Tiền vẫn vào mạnh trong tháng ngân hàng “đen đủi”

(PLO) - Dòng tiền gửi vào nhiều hơn, trong một tháng chứng kiến nhiều thông tin rủi ro mất tiền trong tài khoản...
Nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế vẫn chủ yếu dự vào khu vực ngân hàng, chiếm 74,9% tính đến 31/7/2016
Nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế vẫn chủ yếu dự vào khu vực ngân hàng, chiếm 74,9% tính đến 31/7/2016

Tháng 8/2016, nhiều thông tin phản ánh về rủi ro mất tiền trong tài khoản (chủ yếu qua thẻ tín dụng và giao dịch trực tuyến), nhưng số liệu thống kê cho thấy dòng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng lên khá mạnh.

Cụ thể, báo cáo về tình hình kinh tế tháng 8 và 8 tháng đầu năm của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đưa ra những dữ liệu lạc quan về hoạt động ngân hàng trong tháng có nhiều thông tin bất lợi nói trên.

Báo cáo cho biết, tính đến cuối tháng 8/2016, vốn huy động từ hệ thống các tổ chức tín dụng đã tăng khoảng 11% so với đầu năm. Còn con số cập nhật gần nhất của Ngân hàng Nhà nước tính đến ngày 29/7/2016 là mức tăng 9,94%.

Mức tăng ước tính khoảng 11% sau 8 tháng đầu năm tiếp tục phản ánh sự cân đối thuận lợi trong hoạt động ngân hàng từ đầu năm đến nay: tốc độ tăng huy động duy trì trạng thái cao hơn tốc độ tăng của tín dụng. Cũng theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu chậm lại, ước chỉ khoảng 9,2%.

Ngoài những dữ liệu trên, báo cáo của Ủy ban cũng đưa ra những con số đáng chú ý khác để định hình các nguồn vốn đối với nền kinh tế hiện nay – luôn có tỷ trọng lệ thuộc lớn vào kênh ngân hàng.

Cụ thể, tính đến 31/7/2016, tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế đạt 7,489 triệu tỷ đồng, tăng 12,5% so với cuối năm 2015. Trong đó, vốn cung ứng của khu vực ngân hàng chiếm 74,9%, tăng 9,1% so với đầu năm; còn lại thị trường vốn (gồm cổ phiếu và trái phiếu) đóng góp xấp xỉ 25,1% tổng cung ứng vốn, tăng 24,3% so với đầu năm.

Về lãi suất, theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay những tháng cuối năm vẫn có các yếu tố thuận lợi. Đó là thanh khoản liên ngân hàng dồi dào; tỷ lệ tín dụng/huy động là 84,6%, giảm so với mức 85,7% cuối năm 2015; áp lực tăng lãi suất do yếu tố tỷ giá được giảm thiểu do thị trường ngoại hối ổn định; lãi suất trái phiếu Chính phủ tiếp tục giảm ở các kỳ hạn, cùng với việc mức độ huy động đã gần thực hiện xong chỉ tiêu kế hoạch năm, qua đó sẽ giảm áp lực lên lãi suất ngân hàng.

Tuy nhiên, cũng theo nhận định của Ủy ban Giám sát, việc giảm lãi suất cho vay còn gặp một số thách thức do tiến trình xử lý nợ xấu diễn ra còn chậm.

Đọc thêm