Tiếp bài “Chủ tịch xã tiếp tay cho “cát tặc” ở Ngọc Lặc: Nhiều sai phạm cần được làm rõ

(PLO) - Liên quan đến việc Chủ tịch xã ký hợp đồng cho phép doanh nghiệp được “rút ruột” lòng sông khiến bờ sông bị sạt lở, đường dân sinh bị băm nát, đe dọa an toàn cầu treo, chúng tôi còn nhận thấy nhiều dấu hiệu khuất tất chưa được làm sáng tỏ…
Điểm khai thác cát không xa hệ thông kênh mương vượt sông dẫn nước từ hồ Cửa Đạt về hạ du

Có không chuyện sang tay mỏ cát?

Như PLVN đã phản ánh, trong một thời gian dài, người dân xã Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc sống trong bức xúc và lo lắng trước tình trạng khai thác cát sỏi gây sạt lở bờ sông, xe chở cát cày nát đường giao thông, đe dọa nghiêm trọng đến cây cầu treo làng Bằng mới đưa vào sử dụng và hệ thống kênh mương vượt sông dẫn nước từ hồ Cửa Đạt về hạ du.

Mục sở thị hiện trường, chúng tôi nhận thấy ngoài những đống cát sỏi vun cao còn có máy xúc, máy hút cát đang hoạt động. Nguy hiểm là điểm khai thác cách cầu treo làng Bằng chừng 400m về phía thượng lưu và cách hệ thống kênh mương vượt sông dẫn nước từ hồ Cửa Đạt về hạ du cũng khoảng cách chừng đó.

“Việc khai thác cát không những khiến bờ sông bị sạt lở, mà xe chở cát phải trèo qua chân cầu treo, đụng vào dây cáp giữ thăng bằng khiến cây cầu đung đưa như lắc võng”, một người dân mô tả. Cách đó không xa, một điểm khia thác cát nằm sát bãi cạn của lòng sông với cát sỏi chất đống bên cạnh chiếc thuyền có gắn máy hút cát.

Điều lạ là dù bị chính quyền kiểm tra, xử phạt nhưng sau đó đâu lại vào đấy khi cát sỏi vẫn bị hút một cách công khai khiến người dân vô cùng bức xúc. Những tưởng “cát tặc” coi thường pháp luật, cố tình vi phạm và thách thức dư luận, nhưng cả chính quyền và người dân đều ngã ngửa khi “cát tặc” chìa ra một văn bản giao kèo được lập ngày 25/2/2013 giữa ông Lê Hồng Lâm - Chủ tịch xã Phùng Giáo (cũ, nay chuyển sang làm Chủ tịch một xã khác) đồng ý cho Cty TNHH Thương mại và Xây dựng Yến Khanh quản lý và tận thu nguồn cát sỏi đến tháng 12/2016. Đến đây, người dân mới hiểu vì sao những người khai thác cát lại cho rằng họ không phải là “cát tặc”.

Mố cầu Làng bằng bị xe chở cát trèo qua, gạt vào dây giữ thăng bằng

Chưa hết, liên quan đến vụ việc này, thay vì khai thác cát là người của Công ty Yến Khanh nhưng khi chính quyền xuống kiểm tra, lập biên bản, người dân ra xua đuổi lại thấy toàn những người lạ hoắc. Điều này khiến người dân nghi ngờ rằng sau khi “kiếm” được hợp đồng khai thác cát với UBND xã Phùng Giáo, Công ty Yến Khanh đã bán quyền khai thác cho người khác. Chưa hết, một số người dân còn cho rằng ngoài việc có dấu hiệu lợi ích nhóm nên ông Lê Hồng Lâm mới cố tình làm sai thì còn bởi Yến Khanh là công ty “sân sau” của một cán bộ nên mới được ưu ái như vậy.

Về thông tin này, qua tìm hiểu của PLVN đúng là Cty Yến Khanh có liên quan đến một cán bộ công an giao thông tỉnh Thanh Hóa, nhưng “một thời gian sau khi ký biên bản với xã, chúng tôi đã hủy, không khai thác nữa. Tuy nhiên, lúc đó chỉ nói mồm. Bởi vậy, vừa rồi tôi đã lên Phùng Giáo làm thủ tục hủy biên bản đó”, lãnh đạo Cty Yến Khanh cho biết.

Việc một cán bộ công an có liên quan như thế nào với Cty này và liệu cty này có biết việc khai thác cát sỏi như vậy là trái pháp luật nhưng vẫn ký kết, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sau. Tuy nhiên, cả lãnh đạo xã Phùng Giáo hiện nay lẫn Phòng Tài nguyên và Môi trường Ngọc Lặc khi trao đổi với PLVN đều khẳng định việc ông Lê Hồng Lâm ký “hợp đồng” cho doanh nghiệp khai thác cát là sai. Và Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc Phạm Văn Đạt khẳng định UBND huyện sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm cán bộ sai phạm.

“Hợp đồng” được ông Lê Hồng Lâm ký cho Cty Yến Khanh được khai thác cát sỏi

Cần xử lý nghiêm để dân tin

Còn nhớ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi còn là phó thủ tướng phát biểu trong một hội nghị trực tuyến toàn quốc về kiểm điểm, phòng chống khai thác cát, sỏi trái phép trên sông và cửa biển, từng nêu: Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép đang khiến xã hội rất bất bình. Một vài địa phương có dấu hiệu bao che cho người khai thác cát, sỏi trái phép. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương cần tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đề ra giải pháp, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể từ Trung ương đến địa phương.

Thủ tướng cũng đề cập đến việc có hay không việc “bảo kê” cho vấn nạn này: “Ở đâu để xảy ra nạn khai thác trái phép, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Bí thư, chủ tịch, trưởng công an nơi đó phải bị xem xét đầu tiên”.

Có thể thấy, lãnh đạo Chính phủ rất quyết liệt trong việc chỉ đạo xử lý khai thác cát trái phép. Vậy nhưng, ở huyện Ngọc Lặc lại có chuyện Chủ tịch xã ký hợp đồng trái pháp luật để cho doanh nghiệp khai thác cát, gây ảnh hưởng nặng nề đến cơ sở hạ tầng, khiến dư luận bức xúc.

Mặc dù trao đổi với PLVN, một lãnh đạo UBND huyện Ngọc Lặc cho biết đã tổ chức họp để xem xét trách nhiệm của người sai phạm, nhưng dư luận vẫn hoài nghi về tính nghiêm minh của việc xử lý bởi người ký hợp đồng trái pháp luật này đã được điều chuyển sang làm Chủ tịch một xã khác.

PLVN sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Đọc thêm