Tiếp vụ bản án cần được xem xét tại Khánh Hòa: Bản án có nhiều dấu hiệu sai sót

(PLO) -Liên quan đến bài PLVN đăng tải “Khánh Hòa: Một bản án cần được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm”, ông Nguyễn Văn Xít (trú tại tổ 6 Xuân Lạc 2, xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) và người nhà đã nộp đơn đề nghị xem xét Bản án phúc thẩm số 61/2018/DSPT ngày 18/5/2018 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng theo thủ tục giám đốc thẩm. 

Lý do mà ông Xít đưa ra là Bản án phúc thẩm có nhiều sai sót về mặt số học. Cụ thể, trang 11, trang 12 của bản án viết: “Ông Nguyễn Văn Xít được chia phần đất trên, có diện tích khoảng 3.000m2; ông Nguyễn Hai được chia phần đất phía dưới, có diện tích 3.500m2”. Như vậy, nếu giả sử cho rằng tài sản của cụ Nguyễn Mô và cụ Bùi Thị Chảnh là 7.000m2 nhưng phân chia cho 2 người con, một người 3.000m2, người còn lại là 3.500m2, vậy thì 500m2 đất nữa bị thất lạc đi đâu, thuộc quyền sử dụng của ai? Đây có phải là di sản thừa kế không?

Hơn nữa, trang 12 bản án có viết: Ông Nguyễn Hai được quản lý, sử dụng 3.500m2 đất; ngày 20/5/2002, ông Nguyễn Hai và vợ (Phan Thị Cân) cho 5 người em, mỗi hộ một lô đất chiều ngang 4m, chiều dài 12m. Nhưng ngày 10/9/2004, ông Hai bà Cân được UBND TP Nha Trang cấp lại “sổ đỏ” số 01674 QSDĐ/VN-NT với tổng diện tích là 3.562,65m2. Điều này là hết sức vô lý vì theo Bản án phúc thẩm, trước đây ông Hai được quản lý 3.500m2, đã cho một phần diện tích cho 5 anh em, vậy mà vẫn còn 3.562,65m2?

Không những thế, Bản án phúc thẩm còn xác định sai tài sản của cụ Nguyễn Mô và cụ Bùi Thị Chảnh. Trang 11, trang 13 bản án này xác định tài sản của cụ Mô và cụ Chảnh là 7.000m2 đất chỉ căn cứ vào lời khai của bà Nguyễn Thị Tư và bà Nguyễn Thị Lui là chủ quan, không có căn cứ…

Ngoài ra, tòa phúc thẩm bị cho là đã nhầm lẫn khi cho rằng tài sản được tặng cho cũng là di sản thừa kế. “Đối với phần đất của tôi đang sử dụng, hồ sơ cấp bìa đỏ còn ghi rõ là “đất cha Nguyễn Mô cho năm 1976”, như vậy phải xác định đây là tài sản được nhận cho tặng  chứ không phải là di sản thừa kế do bố mẹ tôi sau khi chết để lại. Tài sản mà tôi được tặng cho không thể được coi là di sản thừa kế của người đã tặng cho tài sản đó”, ông Xít nói.

Theo ý kiến của một số luật sư, một số điều luật được tòa phúc thẩm áp dụng là rất vu vơ, mơ hồ, áp dụng sai luật. Bởi lẽ, trang 16 Bản án phúc thẩm có nêu căn cứ áp dụng để xử án là các Điều 158 (Quyền sở hữu), Điều 161 (Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản), Điều 164 (Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản), Điều 166 (Quyền đòi lại tài sản) Bộ luật Dân sự năm 2015. Đây là những điều luật liên quan đến quyền sở hữu và những quyền khác đối với tài sản. Tức là chỉ áp dụng đối với chủ sở hữu đã được hoặc đã từng được sở hữu tài sản. Các điều luật này không thể áp dụng trong quan hệ về tranh chấp tài sản, khi chưa xác định được ai là chủ sở hữu của tài sản, đặc biệt là trong quan hệ về tài sản thừa kế. Do đó, việc tòa phúc thẩm đã áp dụng các Điều luật 158, 161, 164, 166 là rất mơ hồ, không liên quan đến việc chấp nhận kháng cáo hoặc bác bỏ yêu cầu của ông Xít, không liên quan đến tranh chấp về di sản thừa kế.

Nguyện vọng lớn nhất của ông Xít là mong muốn được giữ lại nhà từ đường, nơi lưu giữ Sắc mệnh chi bửu năm Tự Đức thứ 34 (1882) cấp cho cụ tổ Nguyễn Văn Nho (Nhu). Nếu nhà từ đường này bị thi hành án, bị rao bán cho người khác, bị tháo dỡ, bị đập bỏ, bị xâm hại thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến những giá trị truyền thống, giá trị lịch sử của dòng họ…

Theo ông Xít, vụ án cần được Chánh án TAND tối cao xem xét kháng nghị và có quyết định hoãn thi hành Bản án dân sự phúc thẩm số 61/2018/DSPT ngày 18/5/2018 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, tránh những hệ lụy không đáng có.

Đọc thêm