Tiếp nghi án oan sai tại Vinacafe Quy Nhơn: Không gây thất thoát tài sản thì không thể buộc tội “Cố ý làm trái…”

(PLO) - Sau khi TAND TP HCM trả hồ sơ điều tra bổ sung để xác định chính xác tổng thiệt hại trên thực tế của Tổng Cty Cà phê Việt Nam, ngày 02/3/2018 VKSNDTC đã có Văn bản số 05/VKSTC-V3 về việc giữ nguyên quan điểm truy tố, chuyển hồ sơ vụ án để xét xử sơ thẩm. Dự kiến ngày 16, 17 và 18/4/2018, TAND TP HCM sẽ xử lại vụ án. 

Các bị cáo Nguyễn Nhật và Nguyễn Công Hoàng tiếp tục gửi đơn kêu oan, cho rằng họ không làm thất thoát tài sản Nhà nước mà vẫn bị buộc tội gây thiệt hại gần 36 tỷ đồng là khiên cưỡng, oan sai. Luật sư bảo vệ các bị cáo cũng có văn bản kiến nghị HĐXX TAND TP HCM xem xét lại quan điểm truy tố, đánh giá toàn diện các tình tiết, chứng cứ vụ án để có một phán quyết khách quan. 

Giữ nguyên quan điểm truy tố là thiếu căn cứ pháp luật

Trong văn bản kiến nghị gửi tới HĐXX TAND TP HCM, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Nhật cho rằng trong quá trình điều tra bổ sung, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa tập trung làm rõ đầy đủ các yêu cầu điều tra bổ sung, khiến bản chất vụ án chưa được làm sáng tỏ một cách khách quan và toàn diện. Việc cơ quan truy tố giữ nguyên quan điểm buộc tội các bị cáo về tội “Cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, gây thất thoát số tiền trên 36 tỷ đồng không có khả năng thu hồi là không đủ căn cứ pháp luật, thiếu thuyết phục. 

Như PLVN đã phản ánh diễn biến các phiên tòa công khai xét xử sơ thẩm vụ án vào các ngày 26/9/2017 và 15, 16/1/2018, các bị cáo và luật sư bào chữa cho họ đã đưa ra các chứng cứ chứng minh số tiền gần 36 tỷ đồng mà các bị cáo bị buộc tội làm thất thoát tài sản Nhà nước là không thuyết phục vì thực tế nguồn vốn kia vẫn tồn tại, vận hành phục vụ trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (cụ thể, trong đó 21 tỷ đã được dùng để chi trả lương, chi trả các hoạt động sản xuất kinh doanh, trả các khoản nợ doanh nghiệp vay ngân hàng; gần 17 tỷ do Vinacafe Đà Lạt còn nợ, hiện Vinacafe Đà Lạt vẫn đang tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán). 

Tại phiên tòa sơ thẩm, mặc dù không thể phủ nhận được nguồn tiền đã được bị cáo sử dụng trang trải nợ nần (vì có đầy đủ các hóa đơn chứng từ kế toán) nhưng đại diện VKS giữ quyền công tố cho rằng việc chi trả đó không có trong phương án được phê duyệt, không báo cáo Tổng Cty Vinacafe, không được sự đồng ý của Tổng Cty nên vẫn là hành vi làm trái, dẫn đến hậu quả làm Tổng Cty bị thiệt hại. Tương tự, đối với khoản nợ gần 17 tỷ đồng còn tồn ở Vinacafe Đà Lạt, mặc dù xuất hiện chứng cứ mới chứng minh vào ngày 29/12/2017 Vinacafe Đà Lạt vẫn đang thực hiện việc trả nợ Trung tâm XNK để Trung tâm XNK tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho Vinacafe Quy Nhơn nhưng Cáo trạng vẫn cho rằng khoản nợ trên đã bị thất thoát, không có khả năng thu hồi. 

Tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện, quá trình điều tra bổ sung vụ án, để “buộc tội các bị cáo đến cùng”, ngày 3/2/2018, VKSNDTC đã triệu tập ông Ngô Minh Nam (Giám đốc Vinacafe Đà Lạt) đến làm việc với mục đích chứng minh Vinacafe Đà Lạt làm ăn thua lỗ không có khả năng thanh toán khoản nợ gần 17 tỷ trên, từ đó VKSNDTC bảo lưu quan điểm khoản nợ trên đã bị thất thoát, hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước.  

Tại văn bản kiến nghị gửi tới HĐXX TAND TP HCM, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Nhật nêu quan điểm, quan điểm buộc tội như thế là “cố đấm ăn xôi”, không có căn cứ pháp luật. Trong khi hồ sơ vụ án thể hiện đầy đủ chứng cứ về việc Vinacafe Đà Lạt nhận nợ 17 tỷ đối với Trung tâm XNK Vinacafe, có phương án kế hoạch trả nợ theo từng năm, đến tận ngày 29/12/2017 Vinacafe Đà Lạt còn tiếp tục trả nợ và gửi Công văn xin hoãn nợ; vậy thì việc cơ quan tố tụng áp đặt rằng Vinacafe Đà Lạt không có khả năng trả nợ là không phù hợp với nguyên tắc tài chính, sai pháp luật.

Sự thật vụ án phải được tôn trọng!

Trong vụ án này, phải thừa nhận bị cáo Nguyễn Nhật và Nguyễn Công Hoàng có sai sót khi “tự ý” ký kết hợp đồng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp họ lãnh đạo khi chưa có phương án được phê duyệt của Tổng Cty Vinacafe, chưa được sự đồng ý của lãnh đạo Tổng Cty. Hành vi “tự ý” dù không có động cơ trục lợi nhưng đã có dấu hiệu cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế. Tuy nhiên, để quy kết các bị cáo vào tội “Cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” thì phải xét hành vi đó có gây thất thoát nghiêm trọng tài sản Nhà nước hay không, vì cấu thành của tội danh này bắt buộc hành vi phạm pháp phải gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản. 

Diễn biến khách quan vụ án thể hiện, khoản tiền 36 tỷ đồng không hề mất; một số được vận hành trong doanh nghiệp phục vụ sản xuất kinh doanh, một số đang được tiếp tục thu hồi nợ. Dù cơ quan tố tụng cho rằng không có căn cứ xem xét lời kêu oan hay cấn trừ các khoản tiền các bị cáo đã “tự ý” thực hiện không xin phép thì cũng không thể phủ nhận rằng số tiền kia vẫn tồn tại trong Vinacafe. Và nếu lời kêu oan của các bị cáo không được xem xét, các bị cáo bị tuyên buộc phải bồi thường khoản tiền trên, khả năng Vinacafe bỗng dưng được lợi thêm 36 tỷ đồng là có thật! Vấn đề đặt ra là vậy sau khi các bị cáo bồi thường, Vinacafe sẽ hạch toán như thế nào với số tiền hơn 36 tỷ đồng được “trả nợ” lần 2 này? Và thực tế, các khoản nợ đã được hạch toán hàng năm vào sổ sách của Trung tâm XNK và Vianacafe Quy Nhơn từ năm 2010 đến nay sẽ được giải quyết thêm một lần nữa như thế nào? Liệu Trung tâm XNK có tiếp tục trả nợ cho Vinacafe Quy Nhơn hay không? Hay đương nhiên Vinacafe đồng ý xóa khoản nợ trên sổ sách giữa 2 doanh nghiệp là Cty con của mình? Theo luật sư, việc này nếu không làm rõ có thể sẽ làm tiền đề để tư lợi cá nhân.

Từ những phân tích trên cho thấy, vụ án này có nhiều dấu hiệu thể hiện đã bị áp dụng sai pháp luật trong điều tra, truy tố, dẫn tới hàm oan cho các bị cáo. Hy vọng những “dấu hỏi” trong vụ án sẽ được giải quyết công tâm, khách quan trong phiên tòa sơ thẩm được mở lại tới đây.   

Bị cáo Nguyễn Nhật – nguyên Giám đốc Vinacafe Quy Nhơn trình bày với PLVN: “Bị cáo thừa nhận có sai sót khi tự ý ký kết HĐ 01 khi Tổng Cty Cà phê chưa có văn bản chỉ đạo, nhưng hành động đó là vì động cơ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hoàn toàn không có mục đích tư lợi. Diễn biến phiên tòa công khai cũng thể hiện hành vi của các bị cáo không gây hậu quả thất thoát tài sản Nhà nước, số tiền 36 tỷ vẫn luân chuyển trong dòng vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, không hề bị thất thoát không có khả năng thu hồi như Cáo trạng quy kết. Bị cáo cũng có cái sai nên xin được miễn trách nhiệm hình sự; nếu được tha miễn, bị cáo cam kết sẽ không lật lại vụ án để kêu oan”.

Đọc thêm