Từ năm 2009 đến nay, khi tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại diễn ra, chính quyền địa phương bắt đầu chạy theo con nước. Các khu resort, nhà hàng ven biển cũng đua nhau xây kè để tự cứu mình. Mạnh ai nấy xây, sạt đâu làm kè ở đó.
Một chủ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng tại Hội An chia sẻ, tuy những khu resort được cứu nhưng tình trạng sạt lở lại lan dần. Cứ sau mỗi đợt mưa bão, bờ biển Cửa Đại lại bị sóng biển xé toang và chính quyền địa phương lại huy động lực lượng, máy móc đắp kè. Đến nay, vùng sạt lở đã dài đến vài ki-lô-mét. Tiền mất lại mất, biển xâm thực thì vẫn xâm thực.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại bắt đầu nghiêm trọng từ năm 2009. Năm 2011-2012, Hội An bắt đầu xây kè cứng bằng bê tông để gia cố bờ biển, sau đó làm kè mềm bằng bao địa mua từ Hà Lan. Từ năm 2011 đến 2016, ngân sách tỉnh, trung ương và TP đổ vào việc xây kè chống sạt lở ở bờ biển Cửa Đại đã hơn 82 tỉ đồng. Đó là chưa tính đến hơn 54 tỉ đồng Chính phủ đã cho thực hiện Dự án kè khẩn cấp chống xâm thực bờ biển Hội An (gọi tắt DA kè) triển khai từ năm 2015 đến 2017. Ngoài ra, thành phố xin 80 tỉ đồng đã được phê duyệt xây kè ở phía nam Cửa Đại qua nạo vét luồng lạch để lấy cát bơm vào khu vực sạt lở.
Dù số tiền trên là không hề nhỏ nhưng ông Hùng thừa nhận, việc chống sạt lở ở Cửa Đại trước đó không hiệu quả. “Ví von như lời người dân là ném tiền qua cửa sổ cũng không phải không có lý” - ông Hùng chua chát nói.
Theo viện dẫn của ông Hùng thì trong đợt mưa lớn năm 2016 vừa qua, Cửa Đại bị xâm thực nghiêm trọng. Cụ thể, hơn 400m bờ biển đã bị sóng ngoạm sâu trên 10 m khiến nhiều nhà hàng, khu nghỉ dưỡng đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Một đoạn bờ biển đã được kè bằng bao địa Hà Lan khá kiên cố cũng bị sóng đánh tan hoang. Hiện tại, xâm thực đang mở rộng ra hướng phía Bắc. Cụ thể, Khu Công viên Vườn tượng Hội An đổ ra hướng biển Đà Nẵng bắt đầu bị ảnh hưởng.
“Thấy tình trạng những cơn sóng ngầm có vẻ như đang muốn mở cửa thông với sông như đã từng xảy ra vào năm 1999, chính quyền “sốt ruột” và cuống cuồng huy động lực lượng gia cố bằng cách mua vải địa lót, rồi đổ cát vào bao chèn lên nhằm tránh sóng cuốn cát ra ngoài. Nhưng vì không có tiền, thành phố cứ hư đâu sửa đó nên rõ ràng thấy tiền tỉ bỏ ra, nhưng thực tế cũng không khác gì cái cách của “con nhà nghèo”. Năm nào cũng xin kinh phí mấy chục tỉ đồng rồi chắp vá, chỗ nào kè cứng thì còn, chỗ nào không kè, sóng đánh sạt”- ông Hùng trăn trở.
Theo ông Hùng, qua nhiều buổi hội thảo bàn giải pháp tổng quát để chống sạt lở ở bờ biển Cửa Đại cho thấy, nếu muốn làm “căn cơ” như các chuyên gia nước ngoài nêu thì phải mất chừng 1.200 tỉ đồng, trong khi Hội An chưa có nguồn.
Đối với Dự án kè Hội An 54 tỷ đồng, ông Phạm Văn Điểu, Trưởng BQL Dự án đầu tư xây dựng TP Hội An thông tin, tuy có kết quả khả quan bước đầu, nhưng cũng chỉ là “thử nghiệm”. Còn ông Nguyễn Tiến Hùng thừa nhận “hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây xói lở ở biển Hội An nên có biết “thử nghiệm” cũng phải “chấp nhận”.
Sau hơn 1 năm triển khai Dự án kè, đến tháng 10/2016, đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi và Cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về làm việc lại với Hội An và đưa ra quyết định, cho Dự án tiến hành theo thiết kế nhưng có sự điều chỉnh. Từ đó, nhiều lần Hội An phải vừa làm, vừa khảo sát, đo đạc lại và cho đến nay mới tiến hành tiếp.