Theo một số người dân phản ánh, Công ty cổ phần Công trình đường thủy (Vinawaco) có địa chỉ tại Ninh Sở, Thường Tín sử dụng đất dự án không có hiệu quả, hoạt động sản xuất ngày càng “thoi thóp”, thu hẹp. Đến nay, một số người dân đã “nhảy dù” vào san lấp đất ao, đất vườn, đất giao thông để xây dựng công trình, xây dựng nhà ở trái phép công khai trên đất mà Công ty này quản lý.
Quá trình PV tìm hiểu được biết, hiện nay có một số công trình, hạng mục của Công ty đã xuống cấp trầm trọng, bỏ hoang hóa, chỉ còn lại một xưởng cơ khí hoạt động, cán bộ làm việc văn phòng và lãnh đạo công ty này cũng đã di chuyển đi nơi khác.
Xung quanh những công trình xuống cấp, bỏ hoang hóa là những hoạt động san lấp đất ao, đất vườn để xây dựng công trình, chia lô xây dựng nhà ở trái phép.
|
Nhà điều hành của Công ty Cổ phần đường thủy bỏ hoang hóa nhiều năm |
|
San lấp trái phép |
|
Hơn chục lô đất được cho là san lấp, xây dựng nhà ở cho thuê, bán trái phép tại dự án của Công ty Cổ phần công trình đường thủy |
“Việc để các đối tượng “nhảy dù” vào san lấp đất, chia lô xây dựng nhà ở để cho thuê, bán có dấu hiệu cấu kết với cán bộ Công ty công trình đường thủy và cán bộ xã Ninh Sở nên họ mới làm được một cách công khai như thế, mà không gặp bất kỳ sự ngăn chặn nào từ phía Công ty cũng như từ phía chính quyền địa phương. Chúng tôi đã có kiến nghị, phản ánh nhiều lần với chính quyền địa phương về các hiện tượng sai phạm tại xảy ra tại Công ty nhưng chưa được xem xét giải quyết”, một số người dân cho biết.
Được biết, ngày 8/7/2008, phòng đăng ký đất đai Sở TN&MT tỉnh Hà Tây cũ có bản đồ bảng tổng hợp diện tích giao cho Công ty Cổ phần công trình thủy lợi, gồm diện tích đất xây dựng nhà ở tập thể; diện tích đất trụ sở; diện tích đất ao; diện tích đất công trình năng lượng; diện tích đất chưa sử dụng; diện tích đất giao thông.
|
Ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Ninh Sở trao đổi thông tin về việc sử dụng đất của Công ty đường thủy |
Để làm rõ trách nhiệm quản lý tại địa phương về những hoạt động xây dựng, san lấp đất ao, vườn chuyển đổi mục đích sử dụng đất có dấu hiệu bất thường tại Công ty Cổ phần công trình đường thủy, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi làm việc với người đứng đầu UBND xã Ninh Sở.
Tại buổi làm việc, ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Ninh Sở, đẩy trách nhiệm, đấy là đất của Công ty đường thủy, UBND xã không có quyền kiểm tra, giám sát hoạt động xây dựng, hoạt động san lấp mà Công ty phải có trách nhiệm quản lý và chịu trách nhiệm về việc san lấp, xây dựng nhà ở trái phép.
Ngoài ra việc người dân phản ánh, công ty này chia lô để bán xây nhà ở lãnh đạo UBND huyện và Công an huyện đang giải quyết, UBND xã cũng nhiều lần mời phía Công ty hợp tác cho kiểm tra những giấy tờ liên quan đến việc sử dụng đất và xây dựng nhưng phía công ty đường thủy không hợp tác.
Sự việc để Công ty đường thủy san lấp đất ao, đất vườn, xây dựng nhà ở trái phép là trách nhiệm không nhỏ của chính quyền địa phương, nhưng ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã vẫn không dám nhận trách nhiệm.
|
|
Công trình khủng được cho là xây dựng trái phép đường Vạn Phúc, Ninh Sở |
Không chỉ dừng lại ở việc thiếu trách nhiệm trong những sai phạm của doanh nghiệp trên, hiện nay người dân vô cùng bức xúc trước hiện tượng hàng loạt đất nông nghiệp bị san lấp để xây dựng nhà ở, kho xưởng trái phép dọc tuyến đường Vạn Phúc, xã Ninh Sở giáp ranh với địa phận huyện Thanh Trì.
Trả lời phóng viên, ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Ninh Sở, cho rằng, một số chỗ do khó quản lý và một số điểm san lấp xây dựng công trình ông chưa nắm rõ. Khi phóng viên cung cấp hình ảnh, địa chỉ công trình vi phạm, vị Chủ tịch này tỏ ra bất ngờ!
Có thể nhận thấy hiện nay, tình trạng san lấp đất nông nghiệp để xây dựng nhà ở, kho xưởng trái phép đang rất phức tạp và tiếp tục lan rộng trên địa bàn xã Ninh Sở, nếu như chính quyền địa phương còn thờ ơ và thiếu trách nhiệm như hiện nay thì hậu quả sẽ khôn lường.
Theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội về việc quản lý chặt chẽ đất đai, trật tự xây dựng thì có một số quận, huyện đã thực hiện nghiêm túc và một số địa phương chưa thực hiện tốt đã bị xử lý nghiêm đối với người đứng đầu quận, huyện và cũng đã có Chủ tịch UBND xã, phường bị đình chỉ công tác.
Vậy, trường hợp này, người đứng đầu huyện Thường Tín có phải chịu trách nhiệm trước việc cán bộ chuyên trách, lãnh đạo UBND xã đang thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để hiện tượng quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng vi phạm nghiêm trọng.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin?