Theo đó, ngày 22/1/2020, Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Bình Dương có kết luận điều tra bổ sung vụ án mà ông Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, cựu Bí thư Bến Cát) bị cáo buộc giúp sức cho ông Nguyễn Huy Hùng (SN 1968) và Nguyễn Quang Lộc (SN 1970, cùng là cán bộ Chi nhánh Ngân hàng BIDV Tây Sài Gòn). Hồ sơ vụ án và kết luận điều tra bổ sung được chuyển đến VKSND tỉnh.
Ông Khanh bị VKSND Bình Dương ra lệnh tạm giam 1 tháng (tức đến 22/2/2020) và mới đây nhất, theo thông tin từ bà Huỳnh Thị Phương Anh (vợ ông Khanh) thì VKS tiếp tục gia hạn tạm giam ông Khanh thêm 1 tháng. Trong khi đó, khoản 2 Điều 174 Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS) s2015 thì thời hạn tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung chỉ là 1 tháng.
Bà Phương Anh kể: “Sau khi đơn xin bảo lãnh cho chồng tôi được tại ngoại để chữa bệnh bị từ chối, khi hết hạn tạm giam, tức ngày 22/2/2020, gia đình tôi đến hỏi thì VKS trả lời là đã gia hạn tạm giam thêm 1 tháng và cho rằng “việc gia hạn này là đúng luật”.
Luật sư (LS) Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội, người bào chữa cho ông Khanh), nói: “Pháp luật quy định về thời hạn điều tra bổ sung rất rõ. Vì vậy việc tạm giam thêm với ông Khanh và các bị cáo là vi phạm tố tụng. Nếu không đủ căn cứ buộc tội mà đã hết hạn điều tra thì buộc phải đình chỉ. Đây là nguyên tắc “suy đoán vô tội” được áp dụng trong Bộ luật TTHS”.
Một dấu hiệu sai sót khác trong vụ án này mà LS Quynh phân tích, là vi phạm tố tụng về thụ lý đơn tố giác, điều tra, khởi tố. Từ khi tiếp nhận và giải quyết đơn tố giác của ông Nguyễn Hiệp Hòa (con cụ Hiệp) ngày 16/10/2016, CQĐT Công an tỉnh Bình Dương không áp dụng theo quy định tại Điều 147 Bộ luật TTHS 2015 mà lại căn cứ Bộ luật TTHS năm 2003 đã hết hiệu lực để tiếp nhận, xác minh tố giác tội phạm để khởi tố, điều tra vụ án là trái quy định.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 147 Bộ luật TTHS năm 2015, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác; hết thời hạn nhưng CQĐT không điều tra, xác minh được có hành vi phạm tội như tố giác và cũng không có văn bản đề nghị VKSND cùng cấp có thẩm quyền ra hạn thời hạn kiểm tra, xác minh thì phải ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Tuy nhiên, trong vụ này, ngày 18/10/2016, CQĐT Công an tỉnh Bình Dương tiếp nhận đơn tố giác của ông Hòa. Nhưng phải gần 17 tháng sau thì mới có Kết luận kiểm tra, xác minh số 31/PC46 ngày 12/03/2018. Như vậy là trái luật, lạm quyền, theo LS Quynh.
“Từ đó, các quyết định như Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 37 ngày 12/03/2018 với hai tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến ông Khanh là trái quy định của pháp luật, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”, lời LS Quynh.
Ngoài ra, CQĐT Công an tỉnh Bình Dương không có thẩm quyền điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Tại khoản 4 Điều 163 Bộ luật TTHS 2015 quy định rõ: “CQĐT có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình”. Trong khi đó, Ngân hàng BIDV Tây Sài Gòn có địa chỉ của chi nhánh tại Lô 2-4-6 đường C, KCN Tân Tạo, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP HCM và địa chỉ trụ sở chính là số 191 Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.
Vì vậy nếu cho rằng tài sản của Nhà nước tại Ngân hàng BIDV Tây Sài Gòn bị thất thoát thì thẩm quyền điều tra truy tố xét xử thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng TP HCM hoặc Hà Nội. Vì vậy, việc cơ quan tố tụng tỉnh Bình Dương điều tra truy tố và xét xử các bị cáo về tội danh trên là trái thẩm quyền, đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự, theo LS Quynh.
Từ đó, LS Quynh kiến nghị đình chỉ điều tra với ông Khanh và những người khác. Đồng thời nếu phát hiện có tội phạm thì chuyển thẩm quyền giải quyết về CQĐT Công an TP HCM hoặc Công an TP Hà Nội.
Trước đó, tại phiên sơ thẩm bị trả hồ sơ, VKS khẳng định không có sự việc ông Khanh o ép cụ Hồ Thị Hiệp (SN 1947, đã qua đời, là người có tài sản thế chấp tại ngân hàng) chuyển nhượng đất cho ông Khanh. Ông Hùng và ông Lộc cũng khẳng định không có sự cấu kết, bàn bạc với nhau.
Hai căn cứ mà VKS đưa ra nhằm buộc tội cho ông Khanh là: Ông Khanh đã ký thỏa thuận 3 bên với cụ Hiệp và BIDV; và việc bán tài sản không thông qua đấu giá. Theo VKS, làm như vậy là sai pháp luật.
Quan điểm trên bị LS Quynh phản bác. Trong bản thoả thuận ba bên thì BIDV chỉ ký với vai trò là người chứng kiến. Cuối năm 2012, cụ Hiệp có tờ trình gửi BIDV xin bán tài sản để trả nợ, khẳng định đã tìm kiếm nhiều đối tác để chuyển nhượng, nhưng do tình hình bất động sản “đóng băng”, giá mua lại rất thấp, chỉ có ông Khanh mua được giá cao nhất. Tờ trình này sau đó được BIDV đồng ý.
Văn bản ba bên này cũng không phải là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vì không được công chứng, chứng thực; về nội dung xuyên suốt thể hiện chỉ có thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của cụ Hiệp và ông Khanh. “Do đó, việc cáo buộc các bên “ký hợp đồng ba bên là để hợp thức hóa hồ sơ, cấu kết” là suy diễn, không có căn cứ”, LS nói.
Đối với căn cứ buộc tội việc bán tài sản phải thông qua đấu giá, tại tòa, LS và đại diện VKS đã thừa nhận với trường hợp đã thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp ba bên thì không cần phải thông qua đấu giá, mà chỉ cần “bên nhận thế chấp và bên thế chấp thỏa thuận mức giá mà hai bên đã ký kết trước đó tại văn phòng công chứng”. Và tại tòa, đại diện Ngân hàng BIDV cũng xác nhận biện pháp bán tài sản thế chấp thông qua thỏa thuận là được phép.
Việc cụ Hiệp và Ngân hàng BIDV đã tôn trọng nguyên tắc thỏa thuận để đồng ý cho cụ Hiệp bán tài sản thế chấp là đúng quy định pháp luật. Cáo buộc của VKS là hoàn toàn không có căn cứ.