“Mong có phương án đền bù thỏa đáng”
Theo đó, 18 hộ dân được UBND xã Thạch Lưu quyết định cho thuê đất, đấu thầu đất để làm quán, cửa hàng để buôn bán với diện tích 20m2/quán, mỗi hộ được đấu thầu 1 đến 2 quán nhưng không quá 40m2. Thời gian đấu thầu được tính 20 năm kể từ tháng 5/1994 đến hết tháng 5/2014.
Để thực hiện, UBND xã Thạch Lưu ra văn bản có tên gọi “Những quy định chung – Về việc đấu thầu đất làm quán tại khu vực chợ Thạch Lưu”. Cũng theo văn bản này, các hộ được cho đấu thầu làm quán thì sau khi đóng đầy đủ lệ phí, làm thủ tục thì hộ đó “được phép xây dựng bằng gạch ngói” (không quy định số tầng được xây là bao nhiêu) và cho hộ nào được đấu thầu và diện tích cụ thể.
Ngoài ra, theo phản ánh của 18 hộ dân thì UBND xã Thạch Lưu đã có chủ trương và lập ra 1 ban vận động để bán thêm đất cho các hộ kinh doanh lấy tiền xây dựng cơ cở hạ tầng khu chợ. Qua đó, ngoài phần diện tích đất đấu thầu ban đầu, mỗi hộ gia đình đã được xã bán thêm một phần diện tích phía sau tiếp giáp chợ.
Dù chỉ mới có chủ trương xây chợ mới chưa có quy hoạch cụ thể, phương án đền bù, tái định cư... Nhưng ngày 25/12/2015, UBND xã Thạch Lưu đã thông báo rộng rãi trên loa đề nghị 18 hộ dân lên trụ sở xã ký thanh lý hợp đồng để làm hợp đồng mới. Và trong biên bản thanh lý hợp đồng, UBND xã Thạch Lưu đã không hề đề cập đến công tôn tạo, tài sản trên đất là nhà cửa và công trình gắn liền với đất của các hộ dân sẽ được đền bù hỗ trợ như thế nào? Vì thế các hộ dân đã bức xúc viết đơn “kêu cứu” gửi các cơ quan chức năng.
Ông Đặng Đình Tường cho biết: “Gia đình tôi cũng như các hộ dân khác hoàn toàn ủng hộ chủ trương của xã Thạch Lưu. Tuy nhiên, trước công sức tôn tạo đất cũng như đối với tài sản của chúng tôi gắn liền với đất thì mong chính quyền địa phương có phương án đền bù thỏa đáng. Đồng thời cần công khai cụ thể lợi ích của người dân khi dự án được triển khai cũng như những ưu đãi đối với những hộ dân buộc phải di dời...”.
Xã thực hiện sai quy định?
Luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho rằng: Văn bản có tên gọi “Những quy định chung – Về việc đấu thầu đất làm quán tại khu vực chợ Thạch Lưu” là trái pháp luật đất đai (Luật Đất đai 1993). UBND xã Thạch Lưu không có thẩm quyền cho thuê đất dịch vụ phi nông nghiệp với thời hạn 20 năm, UBND xã chỉ có thẩm quyền cho thuê đất nông nghiệp công ích 5%. Vì vậy, việc coi văn bản này là “hợp đồng” không chuẩn xác. Ngoài ra, vì đã giao đất, cho thuê đất trái pháp luật nên xã không có thẩm quyền “thanh lý” một văn bản trái luật.
Ngày 31/8/2015, UBND xã Thạch Lưu có Thông báo số 103/TB-UBND đề nghị 18 hộ dân phải di dời để trả lại toàn bộ mặt bằng cho xã với mục đích để xây dựng nông thôn mới với phương thức xã hội hóa. Đến ngày 26/2/2017, UBND xã Thạch Lưu ban hành thông báo về việc bắt buộc các hộ dân phải dời dọn tại “khu vực xung quanh” chợ Thạch Lưu trong vòng 18 ngày từ 26/02/2017 đến 16/03/2017, nếu không sẽ có biện pháp. Đây là một văn bản trái luật, xâm phạm đến tài sản hợp pháp của người dân khi nhà cửa, công trình trên đất là tài sản hợp pháp khi chưa được cấp có thẩm quyền đền bù thoả đáng. Ngoài ra, UBND xã đã giao đất trái luật, nay cũng không có thẩm quyền thu hồi đất. Việc thu hồi đất phải do UBND cấp huyện trở lên mới có thẩm quyền.
Về các tài sản trên đất như nhà cửa, các công trình xây dựng trên đất các hộ dân được phép xây dựng nên nó là tài sản hợp pháp của người dân. Nếu phá dỡ các tài sản hợp pháp này thì cơ quan có thẩm quyền trong việc thu hồi đất phải thực hiện các công việc kiểm đếm tài sản và tiến hành đền bù thoả đáng cho người dân. Thẩm quyền thu hồi đất thuộc UBND cấp huyện.
Việc xã hội hoá khu chợ là công trình công cộng gắn với quyền lợi của nhiều người dân nên cần có sự công khai quy hoạch, minh bạch trong chính sách và rõ ràng về quyền lợi của các hộ dân đã và đang gắn bó với khu chợ, cần thiết phải lấy ý kiến của người dân để đảm bảo dân chủ.
Trao đổi với Báo PLVN, ông Thân Văn Quý - Giám đốc Văn phòng đăng kí quyền sử dụng đất huyện Thạch Hà cũng thừa nhận, việc UBND xã Thạch Lưu cho 18 hộ dân thuê đất, xây nhà ốt là không đúng thẩm quyền.
Khoản 2, Khoản 3, Điều 11, Nghị định 47/2014/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đối với đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 1/7/2004, nhưng đã nộp tiền để được sử dụng đất mà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như sau:
“Trường hợp sử dụng đất từ ngày 15/ 10/1993 đến trước ngày 1/7/2004 thì người đang sử dụng đất được bồi thường, hỗ trợ như sau:
a) Được bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất được giao là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, đất ở trong hạn mức giao đất quy định tại Khoản 2 Điều 83 và Khoản 5 Điều 84 của Luật Đất đai năm 2003; b) Được bồi thường về đất đối với diện tích đất được giao là đất ở vượt hạn mức giao đất quy định tại Khoản 2 Điều 83 và Khoản 5 Điều 84 của Luật Đất đai năm 2003 nhưng phải trừ đi tiền sử dụng đất phải nộp theo mức thu quy định của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất.
3. Việc bồi thường về tài sản gắn liền với đất thu hồi thực hiện theo quy định của Luật Đất đai và Nghị định này”.