Tiếp bài “mua đất có sổ đỏ vẫn nguy cơ mất trắng”: Người dân đề nghị tạm dừng thi hành án vì bản án nhiều vi phạm

(PLVN) - Trong những ngày qua, ông Nguyễn Quốc Khánh đã liên tục gửi đơn cầu cứu khẩn cấp đến TANDTC, VKSNDTC, Ủy ban Tư pháp Quốc hội và các cơ quan chức năng… kiến nghị các cấp  có thẩm quyền xem xét tạm hoãn thi hành Bản án dân sự phúc thẩm số 12/07/2019/DS-PT của TAND Cấp cao tại TP HCM để tránh thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của ông trong thời gian đang được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm vì bản án có một số vi phạm.
Ông Khánh không đồng ý thi hành án trong biên bản của Cục THADS Bình Dương sáng 29/8/2019
Ông Khánh không đồng ý thi hành án trong biên bản của Cục THADS Bình Dương sáng 29/8/2019

Phán quyết bị đánh giá chưa thấu đáo

Báo PLVN số ra ngày 16/8/2019 có bài viết “Dĩ An, Bình Dương: Thương vụ mua đất có sổ đỏ vẫn nguy cơ mất trắng” phản ánh vụ việc của ông Nguyễn Quốc Khánh (ngụ Tam Bình, Thủ Đức, TP HCM), người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án mua đất có sổ đỏ, được Nhà nước công nhận, nhưng vẫn bị tòa án các cấp phủ nhận và có nguy cơ mất trắng. 

Theo đó, ông Khánh và Công ty TNHH TM&DV Nam Giang mua nhà ngay tình, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định, được TAND tỉnh Bình Dương và TAND Cấp cao tại TP HCM xác định là người thứ ba ngay tình theo Khoản 2, Điều 138 Bộ luật Dân sự 2005.

Thế nhưng, việc tòa án các cấp áp dụng luật “nửa vời” dẫn đến phủ nhận quyền và lợi ích hợp pháp của ông Khánh và Nam Giang khiến họ có nguy cơ mất trắng tài sản; khi Cục THADS tỉnh Bình Dương thực hiện Quyết định (QĐ) thi hành án số 545/QĐ-THADS ngày 16/08/2019 để thi hành hai bản án DSST số 01/2018/DSST và DSPT số 284/2019/DS-PT của TAND tỉnh Bình Dương và TAND Cấp cao tại TP HCM.

Hồ sơ thể hiện, ngày 23/9/2008, bà Trần Thị Hoa ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số AM827517 cho vợ chồng ông Châu Nhật Thanh. Sau khi được sang tên, ngày 6/6/2009 vợ chồng ông Thanh đã ký hợp đồng chuyển nhượng lại khu đất này cho ông Khánh. Đến ngày 16/09/2009, ông Khánh được sang tên và cập nhật biến động quyền sử dụng đất diện tích nói trên. 

Ngày 8/3/2010 ông Khánh tiếp tục ký hợp đồng chuyển nhượng một phần lô đất với diện tích 2.064,6m2 cho Nam Giang. Ngày 28/4/2010, Nam Giang được Sở TN&MT Bình Dương cấp Sổ đỏ số CT00210 cho thửa đất trên và tiến hành xây dựng thì bị người của Công ty TNHH Phú Mỹ ngăn cản. Đến ngày 22/11/2013, Phú Mỹ nộp đơn khởi kiện bà Hoa đến TAND tỉnh Bình Dương vì cho rằng bà Hoa chỉ là người đứng tên khu đất giùm và bà Hoa đã gian dối để trục lợi.

Trong các bản án DSST số 01/2018/DSST của TAND tỉnh Bình Dương và DSPT số 284/2019/DS-PT của TAND Cấp cao tại TP HCM đều tuyên các giao dịch giữa bà Hoa với vợ chồng ông Thanh; vợ chồng ông Thanh với ông Khánh; và giữa ông Khánh với Nam Giang vô hiệu; và bác yêu cầu độc lập của ông Khánh và Nam Giang là người thứ ba ngay tình. Buộc ông Khánh và Nam Giang trả lại toàn bộ diện tích đất nói trên cho Phú Mỹ.

Điều đáng nói, dù trong hai bản án nói trên không có bất kỳ một tài liệu, chứng cứ nào có thể chứng minh Phú Mỹ là chủ sử dụng hợp pháp của lô đất, trong khi bà Hoa là người được cấp sổ đỏ trên cơ sở giao dịch hợp pháp, đúng trình tự thủ tục, được Nhà nước công nhận… nhưng cả toà sơ thẩm, và phúc thẩm đều bỏ qua chứng cứ này. 

Bỏ qua ý kiến VKS

Một vấn đề khác, theo Thạc sỹ, Luật sư Lê Quốc Giang (Giám đốc Công ty Luật TNHH Apollo, Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Trong thủ tục tố tụng, nếu xác định hành vi của bà Hoa là lừa dối theo phán quyết của tòa các cấp thì phải áp dụng điều 132 BLDS 2005 để xác định giao dịch dân sự này bị vô hiệu. Và theo Khoản 1 Điều 136 BLDS 2005, thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu trường hợp này là hai năm, kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập. 

“Như vậy có thể thấy, việc TAND tỉnh Bình Dương và TAND Cấp cao tại TP HCM tuyên hợp đồng vô hiệu sau gần 10 năm liệu có hợp lý? Chưa kể việc tòa xác định ông Khánh và Nam Giang là người thứ ba ngay tình nhưng vẫn áp dụng luật một cách nửa vời để giải quyết vụ án là điều đáng để phải suy ngẫm”, Luật sư Giang nhận định. 

Cũng theo hồ sơ vụ việc, sau khi khi Phú Mỹ khởi kiện bà Hoa thì ông Khánh và Nam Giang mới biết bà Hoa có liên quan đến mảnh đất. Theo quan điểm của VKS tỉnh Bình Dương tại phiên sơ thẩm, trong trường hợp này Phú Mỹ chỉ có thể kiện đòi bà Hoa bồi thường nếu bà Hoa sai, chứ không thể buộc hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Thanh và ông Khánh vô hiệu. Tuy nhiên, TAND Tỉnh Bình Dương đã bỏ qua ý kiến này.

“Từ nội dung trên có thể thấy việc ông Khánh và Nam Giang thực hiện chuyển nhượng đất hợp pháp thông qua vợ chồng ông Châu Nhật Thanh và đều không hề biết bà Hoa và hành vi gian dối của bà này nếu có. Điều đó cũng đã được Khoản 2, Điều 138 BLDS 2005 khẳng định bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu. Tuy nhiên, trong cả hai phiên tòa sơ và phúc thẩm, mặc dù áp điều luật này nhưng chỉ áp dụng một nửa khi tuyên buộc ông Khánh và Nam Giang phải trả lại khu đất nói trên, đó là điều vô cùng bất cập…”, Luật sư Giang nói thêm.

“Tôi không hiểu là cố tình hay vô ý, nhưng sự thực khách quan của vụ án đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng bỏ qua, bóp méo làm xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của tôi…”, ông Khánh nói.

Đọc thêm