Tiếp nghi án chiếm đoạt doanh nghiệp tại Bình Dương: Những điểm “kỳ lạ” trong “giao dịch 77,4 tỷ” giữa hai bên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Như PLVN đã phản ánh, Công an Bình Dương vừa tiếp nhận tố giác về tội phạm với ông Nguyễn Duy Hùng (SN 1974, ngụ Phú Thọ).
Nhà máy Mỹ Nga hiện đã bị phía ông Hùng “tiếp quản”.
Nhà máy Mỹ Nga hiện đã bị phía ông Hùng “tiếp quản”.

Ông Hùng bị tố chiếm đoạt vốn góp và nhà máy của Cty Mỹ Nga (trụ sở tại Bình Dương) giá trị ước tính hơn 200 tỷ đồng. Bên tố cáo là vợ chồng ông Văn Anh Tuấn (SN 1971), bà Nguyễn Thị Mỹ Nga (SN 1977, cùng ngụ TP HCM), là những người sáng lập Cty Mỹ Nga, chuyên hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải môi trường.

Nhiều lớp giao dịch giả cách

Tại Mỹ Nga, ông Tuấn là Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV), bà Nga là Giám đốc (GĐ) Cty, mỗi người sở hữu 50% vốn góp.

Theo hồ sơ sự việc, năm 2020, nhà máy của Cty Mỹ Nga tại Bình Phước bị Thanh tra TN&MT thanh, kiểm tra vì có phản ánh cho rằng chôn lấp chất thải công nghiệp sai quy định. Sau thời gian vào cuộc, đoàn thanh tra chưa kết luận mà chuyển hồ sơ đến Công an Bình Phước. Toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh bị tạm ngưng để phục vụ công tác cơ quan chức năng, ngân hàng thúc nợ phải xử lý dứt điểm trong quý II/2021, Mỹ Nga đã khó lại càng khó.

Ông Tuấn khi đó mời ông Hùng mua 50% Cty với giá 100 tỷ (84 tỷ trả ngân hàng, còn lại là các khoản nợ khác) và đây mới là giao dịch thực chất. Ông Hùng bị cho là đồng ý, nhưng yêu cầu vợ chồng ông Tuấn phải ký hàng loạt giao dịch giả cách; ký khống vào nhiều tờ giấy trắng. Rồi ông Hùng bị cho là “biến giả thành thật”, dùng những văn bản giả cách, lắp ghép những tờ giấy có chữ ký khống của ông Tuấn, bà Nga vào những “biên bản”, “thông báo”, “giấy ủy quyền”… nộp Sở KH&ĐT Bình Dương, rồi sang tên Cty cho mình.

Trong bộ hồ sơ gửi Sở KH&ĐT Bình Dương, có hai “Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp”, ghi ngày 10/5/2021, nội dung ông Tuấn và bà Nga chuyển nhượng 90% vốn góp cho Cty Trung Hưng (ông Hùng làm GĐ) với giá 77,4 tỷ đồng.

Hai bên cũng đều trình ra các chứng cứ, lệnh chuyển tiền cho thấy ngay từ chiều 10/5/2021, Cty Trung Hưng đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản bà Nga, tổng số 38,7 tỷ đồng. Và trong ngày 11/5/2021, Cty Trung Hưng cũng đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản ông Tuấn, tổng số 38,7 tỷ.

Từ những chứng cứ này, phía ông Hùng cho rằng vợ chồng ông Tuấn, bà Nga đã chuyển nhượng vốn góp cho mình, đã nhận tiền và vợ chồng ông Tuấn, bà Nga mới “lừa đảo” mình.

Vậy căn cứ nào mà vợ chồng ông Tuấn, bà Nga lại hai năm nay ôm đơn kêu cứu tố cáo khắp nơi? Theo hồ sơ, có dấu hiệu cho thấy họ đã rơi vào một “cái bẫy” vô cùng tinh vi, kín kẽ.

Ông Tuấn giải thích: “Sau khi biết tình thế của chúng tôi, ông Hùng đánh giá hiện Mỹ Nga nợ ngân hàng, nợ một số đối tác, khoản nợ đã hóa nợ xấu. Nên để tránh nguy cơ Mỹ Nga bị ngân hàng phát mãi và đối tượng khác nhảy vào mua, phải lập giả cách văn bản nội dung Mỹ Nga nợ ông Nguyễn Quang Huy (em trai ông Hùng – NV) 90 tỷ đồng từ năm 2017. Giấy vay nợ giả cách này nhằm mục đích phía ông Hùng trưng ra với ngân hàng, để Trung Hưng chứng minh có quyền mua lại một nửa Mỹ Nga”.

Theo văn bản này thì phía ông Tuấn đã nhận từ phía ông Hùng hơn 167 tỷ đồng, chứ không phải 77,4 tỷ “chuyển nhượng vốn góp”.

Theo văn bản này thì phía ông Tuấn đã nhận từ phía ông Hùng hơn 167 tỷ đồng, chứ không phải 77,4 tỷ “chuyển nhượng vốn góp”.

Bước giả cách tiếp theo, theo lời ông Tuấn: “Ông Hùng nói giờ phải để cho ông Hùng nắm giữ Cty Mỹ Nga, “đứng mũi chịu sào”, đứng ra giải quyết tất cả vướng mắc từ Bình Phước, Bộ TN&MT, ngân hàng. Muốn ông Hùng làm được điều đó, vợ chồng tôi phải ký hợp đồng giả cách bán 90% phần vốn góp cho Cty Trung Hưng”.

“Bây giờ nhìn hồ sơ, có thể ai cũng nói vợ chồng tôi ngu. Nhưng tình cảnh lúc đó rất gay go, khi Thanh tra Bộ TN&MT, Cơ quan CSĐT mời làm việc liên tục; ngân hàng dọa phát mãi tài sản... Đối diện cảnh bị phát mãi mất hết tài sản, bị khởi tố, thực sự chúng tôi vô cùng lo sợ. Nên khi gặp ông Hùng, nghe những lời ông ấy “nổ”, chúng tôi tin tưởng, mừng như “chết đuối vớ được cọc””, ông Tuấn kể.

Những trình bày của ông Tuấn về việc bị phía ông Hùng bắt ký nhiều lớp văn bản giả cách là có căn cứ để xem xét. Vì theo “biên bản làm việc” ghi ngày 14/4/2021 giữa vợ chồng ông Tuấn và phía ông Hùng, ngoài “khoản nợ phía ông Hùng 90 tỷ từ 2017”; vợ chồng ông Tuấn còn “bán 90% vốn góp với giá 77,4 tỷ” cho phía ông Hùng; và sau đó phía ông Hùng sẽ “trả toàn bộ công nợ” cho Mỹ Nga (khoảng 90 tỷ đồng). Như vậy, theo văn bản “giấy trắng, mực đen” thì hiện phía vợ chồng ông Tuấn đã nhận ít nhất 167,4 tỷ từ phía ông Hùng.

Phía ông Tuấn trình bày, thực tế thì những nội dung trên đều là giả cách. Và vợ chồng ông chưa nhận được một đồng xu cắc bạc nào trong giao dịch thực chất là bán 50% Cty Mỹ Nga với giá 100 tỷ cho ông Hùng.

Chỉ vài chục phút mà kiểm đếm được cả chục tỷ đồng?

Sai lầm “chết người” tiếp theo vợ chồng ông Tuấn mắc phải, như tố cáo, là sau đó tiếp tục nghe lời ông Hùng, giả cách đã nhận 77,4 tỷ.

Trên giấy tờ chứng cứ, lệnh chuyển tiền cho thấy ngay từ chiều 10/5/2021, Cty Trung Hưng đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản bà Nga, tổng số 38,7 tỷ đồng. Và trong ngày 11/5/2021, Cty Trung Hưng cũng đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản ông Tuấn, tổng số 38,7 tỷ. Nghĩa là trên giấy tờ, giao dịch mua bán phần vốn góp giữa hai bên đã hoàn tất, “tiền đã trao, cháo đã múc”. Vậy thủ đoạn lừa đảo được thực hiện kiểu gì?

Theo quy định pháp luật, tiền chuyển nhượng vốn góp Cty thì bên mua buộc phải chuyển khoản cho bên bán, chứ bên mua không được giao tiền mặt cho bên bán. Ông Tuấn nói: “Ông Hùng nhờ chúng tôi giả cách nhận tiền, để nhanh chóng hoàn tất thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, sau đó mới thực hiện giao dịch thực chất là trả chúng tôi 100 tỷ. Chúng tôi không thể ngờ ông Hùng có dã tâm lừa đảo chiếm đoạt, mới nghe theo”.

“Từ một khoản tiền hơn 10 tỷ trong tài khoản Cty Trung Hưng, ông Hùng “xoay vòng” nhiều lần. Ông Hùng chuyển khoản cho chúng tôi, sau đó chúng tôi rút tiền mặt, đưa lại ông Hùng. Ông Hùng nộp lại ngân hàng, lại chuyển khoản cho chúng tôi, chúng tôi lại rút tiền mặt đưa lại ông Hùng. Cứ “quay vòng” như vậy cho đến khi ông Hùng có đủ chứng từ chứng minh đã chuyển khoản cho chúng tôi đủ 77,4 tỷ đồng. Nhưng thực tế chúng tôi không nhận được đồng nào trong số 77,4 tỷ đó. Chúng tôi thực hiện giao dịch giả cách giúp ông Hùng, sau này mới ân hận đã “đào hố tự chôn mình””.

Ông Tuấn cho rằng sau này mới biết đã “đào hố tự chôn mình” vì tin ông Hùng, ký hàng loạt hợp đồng giả cách.

Ông Tuấn cho rằng sau này mới biết đã “đào hố tự chôn mình” vì tin ông Hùng, ký hàng loạt hợp đồng giả cách.

Trình bày của ông Tuấn là có căn cứ để xem xét. Vì trong 7 giao dịch phía ông Hùng chuyển khoản cho phía ông Tuấn, bà Nga trong ngày 10 và 11/5/2021 có nhiều điểm bất thường.

Phản ánh của ông Tuấn “từ một khoản tiền hơn 10 tỷ trong tài khoản Cty Trung Hưng, ông Hùng “xoay vòng” nhiều lần”, là có căn cứ xem xét. Ai cũng có thể đặt câu hỏi tại sao Trung Hưng không trả luôn một lần, mà lại trả “lắt nhắt” liền nhau?

Với bà Nga, chiều 10/05/2021, tổng cộng có 3 lần giao dịch tại 3 phòng giao dịch khác nhau cùng của BIDV trên địa bàn Việt Trì. Lần thứ nhất ông Hùng chuyển khoản lúc 13h44’23’’; bà Nga rút tiền vào 14h39’16”. Lần thứ hai ông Hùng chuyển khoản 15h30’05”, bà Nga rút tiền 15h51’56”. Lần thứ ba ông Hùng chuyển khoản 16h48’58”, bà Nga rút tiền 17’09”33”. Tới đây, có lẽ ngân hàng hết giờ làm việc. Sáng hôm sau, lần thứ tư, ông Hùng chuyển khoản 10h33’45”, bà Nga rút tiền 10h’47”27”.

Ngày 11/05/2021, ông Hùng 3 lần chuyển khoản cho ông Tuấn, cùng tại một phòng giao dịch của BIDV tại Việt Trì. Lần thứ năm, ông Hùng chuyển tiền 08h20’51” và 08h26’43”, ông Tuấn rút tiền 08h45’06”. Lần thứ sáu ông Hùng chuyển khoản 9h42’23”, ông Tuấn rút tiền 9h48’53”. Lần thứ bảy ông Hùng chuyển tiền 10h33, ông Tuấn rút tiền 10h28’57”.

Có một sự bất thường khác trong các lần rút tiền này. Đó là theo quy định tại các thông tư của Ngân hàng Nhà nước về “giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá” thì tất cả những lần bà Nga, ông Tuấn rút tiền ra, ngân hàng buộc phải thực hiện kiểm đếm. Xem xét các mốc thời gian trên, nhận thấy có khi ông Tuấn, bà Nga rút ra cả chục tỷ, nhưng chỉ vài chục phút sau họ đã có mặt ở phòng giao dịch khác, thực hiện giao dịch khác. Số tiền chục tỷ nếu là mệnh giá 500 ngàn đồng, ước tính phải đựng trong 3 bao tải. Với một phòng giao dịch của BIDV tại Việt Trì, dù có huy động tất cả nhân viên và máy đếm tiền ra, cũng có thể hoàn tất thủ tục kiểm đếm trong vài chục phút hay không? “Vì vậy, tôi không loại trừ tình huống ông Hùng câu kết cán bộ nhân viên ngân hàng”, ông Tuấn nói.

Một LS thuộc Đoàn LS TP HCM cho rằng, với tố cáo của ông Tuấn, CQĐT hoàn toàn có thể xác minh đúng sai ra sao: “Chứng cứ có thể là hình ảnh camera an ninh của các phòng giao dịch nơi ông Tuấn, bà Nga xuất hiện ghi lại; là các giao dịch viên ngân hàng; là những người mà ông Tuấn, bà Nga khai rằng đã trực tiếp bốc các bao tiền để “quay vòng” cho ông Hùng”.

Lớp giả cách cuối cùng trong nghi án này, như PLVN đã phản ánh, là ông Tuấn, bà Nga phải ký khống vào nhiều tờ giấy trắng. Rồi ông Hùng bị cho là “biến giả thành thật”, lắp ghép những tờ giấy có chữ ký khống của ông Tuấn, bà Nga vào những “biên bản”, “thông báo”, “giấy ủy quyền”… nộp Sở KH&ĐT Bình Dương, sang tên Cty cho mình.

PLVN tiếp tục phân tích, phản ánh sự việc trong các số báo sau.

Đọc thêm