Tiếp bài "Bất thường trong vụ cưỡng chế nhà dân tại Quận 12?": Cần đối xử công bằng và làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức

(PLVN) - “Chúng tôi xây dựng công khai, tuân thủ đầy đủ theo cấp phép và có sự kiểm tra giám sát nhiều lần của nhiều lực lượng chức năng, vậy vì sao lại cưỡng chế phá dỡ công trình nhà chính của chúng tôi? Nếu cho rằng chúng tôi sai, chúng tôi không có giấy phép thì chính quyền địa phương phải ngăn chặn ngay từ đầu để số tiền cả đời tích cóp của dân không tan thành tro bụi như bây giờ? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước lương tri?”
Bà Thu hết sức bức xúc trước việc ngôi nhà cả đời tích cóp giờ đã bị san phẳng
Bà Thu hết sức bức xúc trước việc ngôi nhà cả đời tích cóp giờ đã bị san phẳng

Đó là những tiếng nấc nghẹn từ bà Phạm Thị Kim Thu sau khi Quận 12 cưỡng chế căn nhà trị giá nhiều tỷ đồng như chúng tôi từng thông tin trước đó.

Thiếu công bằng?

Việc gia đình bà Thu có xây dựng, sửa chữa, cải tạo một số hạng mục công trình nằm ngoài sự cho phép của cơ quan chức năng là sai, không thể bênh vực và gia đình bà Thu đã chấp hành, nộp phạt, tự nguyện tháo dỡ. Nhưng đối với công trình căn nhà chính (khu 1 có diện tích gần 300m2) đã được các chủ cũ xây dựng từ năm 2003 rất kiên cố bằng bê tông cốt thép (có xác nhận của hàng xóm, của chính quyền địa phương, có hồ sơ đo đạc), được bà Mai (chủ cũ xin giấy phép cải tạo sửa chữa vào ngày 30/10/2018, được phường Thạnh Xuân kiểm tra, cho phép sửa chữa cải tạo vào ngày 03/01/2019 với với diện tích 17 x18m= 306m2) cần phải được làm sáng tỏ, tránh sự bất bình trong nhân dân.

Việc làm nhà trên đất rau màu không phải đến khi mua đất cuối năm 2018 thì bà Thu mới xây dựng, mà nó đã được 3 đời chủ cũ xây dựng nhà, công trình trên đất, đã được Quận 12 tạm cấp số nhà từ năm 2007. Suốt mấy chục năm qua, các chủ cũ xây nhà kiên cố, ở ổn định mà không ai bị lập biên bản xử phạt. Vậy vì sao đến khi gia đình bà Thu về đây thì UBND Quận 12 lại ra quyết định buộc trả lại hiện trạng ban đầu khi mà bà Thu sửa chữa cải tạo (khu 1) dựa vào giấy phép đã cấp cho bà Mai. Bà Thu đã kế thừa để sửa chữa, không ảnh hưởng gì vì phường đã tiến hành kiểm tra thực tế, xác nhận thửa đất đó, tờ bản đồ đó, vị trí đất đó có hiện trạng công trình cũ diện tích bao nhiêu, kết cấu thế nào thì phường mới cho phép cải tạo sửa chữa trên hiện trạng đó.

“Chỉ riêng khu phố 4 - nơi nhà tôi bị cưỡng chế có rất nhiều công trình nằm trong quy hoạch đất ga xe lửa, đất kho tàng bến bãi, đất công viên cây xanh… nhưng họ vẫn xin phép cải tạo, sửa chữa, thậm chí là xây mới rất khang trang. Vì sao Quận 12 chỉ tập trung thanh tra một căn nhà dân như tôi mà không thanh tra cả khu vực hay thanh tra tất cả các công trình có dấu hiệu khác trên cả phường Thạnh Xuân hoặc cả Quận 12? Thử hỏi như vậy có công bằng không? Tôi không so bì gì với người dân, nhưng tôi uất ức vì chính quyền địa phương đã thiếu nhân văn, thiếu sự công bằng, thiếu trách nhiệm với chính người dân của mình…”- bà Thu bức xúc.

Cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức

Trước khi UBND phường Thạnh Xuân ra thông báo thu hồi giấy phép đã cấp cho bà Mai (ngày 12/4/2023) thì cuối năm 2022, Thanh tra Quận 12 đã tiến hành thanh tra. Qua quá trình thanh tra cho thấy, các hồ sơ tài liệu đều xác định căn nhà chính (khu 1) của bà Thu có hiện trạng được các chủ chủ xây dựng cải tạo từ năm 2003. Nhưng quá trình cấp phép cho bà Mai là sai đối tượng vì đất đã chuyển cho bà Thu trước đó khoảng 1 tháng. Quá trình kiểm tra của địa chính xây dựng phường, thanh tra địa bàn, quản lý đô thị có những thiếu sót…

Ngôi nhà trị giá nhiều tỷ đồng của gia đình bà Thu đã bị cưỡng chế, còn lại đống đổ nát

Ngôi nhà trị giá nhiều tỷ đồng của gia đình bà Thu đã bị cưỡng chế, còn lại đống đổ nát

Đặc biệt Thanh tra quận 12 đã chỉ ra trách nhiệm của một số cá nhân phụ trách từ năm 2018 đến thời điểm thanh tra. Một số cá nhân như: ông Phạm Đăng Duy, ông Huỳnh Bá Đàn, ông Nguyễn Văn Quyên, Ông Lê Hồng Phúc, ông Huỳnh Đình Thắng, ông Ngô Tấn Cường… phụ trách lãnh đạo phường cũng như địa chính xây dựng phường Thạnh Xuân.

Riêng quá trình trước đó, Thanh tra Quận 12 cho rằng UBND phường Thạnh Xuân chưa cung cấp được tài liệu liên quan việc phân công nhiệm vụ lãnh đạo UBND phường và công chức địa chính – xây dựng nên không biết ai phụ trách cụ thể, không quy được trách nhiệm cho các cá nhân, tổ chức để xảy ra việc xây dựng trái phép căn nhà trên đất rau màu.

Kết luận thanh tra khẳng định, việc bà Thu xây dựng trên khu đất đã được cấp Giấy CNQSDĐ với mục đích sử dụng là đất rau màu (đất nông nghiệp) có quy hoạch được duyệt là ga xe lửa, bến bãi nhưng không được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng (không được cấp giấy phép xây dựng) là thực hiện hành vi sử dụng đất không đúng mục đích theo Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và xây dựng công trình…

Hiện nay kết quả đúng sai thế nào chỉ còn trông chờ vào bản án của các cấp tòa. Nhưng dư luận cho rằng, việc cưỡng chế căn nhà chính của gia đình bà Thu có quá vội vàng hay không vì tòa án đang thụ lý giải quyết?

Mới đây, bà Thu đã làm đơn đề nghị thay đổi thẩm phán vì nghi vấn nghi vấn có sự thiếu khách quan vô tư?

Trao đổi với báo Pháp luật Việt Nam về vụ việc này, Luật gia Đặng Đình Thịnh - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật tại TP.HCM (Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng, UBND Quận 12 ra quyết định xử phạt đối với toàn bộ công trình và buộc bà Thu nộp lại số thu lợi bất hợp pháp trên tổng diện tích vi phạm gần 1,3 ngàn m2 là chưa hợp lý. Trong toàn bộ diện tích xử phạt này bao gồm phần diện tích bà Thu sửa chữa, cải tạo được phường Thạnh Xuân cho phép và các công trình mà các chủ sử dụng đất trước bà Thu xây dựng đã tồn tại gần 20 năm.

Luật gia Thịnh nhấn mạnh, công trình bà Thu không thuộc đối tượng phải bị thu hồi theo dự án, không lấn chiếm đường giao thông, không thuộc trường hợp mang tính cấp thiết phải bị phá bỏ công trình… nên chưa nhất thiết phải cưỡng chế, mà cần đợi sự phân xử của tòa án để tránh hậu quả không thể khắc phục được. Việc cưỡng chế công trình đã hủy hoại hiện trạng tài sản đang là đối tượng trong vụ kiện sẽ gây cản trở cho việc giải quyết vụ án, khó đảm bảo việc giải quyết công bằng, khách quan, có thể gây oan sai và khiếu nại bức xúc kéo dài, ảnh hưởng uy tín của cơ quan nhà nước. Thậm chí, theo Luật gia Thịnh thì, việc cưỡng chế mà không chờ Tòa án xác minh hiện trạng để giải quyết vụ án là có dấu hiệu của hành vi “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017?

Dư luận đang trông chờ một bản án công tâm, thấu cả lý, đạt cả tình, không gây oan, sai, thiệt hại cho người dân. Đặc biệt, cơ quan chức năng sẽ sớm làm rõ, xử lý với các cá nhân, tổ chức liên quan để xảy ra vụ việc này cũng như các công trình xây dựng khác trên địa bàn Quận 12 nói chung và phường Thạnh Xuân nói riêng.

Những nội dụng liên quan tới vụ việc, chúng tôi đã có văn bản gửi UBND Quận 12, UBND phường Thạnh Xuân gần 1 tháng và nhiều lần phóng viên đã gọi điện, nhắn tin, trong đó có ông Nguyễn Văn Đức - Chủ tịch UBND Quận 12, nhưng ông Đức vẫn không nghe máy hay phản hồi gì.

Đọc thêm