Văn hóa & Pháp luật

Thưởng thức văn hóa "thời 4.0"

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhằm giúp bảo tồn, gìn giữ các giá trị tốt đẹp và hạn chế được những mặt trái trong thời đại 4.0 thì việc xây dựng thiết chế văn hóa trên môi trường số cần thực hiện càng sớm càng tốt.
Ứng dụng tham quan trực tuyến 3D, 4D… giúp du khách chỉ cần ngồi trên mạng với vài cái click chuột là có thể tiến hành một cuộc tham quan gần như trọn vẹn.
Ứng dụng tham quan trực tuyến 3D, 4D… giúp du khách chỉ cần ngồi trên mạng với vài cái click chuột là có thể tiến hành một cuộc tham quan gần như trọn vẹn.

Thưởng thức văn hóa trên không gian mạng

Trong những năm gần đây, khái niệm “số hóa” về văn hóa được nhắc đến nhiều hơn bao giờ hết. Nếu như trước kia, việc thụ hưởng các giá trị văn hóa hầu hết được thực hiện trực tiếp thì nay, thời đại 4.0 đã dẫn đến đổi thay mạnh mẽ về cách thức thụ hưởng văn hóa.

Xuất bản phẩm là một trong những lĩnh vực có tốc độ số hóa nhanh hàng đầu trong những năm qua. Từ những bước loay hoay với những quyển sách trực tuyến đầu tiên, giờ đây, trên không gian mạng đã có một kho dữ liệu khổng lồ về xuất bản phẩm như sách điện tử, sách nói, sách mạng tương tác, ấn phẩm truyền thông đa phương tiện... Các công ty sách Việt Nam cũng cho thấy là những người làm sách cực kì nhanh nhạy trong chuyển đổi số, từ hình thức, nội dung phục vụ nhu cầu bạn đọc cho đến các phương tiện để bảo vệ bản quyền...

Âm nhạc, điện ảnh cũng là mảng được số hóa mạnh mẽ. Từ biểu diễn trực tiếp, giờ đây, chủ yếu khán giả được thưởng thức âm nhạc thông qua các ứng dụng, nền tảng số. Với nghệ thuật thứ 7, cạnh tranh trực tiếp với phim truyền hình, phim chiếu rạp là phim chiếu mạng và hàng loạt ứng dụng xem phim trực tuyến, xem phim trả tiền.

Ngay cả nhiều nghệ sĩ thuộc thế hệ “cũ” như ca sĩ thính phòng, nghệ sĩ cải lương cũng bắt đầu biết tương tác với người dùng trên nền tảng số. Nhờ có sự tích cực “ôn cố tri tân” của các nghệ sĩ kì cựu, nhiều vở diễn tuồng, chèo, cải lương cổ tưởng như đã bị “lãng quên” nay xuất hiện trên không gian mạng, tiếp cận được với giới trẻ, khiến người trẻ hiểu, yêu thích thêm một loại hình sân khấu truyền thống của dân tộc.

Trong hoạt động bảo tàng, đặc biệt từ sau sự bùng phát của COVID-19, bên cạnh việc tham quan trực tiếp, rất nhiều bảo tàng lớn nhỏ trong nước đã tiến đến “số hóa” hệ thống hiện vật, nhiều bảo tàng xây dựng được ứng dụng tham quan trực tuyến 3D, 4D… giúp du khách chỉ cần ngồi trên mạng với vài cái click chuột là có thể tiến hành một cuộc tham quan gần như trọn vẹn.

Tại các tỉnh, thành trên cả nước, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa cũng đã và đang diễn ra. Đặc biệt, tốc độ chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn tại các đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và các địa phương có hệ thống di sản phát triển.

Đơn cử, tại TP HCM thời gian qua đang thực hiện số hóa 100 điểm du lịch nổi tiếng như Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Hội trường Thống Nhất, Bưu điện trung tâm thành phố, Bào tàng Hồ Chí Minh… Những địa điểm tham quan này sẽ được hỗ trợ thực hiện bằng giao diện ảnh 360, 3D, công nghệ thực tế ảo… và ứng dụng công nghệ QR Code tương tác trực tiếp để tạo ra cách tiếp cận mới cho du khách khi đến đây.

Những năm gần đây, TP HCM cũng đã chứng kiến nhiều bảo tàng, điểm tham quan ứng dụng mã QR Code vào trải nghiệm du lịch bảo tàng khiến du khách thích thú và hài lòng.

Hiện nay, hầu hết các lĩnh vực đều đã và đang đẩy mạng tốc độ “số hóa” để đáp ứng nhu cầu của người dân trong xã hội số. Văn hóa được đánh giá là một trong những lĩnh vực có tốc độ số hóa mạnh mẽ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tốc độ này vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân hiện nay chủ yếu lựa chọn thưởng thức văn hóa trên không gian mạng. Việc số hóa vẫn hầu như diễn ra trong lĩnh vực giải trí và kinh doanh văn hóa là chủ yếu, còn nhiều giá trị văn hóa cần bảo tồn, gìn giữ như các di sản văn hóa dân tộc, các di sản văn hóa địa phương đó đây vẫn còn bị lãng quên, thậm chí có những di sản đã biến mất trước khi được số hóa.

Cạnh đó, việc thưởng thức văn hóa trên không gian mạng cũng có không ít mặt trái đầy tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu đến nền tảng văn hóa Việt. Tất cả những điều này đặt ra sự cần thiết nhanh chóng xây dựng thiết chế văn hóa trên không gian mạng nhằm đáp ứng nhu cầu gìn giữ các giá trị cũng như soi đường dẫn lối cho sự thưởng thức văn hóa đúng đắn của người dùng.

Thiết chế văn hóa trên môi trường số

Việc xây dựng thiết chế cho văn hóa trên môi trường số đem lại những nền tảng chuẩn mực cho hoạt động văn hoá trên không gian mạng. Quá trình này không nên và không thể tách rời với quá trình số hoá, nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững, ổn định và tốt đẹp của các giá trị văn hóa.

Việc xây dựng thiết chế văn hóa trên môi trường số sẽ góp phần thực hiện tốt các vai trò của thiết chế văn hóa, tham gia vào quá trình bảo vệ, gìn giữ di sản văn hóa, góp phần xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa bền vững, đề cao bản sắc văn hóa từng tộc người, trao truyền cho các thế hệ sau.

Bên cạnh việc đầu tư, tu bổ, nâng cấp các thiết chế văn hóa truyền thống, việc nghiên cứu đầu tư cho xây dựng và phát triển "thiết chế văn hóa" trên không gian mạng sẽ góp thêm một phương pháp mới trong bảo tồn các giá trị văn hóa, góp phần không nhỏ trong lưu giữ, bảo tồn, quảng bá kiến thức về văn hóa, lịch sử, phong tục, thúc đẩy sự trao đổi văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc, góp phần lưu giữ, bảo tồn kho tàng tri thức dân gian phong phú của các tộc người trong sự phát triển của thời kỳ hội nhập.

Năm 2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký quyết định phê duyệt chương trình “Số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030”. Chương trình đặt mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021 - 2030 là: 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, 100% các di tích quốc gia đặc biệt, 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số. Cùng với đó, 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số.

Chương trình cũng yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa, xây dựng nền tảng kỹ thuật số và các bộ tiêu chuẩn chung về lưu trữ. Xây dựng, tạo lập dữ liệu số về di sản văn hóa; quản lý, vận hành và khai thác kho cơ sở dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa; đồng thời bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Đây được coi là một trong những bước đi mạnh mẽ nhằm góp phần xây dựng thiết chế văn hoá trên môi trường số. Nhưng thiết chế văn hoá trên môi trường số không chỉ gói gọn trong mục tiêu bảo vệ các giá trị văn hoá, các di sản văn hoá của tiền nhân.

Hiện nay, các hoạt động văn hoá trên mạng xã hội đã nảy sinh những mặt trái, tiêu cực, không chỉ hủy hoại nhiều giá trị tốt đẹp mà còn làm xô lệch giá trị quan của người làm văn hoá, hạ thấp thị hiếu và làm lệch chuẩn thưởng thức văn hoá của quần chúng nhân dân. Đó đây trên mạng xã hội còn có những văn hoá phẩm đồi trụy, độc hại, những trào lưu văn hoá giải trí “rác” đầu độc tinh thần giới trẻ. Không thiếu những nghệ sĩ, người làm văn hoá vì lợi nhuận mà chạy theo thị hiếu tầm thường thấp kém, quảng cáo láo hại khán giả, sử dụng chiêu trò phản cảm để “đánh bóng” tên tuổi, đạo nhái ý tưởng, ăn cắp tác quyền…

Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng, bởi không gian mạng bao la, rộng lớn, mang tính ẩn danh, là ảo không phải thực nên tha hồ hành xử ẩu tả, loạn xạ, không cần chuẩn mực. Từ đó dẫn đến những hành vi phản văn hoá trên không gian mạng khiến hoạt động văn hoá số phần nào bị suy đồi, lệch lạc.

Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của việc hoàn thiện một thiết chế cho văn hóa trên môi trường số để “chuẩn hoá” các hoạt động bảo tồn và biểu diễn nghệ thuật. Những thiết chế được xây dựng và áp dụng nghiêm sẽ giúp nghệ sĩ tuân theo quy tắc ứng xử, tác phẩm tuân theo quy định của pháp luật về nội dung, bản quyền, người thưởng thức tuân thủ các quy định pháp luật, quy chuẩn đạo đức để trở thành những khán giả văn minh trên mạng.

Điều cần thiết là mỗi người tham gia hoạt động văn hóa, làm công tác quản lý văn hóa cần ý thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thiết chế văn hoá trên môi trường số để chung tay, góp phần và đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện nó, góp phần củng cố nền tảng giá trị văn hóa Việt bền vững, trường tồn.

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030: Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng

Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030 đặt ra 4 mục tiêu chung và 8 mục tiêu cụ thể. Trong đó, 4 mục tiêu chung là xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển con người Việt Nam toàn diện; Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hoá gắn liền với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hoá có tiềm năng; Có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hoá, con người.

Về nhiệm vụ giải pháp, trong Chiến lược đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp chính gồm: Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền, phát triển văn hoá; Hoàn thiện thể chế, chính sách, khuôn khổ pháp lý; Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hoá; Bảo vệ và phát huy di sản văn hoá dân tộc; Hoàn thiện cơ thế thị trường trong lĩnh vực văn hoá, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hoá; Chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hoá; Tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hoá; Phát huy hiệu quả các nguồn nhân lực đầu tư phát triển trong lĩnh vực văn hoá.

Đọc thêm