Huyện cho rằng “khoáng tặc” chỉ ở “quy mô nhỏ lẻ”
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lâm Đồng vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh về kết quả kiểm tra, xác minh thông tin Báo PLVN phản ánh về tình trạng san gạt, cải tạo mặt bằng, khai thác đất, đá tại huyện Đơn Dương; đề xuất tỉnh giao UBND huyện Đơn Dương tiếp tục làm rõ nhiều vấn đề.
Theo Sở TN&MT, ngay sau khi PLVN có một số bài viết phản ánh về hoạt động khai thác khoáng sản lậu ở Đơn Dương, Sở đã có văn bản đề nghị UBND huyện kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền.
Ngày 26/11, UBND huyện Đơn Dương có báo cáo, theo đó, tại xã Đạ Ròn, huyện xác định có 1 trường hợp san gạt, cải tạo mặt bằng, khai thác vận chuyển khoáng sản trái phép. Vị trí san gạt, cải tạo mặt bằng trái phép theo PLVN phản ánh thuộc một phần thửa đất số 9, tờ bản đồ số 30, chủ sử dụng đất là ông Nguyễn Anh Dũng (Cty TNHH Quốc Khánh, ngụ thôn Phú Thạnh, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng).
Tại thửa đất trên, ông Dũng tự ý san gạt, cải tạo mặt bằng trái phép với diện tích khoảng 490m2, bờ taluy cao 4-5m; hiện ông Dũng đã ngưng mọi hoạt động san gạt, cải tạo mặt bằng. Ngày 18/11, UBND xã đã làm việc với ông Dũng. Ông Dũng cho rằng “chỉ thực hiện vận chuyển đất san lấp tại chỗ, lấy phần đất cao đổ qua phần đất trũng đế sản xuất nông nghiệp”.
Còn tại xã Tu Tra, huyện cho rằng có 1 trường hợp được san gạt, cải tạo mặt bằng (đã và đang thực hiện, có dấu hiệu lợi dụng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản); 2 trường hợp san gạt, cải tạo mặt bằng, khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.
Tại vị trí 1 thôn Kambuotte, thuộc một phần thửa đất số 492, tờ bản đồ số 26 “tại thời điểm kiểm tra không có phương tiện khai thác khoáng sản tại hiện trường, không có tác động mới. Việc san gạt, cải tạo mặt bằng; khai thác khoáng sản trái phép có xảy ra và đã được UBND xã lập thủ tục xử phạt hành chính”, huyện báo cáo.
Tại vị trí khai thác khoáng sản trái phép thứ hai thuộc một phần tiểu khu 339, hiện trạng kiểm tra thấy có san gạt, cải tạo mặt bằng chiếm đất trái phép; UBND xã đã lập thủ tục xử lý hành chính.
Mặc dù qua phản ánh của người dân và PV ghi nhận thực tế, cho thấy hoạt động khai thác lậu khoáng sản diễn ra với quy mô rầm rộ; nhưng trong văn bản báo cáo tỉnh, huyện Đơn Dương cho rằng “việc san gạt, cải tạo mặt bằng, khai thác đất đá trái phép là có diễn ra nhưng ở quy mô nhỏ lẻ, phần đất dôi dư trong lúc cải tạo mặt bằng tại một số khu vực thôn 3, xã Đạ Ròn và thôn Bokabang, Đahoa, xã Tu Tra”.
Đổ lỗi cho… COVID-19
Về thực trạng đường giao thông từ QL20 Đức Trọng - Tu Tra (đi qua 2 xã Tu Tra, Đạ Ròn) bị hư hỏng, theo huyện Đơn Dương, nguyên nhân “do dịch bệnh COVID-19 tại địa bàn thị trấn Thạnh Mỹ phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (2 đợt) và một đợt của xã Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng), xe không được lưu thông qua Thạnh Mỹ mà phải phân luồng đi theo hướng xã Tu Tra, Đạ Ròn dẫn đến quá tải làm đường hư hỏng nặng”.
UBND huyện Đơn Dương cho rằng thời gian qua thường xuyên chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; nghiêm túc thực hiện chế tài với các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, san gạt, cải tạo mặt bằng. “Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19 xảy ra trên địa bàn nên các lực lượng tập trung vào phòng chống dịch, một số cá nhân đã lợi dụng để khai thác vận chuyển đất trái phép. Việc UBND xã Tu Tra, Đạ Ròn để việc san gạt, cải tạo mặt bằng chở đất đi là không đúng quy định, UBND huyện sẽ xem xét xử lý theo quy định”.
Lý do nêu trên có thoả đáng? Thứ nhất, chống dịch không phải nhiệm vụ riêng của UBND huyện Đơn Dương mà là nhiệm vụ của cả nước, cả hệ thống chính trị, nếu xảy ra vi phạm gì cũng nói vì tập trung chống dịch thì có hợp lý?
Thứ hai, người dân địa phương phản ánh, các địa điểm san gạt, khai thác khoáng sản diễn ra trong thời gian dài chứ không phải lén lút, diễn ra chớp nhoáng; nên khó thuyết phục khi nói rằng đối tượng lợi dụng khi chính quyền chống dịch để “lén” sai phạm.
Báo cáo của UBND huyện Đơn Dương bị nhiều ý kiến đánh giá là thiếu thuyết phục. |
Trước báo cáo của huyện, Sở TN&MT đề xuất UBND tỉnh giao UBND huyện Đơn Dương chấm dứt việc san gạt, cải tạo mặt bằng với các trường hợp lợi dụng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép tại xã Tu Tra và Đạ Ròn; xử lý theo quy định và làm rõ khối lượng đã vận chuyển, sử dụng, tiêu thụ; truy thu số lợi bất hợp pháp có được.
Trong quá trình kiểm tra, thẩm định hồ sơ xác nhận, cho phép san gạt, cải tạo mặt bằng; cần xem xét kỹ hiện trạng, loại khoáng sản có trong khu vực. Không giải quyết các trường hợp có dấu hiệu lợi dụng để khai thác khoáng sản. Chỉ giải quyết các trường hợp có nhu cầu chính đáng.
Cùng với đó, kiểm tra, rà soát, xử lý, chấm dứt việc san gạt, cải tạo mặt bằng với các trường hợp lợi dụng để khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản; giao UBND các xã kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc san gạt, cải tạo mặt bằng sau khi được huyện cho phép thực hiện.
Sở TN&MT cũng đề xuất tỉnh giao UBND huyện Đơn Dương tiếp tục thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản 8460/UBND-GT ngày 22/11/2021; báo cáo kết quả thực hiện gửi UBND tỉnh.
Trước đó, nhóm PV Báo PLVN nhiều ngày bám địa bàn các xã Đạ Ròn và Tu Tra (huyện Đơn Dương) ghi nhận việc khai thác đất, đá trái phép. Tại hai xã trên, hàng ngày có nhiều xe ben dán logo Linh Tâm Anh, Quốc Khánh, Tú Lộc Thọ… vận chuyển đất đá suốt ngày, gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an toàn giao thông.
Ngày 17/11, PLVN có bài viết phản ánh về tình trạng trên. Cùng ngày, Sở TN&MT có văn bản đề nghị UBND huyện Đơn Dương theo thẩm quyền tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin PLVN phản ánh; kiểm tra, rà soát địa bàn về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, lợi dụng việc san gạt, cải tạo mặt bằng để khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.
Ngày 22/11, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản đề nghị UBND huyện Đơn Dương kiểm tra tình hình san gạt, cải tạo mặt bằng, khai thác vận chuyển khoáng sản trái phép tại xã Tu Tra; đình chỉ, chấm dứt việc san gạt, cải tạo mặt bằng, khai thác khoáng sản trái phép. UBND tỉnh cũng yêu cầu xác minh làm rõ có việc bảo kê, bao che cho các hành vi vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định; trường hợp đảm bảo các điều kiện thì khởi tố với các cá nhân, tổ chức vi phạm nhằm đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật.