Như PLVN đã phản ánh, năm 2010, bất động sản số 33 Nguyễn Du, số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, Quận 1 có tổng diện tích hơn 6.274,5m2 thuộc sở hữu Nhà nước, được UBND TP HCM cấp “sổ đỏ” số BB971073 cho Vinafood 2 lập thủ tục đầu tư dự án khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại với thời hạn giao đất 50 năm.
Sau khi được cấp sổ đỏ, Vinafood 2 xin thay đổi phương án từ trực tiếp đầu tư sang liên kết, góp vốn với Cty TNHH Quảng cáo, xây dựng, địa ốc Việt Hân thành lập Cty TNHH 2 thành viên thương mại, dịch vụ, xây dựng Việt Hân Sài Gòn để thực hiện dự án.
Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), giai đoạn cuối 2015 đến nay, Việt Hân Sài Gòn đã sử dụng GCN số BB971073 để thế chấp đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho các cá nhân hoặc công ty khác vay tiền ngân hàng mua vốn góp của Việt Hân Sài Gòn.
GCN này cũng được dùng để thế chấp đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cùng một lúc cho nhiều Cty khác với cùng mục đích sử dụng vốn vay giống nhau. Trong khi thực tế không tồn tại dự án này, không có thủ tục xin lập dự án, không có phê duyệt dự án dự án của các cơ quan thẩm quyền tại địa chỉ 4 cơ sở nhà đất nêu trên. GCN còn được Việt Hân Sài Gòn đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cùng một lúc cho các pháp nhân khác thực hiện các dự án khác, không liên quan đến 4 cơ sở nhà đất.
Sau khi thành lập, Việt Hân Sài Gòn đã lợi dụng GCN số BB971073 kèm chứng thư xác định trị giá tài sản đảm bảo là hơn 7.251 tỷ, phối hợp với một ngân hàng thương mại và cơ quan công chứng để ký cùng thời điểm 7 hợp đồng thế chấp có cùng nội dung như nhau, có cùng giá trị tài sản đảm bảo là hơn 7.251 tỷ, để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cùng một lúc cho 7 Cty khác nhau là 6.308 tỷ đồng.
Cách thức cụ thể Việt Hân Sài Gòn sử dụng là lập hồ sơ Dự án đầu tư khống với 4 cơ sở nhà đất lấy tên là The Goldmark Premium Tower, để các Cty này ký hợp đồng tín dụng vay ngắn hạn (vay món) với ngân hàng, mục đích sử dụng vốn vay là “bổ sung vốn để thực hiện dự án giai đoạn 1 tại 4 cơ sở nhà đất này và được giải ngân ngay.
Khi các khoản vay và lãi trả cuối kỳ đến hạn sẽ được chuyển sang chi nhánh ngân hàng khác giải ngân như cho vay mới. “Phương thức và cách làm này được lặp lại nhiều lần như nhau, số tiền vay lần sau lớn hơn lần trước, là vi phạm các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, quy chế cho vay của tổ chức tín dụng với khách hàng”, TTCP nêu.
Tư kết quả kiểm tra, rà soát nêu trên, để đảm bảo quản lý chặt chẽ, không để thất thoát tài sản nhà nước, giữ nghiêm kỷ cương pháp luật, TTCP kiến nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng thực hiện thanh tra toàn diện hoạt động cấp tín dụng trong giai đoạn từ 2013 đến nay và các khoản vay liên quan sổ đỏ số BB971073.
Tiền thân Vinafood 2 là TCty lúa gạo miền Nam thành lập từ năm 1976. Năm 1995, Thủ tướng ban hành quyết định thành lập TCty Lương thực miền Nam. Năm 2011, đơn vị này được thay đổi loại hình là Cty TNHH một thành viên, có 100% vốn do Nhà nước làm chủ sở hữu. Năm 2017, Thủ tướng phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Vinafood 2. Năm 2018, chuyển từ Cty TNHH một thành viên sang Cty CP, vốn nhà nước 51,43%.