Ban hành nhiều văn bản lý giải nội dung bản án
Theo tìm hiểu, sau khi Bản án 215/2020/KDTM-PT được tuyên, từ cuối 2020 đến tháng 9/2021, TAND Hà Nội đã phải ban hành tới 4 văn bản đều do thẩm phán xét xử vụ án này ký để lý giải một số nội dung trong bản án được cho là không rõ ràng, gây hiểu lầm, ảnh hưởng quyền lợi ích hợp pháp các đương sự.
Các văn bản gồm: Công văn 196/CV-TKT ngày 30/12/2020 giải thích bản án gửi Chi cục THADS quận Bắc Từ Liêm; Công văn 130/CV-TKT ngày 12/7/2021 (không có tiêu đề) gửi Trường THCS-THPT Newton; Công văn 2101/CV-TA ngày 13/9/2021 (không có tiêu đề) gửi Chi cục THADS quận Bắc Từ Liêm; Công văn 2102/CV-TA ngày 13/9/2021 (không có tiêu đề) gửi Cty CP Đầu tư & Phát triển Giáo dục TDS Việt Nam và Cty TNHH Khai Phát.
Dù một số văn bản nói trên không ghi tiêu đề, nhưng nội dung hàm ý định hướng nhận thức một số nội dung mà Bản án 215/2020/KDTM-PT đã tuyên. Đáng chú ý, tại Công văn 130/CV-TKT gửi bị đơn là Trường Newton, thẩm phán xét xử vụ án cho rằng “các trang thiết bị trường học đã đầu tư” ở hai phần trong mục 4.3 của bản án là “một tài sản”, nằm trong 1/2 tòa nhà 6 tầng trên 2896,3m2 đất tại lô TH1 được phân định trong các mốc giới bản án.
Liên quan 2896,3m2 và 1/2 tòa nhà 6 tầng xây dựng tại lô TH1, bản án tuyên “do Trường Tiểu học & THCS Pascal đang quản lý” (dẫn đến Chi Cục THADS quận Bắc Từ Liêm ban hành quyết định cưỡng chế THA, thông báo THA với Trường Pascal) sai đối tượng.
Trong văn bản gửi bị đơn, TAND TP Hà Nội vẫn cho rằng, Trường Pascal là người có nghĩa vụ liên quan, đang quản lý các tài sản là diện tích 2.896m2 đất, 1/2 tòa nhà 6 tầng xây trên phần diện tích được phân định và các trang thiết bị đã đầu tư tại diện tích nhà này.
Theo Bộ luật TTDS, thẩm phán đã ra quyết định khi giải thích bản án, quyết định của tòa án phải căn cứ vào biên bản phiên tòa, biên bản phiên họp, biên bản nghị án. Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai.
Vi phạm tố tụng
LS Nguyễn Anh Tuấn (Cty Luật TNHH Trường Lộc, Đoàn LS Hà Nội) cho biết, theo các tài liệu hồ sơ vụ án được sao chụp trong quá trình giải quyết vụ án, tòa sơ phúc thẩm không thực hiện việc xem xét thẩm định tại chỗ, lập bảng liệt kê các tài sản liên quan đến tranh chấp. Do đó, không có tài liệu nào có đủ giá trị pháp lý để xác định sự tồn tại trên thực tế của “các trang thiết bị...”.
Quá trình giải quyết vụ án, các thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ án, HĐXX không thu thập, yêu cầu các bên tham gia tố tụng cung cấp chứng cứ về số lượng, chủng loại “các trang thiết bị ...”, và xác định kỷ phần về số tiền 14,237 tỷ đồng. Trong nội dung bản án sơ và phúc thẩm không có nội dung nào trình bày về “các trang thiết bị” hay phân chia kỷ phần số tiền nói trên; nhưng thẩm phán xét xử vụ án vẫn ban hành Văn bản 130/CV – TKT ngày 12/7/2021 có nội dung giải thích các nội dung trong phần quyết định của bản án.
Theo LS Tuấn, đối với phần giải thích “các thiết bị trường học đã đầu tư”, TAND Hà Nội không chỉ ra được cụ thể các thiết bị này là cái gì, số lượng, chủng loại; vì thực tế trong hồ sơ vụ án không có tài liệu, chứng cứ để xác định trang thiết bị trường học là những cái gì, số lượng bao nhiêu. Do đó, nếu phải thi hành bản án thì người phải thi hành cũng không biết phải thi hành những tài sản nào?
Với phần xác định Trường Newton được sở hữu 1/2 nhà 6 tầng xây dựng trên diện tích được phân định, quá trình giải quyết vụ án cũng như quá trình xét xử, tòa không xác định 1/2 tòa nhà 6 tầng được xác định theo ranh giới nào của công trình xây dựng, không xác định diện tích xây dựng, mặt bằng xây dựng của 1/2 tòa nhà 6 tầng này, do đó không có căn cứ để THA trên thực tế.
Về nội dung này, văn bản giải thích còn xác định Trường Pascal là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án, đang quản lý tài sản trên diện tích được phân định. Trường Pascal có nghĩa vụ chấp hành bản án có hiệu lực. Theo LS Tuấn, việc xác định Trường Pascal có nghĩa vụ chấp hành bản án là thiếu căn cứ, vì Trường Pascal không phải là chủ sở hữu trang thiết bị trường học, không phải là chủ sở hữu 1/2 nhà 6 tầng, đối tượng phải bàn giao tài sản trong phần quyết định của bản án. Việc giải thích nội dung này, thẩm phán không nêu rõ là căn cứ biên bản phiên tòa, phiên họp, bản nghị án theo quy định của Điều 486 Bộ luật TTDS.
Đối chiếu nội dung của Văn bản 130/CV – TKT với Điều 486 Bộ luật TTDS cho thấy việc giải thích bản án đã không được căn cứ biên bản phiên tòa, phiên họp, nghị án và các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Vì thế, giải thích này không có đủ giá trị pháp lý để THA.
“Sau khi ban hành bản án, thẩm phán xét xử vụ án đã ra các văn bản giải thích bản án trái với Điều 486 Bộ luật TTDS, ký văn bản xác định nhận định của Chi cục THADS quận Bắc Từ Liêm khi không có thẩm quyền, vi phạm nguyên tắc “Tuân thủ pháp luật trong tố tụng dân sự” quy định tại Điều 3 Bộ luật TTDS”, LS Tuấn nói.
Trước đó, TANDTC xác nhận đã thụ lý đơn của bà Trần Kim Phương đề nghị xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm với Bản án 215/2020/KDTM-PT của TAND TP Hà Nội. VKSNDTC cũng cho biết “xét thấy cần phải kiểm tra xác minh những nội dung tố cáo” đã chuyển toàn bộ đơn và tài liệu của bà Phương tố cáo thẩm phán xét xử vụ án có hành vi vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong quá trình thụ lý, xét xử và ra bản án trái pháp luật gây thiệt hại cho cá nhân và doanh nghiệp của bà Phương, đến CQĐT VKSNDTC để xác minh theo thẩm quyền.