NHCSXH khẳng định, tiền gửi tiền tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân là một phần trong nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội. Trên cơ sở quy định của các văn bản quy phạm pháp luật, NHCSXH đã phân tích kỹ lưỡng, xây dựng và chọn lựa phương án phù hợp và xin ý kiến các bộ, ngành.
“Mặc dù số tiền gửi tiết kiệm của người vay không lớn nhưng có ý nghĩa không nhỏ. Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn khó khăn thì cần phải đa dạng hóa nguồn vốn thông qua việc huy động từ các nguồn lực khác nhau.
Bên cạnh nguồn vốn do ngân sách Trung ương cấp, ngân sách địa phương ủy thác, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu, thì nguồn vốn từ huy động tiền gửi tiết kiệm từ các tổ chức, cá nhân,… là hết sức quan trọng”, đại diện NHCSXH cho biết: “Nguồn vốn huy động từ gửi tiết kiệm từ các tổ chức, cá nhân thể hiện sự chia sẻ trách nhiệm từ cộng đồng xã hội nói chung và của đối tượng thụ hưởng nói riêng”.
Có nhiều ý kiến cho rằng, nếu như việc quy định gửi tiền tiết kiệm để đáp ứng yêu cầu của Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25/11/2014 của Quốc hội và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ, thì vấn đề đặt ra ở đây là số tiền gửi tiết kiệm một tháng bao nhiêu thì phù hợp? Nên chăng Chính phủ và NHCSXH giảm bớt và đưa ra mức cụ thể về số tiền gửi tiết kiệm để người dân, đặc biệt là người nghèo, người thu nhập thấp hiểu và yên tâm hơn với chính sách phát triển nhà ở này.
Liên quan đến vấn đề này, hướng dẫn cho vay của NHCSXH dựa trên Nghị định 100/2015/NĐ-CP căn cứ tình hình thu nhập thường xuyên của bản thân và các thành viên trong hộ gia đình, người vay vốn. Theo đó, người vay vốn có thể căn cứ số tiền vay, thời gian vay vốn để cùng với NHCSXH thỏa thuận số tiền trả nợ hàng tháng.
“Đây là căn cứ để người vay và NHCSXH thỏa thuận số tiền gửi tiết kiệm hàng tháng. Như vậy, việc gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH khi vay vốn mua nhà ở xã hội không làm ảnh hưởng đến khả năng tài chính của khách hàng để mua nhà ở xã hội, vì NHCSXH đã cam kết cho vay bằng việc ký kết Hợp đồng vay vốn, đồng thời quyền lợi của người vay cũng không bị ảnh hưởng”, đại diện NHCSXH chia sẻ với báo chí.
Mức tiền gửi tiết kiệm thể hiện ý chí của người tham gia muốn mua nhà ở xã hội thực sự, đồng thời thể hiện sự đóng góp vào chính sách chung để phát triển nhà ở xã hội, mỗi người một ít sẽ tạo một nguồn lực đáng kể trong xã hội. Như vậy có nghĩa là nếu thay đổi giảm mức tiết kiệm trong khi nguồn vốn cho vay có hạn sẽ càng làm giảm số người được vay vốn mua nhà ở xã hội.
“Như vậy, việc mức gửi tiết kiệm cũng chỉ là góp phần nhỏ và vấn đề lớn hơn là nhu cầu vốn để cho vay trong giai đoạn tới” – một chuyên gia ngân hàng nhận định.