tấm lòng cao cả, ngày đêm lặng lẽ giúp người, giúp đời.

Đọc thêm