Tiếp bài “gia đình bị cắt hộ khẩu 15 năm” ở TP HCM: Gia đình bà Nuôi có “xâm phạm chỗ ở”?

(PLVN) - Như Báo PLVN đã có bài phản ánh, hộ bà Nguyễn Thị Nuôi (thường trú tại số 111 Bà Hom, phường 13, quận 6, TP HCM) hơn 15 năm qua không còn hộ khẩu do liên quan một vụ tranh chấp đất.
Hiện gia đình bà Nuôi vẫn “bám trụ” tại nơi đã từng được cấp hộ khẩu

Năm 1991, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã tuyên buộc gia đình bà Nguyễ̃n Thị Thược (mẹ chồng bà Nuôi) phải hoàn trả lại nhà ở địa chỉ trên cho vợ chồng bà Dương Thị Bời trong vụ kiện “tranh chấp nhà” mà bà Thược là bị đơn.

Sau phiên tòa, bị đơn đề nghị xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Đến khi bà Thược mất thì bà Nuôi (là con dâu, người thừa kế quyền và nghĩa vụ của bị đơn) tiếp tục khiếu nại. Vào các năm 2013, 2015 và 2018, VKSND Tối cao và TAND Tối cao lần lượt có thông báo không có căn cứ chấp nhận yêu cầu giám đốc thẩm, tái thẩm bản án phúc thẩm theo đơn đề nghị của bà Nuôi.

Cũng từ đó (năm 2005), bà Nuôi cùng con cháu khoảng 19 người bị cắt hộ khẩu dù trước đó đã được cấp hộ khẩu khiến mọi người vất vả trong việc sinh hoạt cũng như đi xin việc, học tập… Dù bà đã khiếu nại nhiều lần lên cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết. Hiện nhà bà Nuôi vẫn bám trụ tại địa chỉ trên vì cho rằng cơ quan chức năng không xem xét hết các bằng chứng, tài liệu mà gia đình bà cung cấp.

Có thông tin cho rằng nhà bà Nuôi đã “xâm phạm chỗ ở” và yêu cầu khởi tố vụ án. Vậy hộ bà Nuôi có “xâm phạm chỗ ở” khi đã sống hàng chục năm qua ở đấy không?

Thông tin mà PV đã kiểm chứng thì bà Nguyễn Thị Nuôi (SN 1951) kết hôn với ông Nguyễn Văn Thọ (SN 1943, con của bà Thược) và sống tại 111 Bà Hom từ năm 1960 trên diện tích đất mà ông Nguyễn Văn Thao mua cho bà Thược (là vợ bé) và bà Thược nuôi dạy con cái tại đây.

Trong bản kê khai nhà cửa vào năm 1977 thì người đứng kê khai là bà Thược. Bản kê khai xác nhận người chủ sở hữu nhà là bà Thược. Gia đình này được cấp hộ khẩu vào ngày 16/12/1995. Trong cuốn hộ khẩu còn ghi số thành viên 9 người trong hộ bà Thược. Mãi tới năm 2005, hộ bà Nuôi cùng con cháu khoảng 19 người bị cắt khẩu do gia đình bà Bời khiếu nại.

Trong lời khai tại bản án, nhân chứng Trần Văn Đúng là người trực tiếp xây dựng nhà cho mẹ con ông Thọ, cho biết: “Vào khoảng năm 1961 đến 1963, tôi không nhớ chính xác năm nào. Lúc đó tôi 26 tuổi, có theo ông chú tên Tư Nhâm đến xây căn nhà cho bà Thược tại khu đất nhà ông Thao. Lúc đó đã có số nhà 111 và thấy bà Thược ở trong căn chòi”.

Sau khi có bản án phúc thẩm ngày 25/11/1991, buộc gia đình bà Thược, ông Thọ phải trả nhà cho bà Dương Thị Bời và ông Nguyễn Văn Thao. Sau đó, ông Thọ bị cơ quan chức năng bắt đi 3 tháng vào năm 1992. Ủy ban MTTQ Quận 6 đã có công văn vào ngày 2/2/1993 gửi các cơ quan chức năng nêu rõ: “Chúng tôi gửi đến các đồng chí lãnh đạo của các cơ quan có thẩm quyền công văn này vì nhận thấy đời sống gia đình của bà Nguyễn Thị Thược ngày càng bi đát vì bà đang bệnh nặng… tình hình rất đáng quan tâm và chúng tôi muốn vấn đề sớm được giải quyết... Tòa án Tối cao nên xem xét lại những chi tiết trong đơn khiếu nại có dấu hiệu cho thấy, bản án xét xử chưa bảo đảm tính công minh, trung thực khách quan…”.

Những thông tin trên cho thấy hộ gia đình bà Nuôi hiện không tự dưng nhảy vào “xâm chiếm nhà cửa” như một số ý kiến. 

Hiện tại, ông Đinh Văn Hữu là người đã mua căn nhà 111 Bà Hom (phường 13, quận 6) đã có đơn khiếu nại ra cơ quan chức năng. Trong đơn ông cho biết đã làm xong thủ tục đăng ký sang tên nhà, đất vào tháng 6/2018. Hai bên mua bán đã giao nhà, đất xong xuôi, nhưng sau đó một nhóm người, trong đó có người là họ hàng của bên bán nhà đất đã đến bẻ khóa cửa, cổng rào, chiếm giữ luôn nhà, đất đó cho đến nay.

Ông Hữu đã nhiều lần vào nhà để yêu cầu được nhận lại nhà, đất của mình nhưng nhóm người trên đã ngăn cản, không cho ông vào. Ông Hữu tố giác, yêu cầu xử lý hình sự vì hành vi có dấu hiệu phạm tội xâm phạm chỗ ở của người khác.

Đọc thêm