Tiếp bài “Nhà máy bê tông không phép tại Lạng Sơn”: Lãnh đạo huyện Chi Lăng nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Liên quan việc Công ty CP Bê tông Lạng Sơn xây dựng hàng loạt công trình không phép tại huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), đại diện lãnh đạo huyện này cho rằng: “Các doanh nghiệp hay có “mối quan hệ” đặc biệt với các vị lãnh đạo tỉnh, không tự nhiên mà người ta lại cứ dám làm như thế”.
Công ty Bê tông Lạng Sơn đã xây dựng loạt công trình không phép.
Công ty Bê tông Lạng Sơn đã xây dựng loạt công trình không phép.

Hàng loạt công trình không phép xây dựng

Như PLVN đã thông tin, năm 2018, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định 164/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn, sản xuất bê tông thương phẩm và các vật liệu xây dựng bằng bê tông” do Công ty Bê tông Lạng Sơn là nhà đầu tư tại thôn Cây Hồng, thị trấn Chi Lăng; diện tích đất sử dụng 13.000m2; tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 56 tỷ đồng.

Khi chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý, Công ty đã tổ chức thi công xây dựng hàng loạt công trình khi không có giấy phép xây dựng (GPXD) nhưng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tỉnh không phát hiện, xử lý kịp thời. Chỉ đến khi nhà đầu tư xin thay đổi quy mô dự án, báo chí phản ánh sai phạm, UBND huyện mới ban hành quyết định xử phạt hành chính với Công ty này.

Ngày 21/9/2021, UBND huyện mới ban hành Quyết định 4345/QĐ-XPVPHC xử phạt Công ty Bê tông Lạng Sơn (trụ sở thôn Đại Sơn, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc) do bà Phạm Thị Kim Khánh là Giám đốc.

Tại Quyết định 4345, huyện xác định, vi phạm thứ nhất của Bê tông Lạng Sơn là tổ chức thi công xây dựng công trình không có GPXD. Các hạng mục vi phạm gồm xây phần móng nhà kết cấu bằng bê tông cốt nhép, cốt nền trong nhà cao hơn sân bê tông của nhà văn phòng làm việc gồm 2 nguyên đơn, có tổng diện tích 358m2; đang xây dựng phần thân nhà để xe công nhân, nhà bảo vệ, phòng ăn, bếp, xưởng gia công cốt thép và chế tạo công tròn có diện tích 3.456m2.

Công ty còn xây dựng trạm trộn bê tông, si lô chứa xi măng; đã lắp dựng cột bê tông trạm biến áp; quây tường rào tạm bằng các tấm bê tông xếp chồng lên nhau và tường rào tạm gạch bê tông xếp chồng lên nhau không có mạch vữa; đang thi công đường nội bộ và sân bê tông. Công ty Bê tông Lạng Sơn chưa được cấp phép xây dựng cho toàn bộ các hạng mục công trình trên mà theo quy định phải cấp GPXD.

Vi phạm thứ hai là không tổ chức phê quyệt dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định. Ngày 19/4/2021, Sở Xây dựng đã ban hành Công văn 548/SXD-QLXD, trong đó đã kết luận báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng thì nhà máy trên chưa đủ điều kiện phê duyệt và triển khai các bước tiếp theo.

Theo UBND huyện, tại thời điểm kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, Công ty không tổ chức dự án đầu tư xây dựng nhưng vẫn thi công xây dựng công trình. Bê tông Lạng Sơn bị xử phạt 75 triệu đồng với 2 hành vi vi phạm trên.

Tuy nhiên, UBND huyện Chi Lăng đưa ra biện pháp khắc phục hậu quả như sau: “Trong thời hạn 60 ngày từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, bà Phạm Thị Kim Khánh, người đại diện theo pháp luật của Công ty phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp GPXD. Hết thời hạn này, bà Khánh không xuất trình người có thẩm quyền xử phạt GPXD thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm”.

“Biện pháp” đó khiến dư luận đặt ra nghi vấn, liệu các công trình vi phạm trên có được “hợp thức hóa”?

“Mối quan hệ” đặc biệt với lãnh đạo tỉnh!?

Trao đổi với PV về nguyên nhân dẫn đến vi phạm trên, đại diện lãnh đạo UBND huyện Chi Lăng cho rằng: “Dự án đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư cho nhà máy. Còn Khu công nghiệp Đồng Bành này (nơi xây dựng dự án trên - PV) thì cơ chế quản lý vẫn là Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn quản lý và người ta cấp phép xây dựng với công trình này. Huyện thấy rằng khi mà đã được tỉnh quyết định chủ trương đầu tư (…) lúc đó là trách nhiệm của Ban Quản lý nên huyện cũng có những thiếu sót trong việc giám sát để xem các công trình đó được cấp phép chưa”.

“Ở đây cũng có trách nhiệm của huyện, nhưng trách nhiệm trước mắt là của thị trấn Chi Lăng. Lẽ ra khi người ta đổ đất, làm công trình thì mình phải biết được. Nhưng ở đây huyện cũng nhận thức chưa đầy đủ, đặc biệt là thị trấn cũng nhận thức chưa đầy đủ nên như vậy, chứ không phải là huyện hay tỉnh cố tình thấy sai phạm như vậy mà bao che cho người ta”, đại diện lãnh đạo huyện này cho biết.

Tuy nhiên, ngay sau đó vị lãnh đạo này lại cho biết: “Tuy nhiên, cũng phải nói thế này, các doanh nghiệp hay có “mối quan hệ” đặc biệt với các vị lãnh đạo tỉnh, không tự nhiên mà người ta lại cứ dám làm như thế…”!?.

Đọc thêm