Có 2 bản đồ chỉ giới đường đỏ?
Như Báo PLVN đã thông tin, Dự án xây dựng đường Huỳnh Thúc Kháng - Voi Phục (đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài) tuy mới được công bố để thực hiện nhưng thực tế dự án đã được lập trên cơ sở nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 2002; được HĐND TP Hà Nội cho chủ trương năm 2016 và được UBND TP Hà Nội quyết định từ tháng 6/2018.
Tuy nhiên, chỉ giới đường đỏ, hướng tuyến đường này (một trong những căn cứ để thu hồi đất của người dân để làm dự án) thì đã được Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập từ năm 2003 và hiện chưa rõ là chỉ giới này đã được UBND TP Hà Nội ra quyết định phê duyệt chính thức hay chưa vì Ban quản lý dự án (BQLDA) quận Đống Đa chưa minh bạch thông tin này, dù người dân đã nhiều lần yêu cầu.
Theo tìm hiểu của Báo PLVN, trong Quyết định 3213 ngày 26/6/2018 của UBND TP Hà Nội phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án thấy căn cứ vào bản vẽ chỉ giới đường đỏ ghi ngày 6/2/2004. Tuy nhiên, trong Công văn số 7185 ngày 31/8/2018 của Sở TN&MT Hà Nội hướng dẫn UBND quận Đống Đa xác định mốc giới thực hiện dự án lại thấy căn cứ vào bản vẽ chỉ giới đường đỏ xây dựng tuyến đường Thái Hà kéo dài đến Voi Phục tỷ lệ 1/500 do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập vào ngày 26/4/2011.
Do thông tin có sự khác biệt như vậy nên người dân cho rằng hiện có ít nhất 2 bản đồ chỉ giới đường đỏ cho dự án này? Vì thế người dân đề nghị các cấp cung cấp bản đồ chỉ giới đường đỏ và bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 mới nhất, có hiệu lực pháp luật để người dân nắm được thông tin pháp lý đối với dự án.
Di tích Pháo Đài Láng cũng bị đe dọa?
Pháo Đài Láng là một trong 4 pháo đài được người Pháp lập ra trong thời kỳ chiếm đóng Hà Nội vào những năm 1940. Theo người dân sinh sống ở khu vực này, Pháo Đài Láng có một vị trí quan trọng trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp, là nơi nổ những phát đạn đầu tiên vào trại lính Pháp ở nội thành mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp trên toàn quốc. Tại địa điểm này, lần đầu tiên một máy bay địch đã bị quân dân ta bắn rơi trên bầu trời Hà Nội.
Cũng theo người dân, do có vị trí quan trọng nên khi còn sống, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn thường đến đặt vòng hoa tưởng niệm tại di tích vào dịp kỷ niệm Ngày Toàn quốc kháng chiến.
Tuy nhiên, di tích quan trọng này lại là một nơi bị “đe dọa” bởi Dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đơn của 36 hộ dân trú tại khu tập thể Khí tượng thủy văn và khu tập thể Viện Kỹ thuật thông tin gửi tới Báo PLVN cho biết: Theo Bản thiết kế của dự án này mà người dân thu thập được thì con đường sẽ cắt qua 1/2 di tích, cắt gần như toàn bộ nhà trưng bày (nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý như: Mô hình Hà Nội xưa; danh sách cán bộ, chiến sỹ Đại đội Pháp binh Thủ đô đã tham gia chiến đấu bảo vệ Hà Nội trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến; bằng công nhận Pháo Đài là di tích lịch sử - văn hóa và nhiều kỷ vật, tranh ảnh, tư liệu lịch sử của quân và dân Pháo Đài; quả bom ba càng và năm đạn pháo cao xạ 75mm, một mã tấu là vũ khí tự vệ mà bộ đội Pháo Đài sử dụng trong những ngày toàn quốc kháng chiến…).
Cho rằng bản quy hoạch thiết kế đã lạc hậu và không còn phù hợp với tình hình thực tế, người dân sinh sống tại khu vực Pháo Đài Láng đề nghị xem xét điều chỉnh hướng tuyến của con đường sao cho hợp lý đi qua những phần đất trống để vừa có thể xây dựng được tuyến đường to đẹp hơn nhưng vẫn bảo tồn được di tích lịch sử, vừa tiết kiệm ngân sách và không làm ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống các hộ dân.
Liên quan tới nội dung đơn kiến nghị trên, ngày 3/5/2019, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND quận Đống Đa truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND TP Hà Nội như sau: Giao Chủ tịch UBND quận Đống Đa xem xét, có văn bản trả lời các hộ dân và báo cáo Chủ tịch UBND TP Hà Nội kết quả giải quyết trong tháng 5/2019.
Tuy nhiên, phản ánh đến Báo PLVN, các hộ dân cho hay đến nay họ vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin phản hồi nào của UBND quận Đống Đa.