Sôi động Lễ hội Nghinh Ông
Ngày 30/9 vừa qua, Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức trọng thể tại Cần Giờ. Đây là một trong những lễ hội văn hoá lớn nhất của ngư dân khu vực TP Hồ Chí Minh (TP HCM).
Vào buổi sáng, người dân Cần Giờ và các khu vực lân cận đã tập trung đông đảo để xem trò chơi dân gian leo cột mỡ được tổ chức trước chợ Cần Giờ và lăng Ông Thủy Tướng. Sau đó, đoàn rước Nghinh di chuyển đến bến đò Thạnh An (huyện Cần Giờ) để ra biển làm lễ rước Nghinh Ông.
Hàng ngàn người dân đã đứng kiên nhẫn chờ đợi hai bên đường, đón đoàn rước Nghinh trở về sau hai tiếng làm lễ trên biển, với sự dẫn đầu của đoàn lân - sư - rồng và ba ông Phước - Lộc - Thọ.
Ông Lê Văn Tam, cư dân Cần Giờ, có mặt tại buổi lễ Nghinh Ông thì bày tỏ: “Người dân chúng tôi rất tự hào vì có một lễ hội văn hoá lớn, được chính quyền quan tâm và người dân gần xa nô nức kéo đến ủng hộ. Tôi còn nhớ, từ hồi tôi còn nhỏ, lễ hội đã được tổ chức, ngoài lễ cúng trên biển thì có nhiều trò chơi dân gian vui lắm. Nhưng cũng có giai đoạn lễ hội bớt đông vui. May được sự quan tâm của nhà nước, từ hồi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, lễ hội được chú trọng nhiều, tổ chức hoành tráng, hấp dẫn và thu hút đông đảo người dân khắp nơi tham gia hơn”.
Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ được tổ chức từ năm 1913, gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông nhằm cầu nguyện sự bình an khi ra biển và ước mong một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội còn được xem như “Tết” của ngư dân vùng này. Năm 2013, Lễ hội đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Hiện, hàng năm Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ được Ban Tổ chức các ngày lễ lớn TP HCM tổ chức, giao Sở Văn hóa, Thể thao TP và UBND huyện Cần Giờ phối hợp thực hiện.
Bảo tồn và phát huy văn hóa lễ hội tại TP HCM
TP Hồ Chí Minh, đô thị lớn hàng đầu cả nước, tưởng chừng là một đô thị mới, chú trọng về phát triển kinh tế, nhưng vẫn mang trong mình nhiều giá trị văn hoá cổ xưa. Bên cạnh nhiều di tích văn hoá được công nhận cấp quốc gia, TP HCM còn có không ít di sản văn hoá phi vật thể đáng quý, như các lễ hội dân gian.
Một trong những lễ hội lớn được người dân quan tâm là Lễ hội Lăng Ông Bà Chiểu, nơi thờ Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - di tích lịch sử quan trọng ở TP Hồ Chí Minh.
Lễ hội Khai hạ - Cầu an Lăng Ông - Bà Chiểu nhằm tưởng nhớ công ơn đức Tả Quân, được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2022. Trong lễ hội có những hoạt động cầu an, diễn xướng hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân tham gia. Đặc biệt, những năm gần đây, Lễ hội càng được người dân khu vực TP HCM và các tỉnh lân cận quan tâm, đưa cả gia đình đến tham dự, cũng như được giới trẻ thành phố chung tay truyền thông rộng rãi.
Ngoài ra, TP HCM còn có Tết Nguyên tiêu (quận 5) được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đây là một sinh hoạt văn hoá đặc sắc, mang đậm dấu ấn của cộng đồng người Hoa ở quận 5 được duy trì phát triển suốt 30 năm qua. Lễ hội diễn ra từ ngày 12 hoặc 13 đến rằm tháng Giêng âm lịch hằng năm, diễn ra trên phố lớn ngõ nhỏ ở khu vực Chợ Lớn, đặc biệt tại các hội quán như Tuệ Thành, Nghĩa An, Quỳnh Phủ… với các hoạt động trang trí, hội hè, diễn xướng, lân sư rồng…
Một số lễ hội lớn khác như Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu diễn ra vào 23/3 âm lịch, Hội chùa Ông vào 24/6 âm lịch, Lễ Kỳ Yên đình Bình Đông 10 - 14/2 âm lịch, Hội miếu ông Địa 2/2 âm lịch, Lễ đền thờ Phan Công Hớn vào 25/2 âm lịch hàng năm…
TP HCM có tiềm năng phát triển du lịch lễ hội rất lớn, tuy nhiên tài nguyên này mới chưa được khai thác xứng tầm. Trong những năm gần đây, các lễ hội tại TP HCM đang được khôi phục mạnh mẽ. Tuy nhiên, rất cần thêm nhiều chiến lược, chương trình để tiếp tục đầu tư chăm sóc, “nâng tầm” lễ hội để có sức lan toả mạnh mẽ hơn mà vẫn giữ được bản sắc văn hoá. Đồng thời, việc kết hợp lễ hội với du lịch cũng là một phương án khả thi không chỉ phát triển du lịch TP HCM mà còn góp phần duy trì sức sống của lễ hội, đưa lễ hội gắn chặt hơn vào đời sống nhân dân và quảng bá nét đẹp văn hoá thành phố, vẻ đẹp văn hoá Việt đến du khách gần xa…