Tiếp vụ “Chủ đầu tư thiệt hại, Nhà nước thất thu hàng trăm tỷ đồng…”: Kỷ lục 105 cuộc họp, bãi cạp cát vẫn trơ trơ…

(PLO) - Tại cuộc họp giải quyết vụ việc giữa Công ty IMG Phước Đông và DNTN Thăng Long ngày 12/7/2017 do UBND tỉnh Long An tổ chức, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Cần tuyên bố: “Đây là cuộc họp cuối cùng, UBND tỉnh sẽ không họp nữa!”. Tuy nhiên, gần 5 tháng sau, UBND tỉnh Long An lại tiếp tục tổ chức họp rồi cũng không đi đến đâu.  Vượt quá giới hạn của sự kiên nhẫn và chờ đợi, chủ đầu tư một lẫn nữa kêu cứu đến Thủ tướng Chính phủ…
Phối cảnh KCN Phước Đông sau 11 năm vẫn chưa thành hiện thực
Phối cảnh KCN Phước Đông sau 11 năm vẫn chưa thành hiện thực

Tổng Giám đốc Công ty IMG Phước Đông Lê Minh Tuấn trình bày: DNTN Thăng Long mang phần đất bị thu hồi cầm cố lấy món tiền “khủng” không bị xử lý rồi thoải mái sử dụng bãi cạp cát để kinh doanh trước sự bất lực của các cơ quan chức năng tỉnh Long An. Trải qua gần 11 năm, không kể hai lần Thủ tướng chỉ đạo, các cơ quan từ địa phương đến trung ương đã phải mở đến 105 cuộc họp (!).

Trong số này, có 6 cuộc họp của Thanh tra Chính phủ và liên ngành tổ chức; 64 cuộc họp của UBND tỉnh Long An cùng các sở, ban, ngành tỉnh; 35 cuộc họp do huyện Cần Đước và các cơ quan chức năng khác. Cũng liên quan đến dự án KCN Phước Đông, UBND tỉnh Long An đã hành 11 quyết định; Công ty IMG Phước Đông đã gửi 59 văn bản và nhận được  48 công văn phản hồi.  

Tổng Giám đốc Tuấn lên tiếng: Những con số “biết nói” trên quả thật là ác mộng khủng khiếp đối với một chủ đầu tư dự án. Quá bức xúc, IMG Phước Đông lại có đơn kêu cứu đồng thời kiến nghị tỉnh Long An giải quyết dứt điểm. Tại cuộc họp do UBND tỉnh Long An tổ chức ngày 12/7/2017 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Trần Văn Cần, đại diện tập đoàn IMG đặt thẳng vấn đề: Có một số lãnh đạo tỉnh không khách quan làm cho vụ việc nhùng nhằng, đẩy Công ty IMG Phước Đông rơi vào tình thế rất khó.

Sau khi nghe các ý kiến của các thành viên dự họp, Chủ tịch Trần Văn Cần đề nghị IMG Phước Đông và Thăng Long nên thương lượng, thỏa thuận được với nhau về việc sử dụng đất, UBND tỉnh sẽ tạo thuận lợi cho hai doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu chính quyền tỉnh Long An nhấn mạnh: Đây là cuộc họp cuối cùng, UBND tỉnh sẽ không họp nữa. Long An lúc nào cũng tạo môi trường đầu tư lành mạnh và thông thoáng, các khó khăn của doanh nghiệp, tỉnh luôn chú tâm, tháo gỡ. Để giúp cho tỉnh phát triển, hai doanh nghiệp mỗi bên nên nhường một chút để “mưa thuận gió hòa”. Còn phương án “đường ai nấy đi”, tỉnh không mong muốn...

Ngày 17/7/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Long An ký văn bản số 305/TB-UBND, kết luận nội dung cuộc họp ngày 12/7/2017, chỉ đạo các cơ quan liên quan cùng hai doanh nghiệp thực hiện từng phần công việc cụ thể. Trong vòng 15 ngày, nếu một trong hai doanh nghiệp không đồng ý với kết luận thì có văn bản gửi UBND tỉnh. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo việc thu hồi đất của DNTN Thăng Long theo đúng theo Luật Đất đai và Nghị định số 69/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ.

KCN Phước Đông thi công cầm chừng vì không thể kết nối hạ tầng

KCN Phước Đông thi công cầm chừng vì không thể kết nối hạ tầng 

Sau cuộc họp “cuối cùng”, hai doanh nghiệp cùng các cơ quan liên quan đã thống nhất trách nhiệm của các bên trong việc hoán đổi. Tuy nhiên, đến ngày 06/10/2017, DNTN Thăng Long lại có văn bản gửi UBND tỉnh Long An lại đưa ra những kiến nghị mới, không chịu bàn giao đất. 

Dù Chủ tịch Trần Văn Cần tuyên bố không họp nữa nhưng ngày 14/12/2017 UBND tỉnh Long An tiếp tục tổ chức cuộc họp với sự chủ trì của Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Được cùng sự tham gia của đại diện các sở ban ngành tỉnh. Sau khi bàn bạc, hai doanh nghiệp và UBND tỉnh đã thống nhất ký vào biên bản. Theo đó, Công ty IMG Phước Đông giao cho DNTN Thăng Long 3 tỷ đồng để doanh nghiệp này tự thực hiện thi công trọn gói và hoàn thiện phần còn lại của bãi vật liệu mới Thăng Long. DNTN Thăng Long nhận bàn giao khối lượng trước đây mà Công ty IMG Phước Đông đã thực hiện, chịu trách nhiệm thi công trọn gói phần khối lượng còn lại và tự chịu trách nhiệm về chất lượng, bảo hành, vận hành của bãi vật liệu mới kể từ khi nhận 3 tỷ  đồng của IMG Phước Đông.

Ngày 28/12/2017, Tổ giám sát của UBND tỉnh Long An và Công ty IMG Phước Đông tiến hành bàn giao hiện trạng thi công bãi vật liệu mới và khoản tiền 3 tỷ đồng cho DNTN Thăng Long. Tuy nhiên, bà Bùi Mộng Tuyền (đại diện DNTN Thăng Long) lại đổi ý, cho rằng phần bãi vật liệu mới mà Công ty IMG Phước Đông đã thi công chưa đúng thiết kế (?!) 

Tổng giám đốc Lê Minh Tuấn phản ứng: IMG Phước Đông thi công theo thiết kế đã được Sở Xây dựng tỉnh Long An thẩm định, Trung tâm Giám định chất lượng (thuộc Sở Xây dựng) giám sát chặt chẽ. Lý do bà Tuyền đưa ra là không có cơ sở, nhằm mục đích kéo dài, trì hoãn việc bàn giao đất như nhiều lần trước đây. Kỳ lạ hơn, trước mặt các thành viên Tổ giám sát, bà Tuyền còn yêu cầu “tăng thêm” chi phí, trong khi khoản tiền 3 tỷ đồng quá đủ thậm chí dư để thi công phần còn lại của bãi vật liệu mới theo như tính toán của đại diện các Sở ban ngành tham dự cuộc họp do UBND tỉnh Long An tổ chức ngày 14/12/2017.

Bãi cạp cát xé toạc dự án KCN Phước Đông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành hai mảnh tách rời
Bãi cạp cát xé toạc dự án KCN Phước Đông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành hai mảnh tách rời

Suốt hơn 10 năm nhân nhượng và chờ đợi nhưng không có kết quả, Công ty IMG Phước Đông đã có văn bản ngày 28/12/2017 gửi UBND tỉnh Long An thông báo chấm dứt thực hiện theo phương án hoán đổi đồng thời đề nghị UBND tỉnh thu hồi đất của DNTN Thăng Long để bàn giao cho Công ty IMG Phước Đông triển khai dự án như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 12/01/2018 , Công ty IMG Phước Đông tiếp tục gửi văn bản đến UBND tỉnh giữ nguyên quan điểm chấm dứt việc hoán đổi.

Quá bức xúc, chủ đầu tư dự án KCN Phước Đông một lẫn nữa kêu cứu đến Thủ tướng Chính phủ cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trình bày toàn bộ nội dung vụ việc. Trong đó, nhấn mạnh: Đã có hàng loạt cuộc họp do UBND tỉnh Long An tổ chức, Công ty IMG Phước Đông hết lần này đến lần khác nhún nhường DNTN Thăng Long và thực hiện theo sự chỉ đạo của tỉnh nhưng đến nay vụ việc vẫn đi vào ngõ cụt. Dù Thủ tướng Chính phủ đã hai lần chỉ đạo với nội dung cụ thể nhưng DNTN Thăng Long vẫn được “chống lưng”, để bãi cạp cát nằm trên phần đất 5.471,6m2 chỉ chiếm 0,37% diện tích KCN (1.433.712m2) vẫn ngang nhiên tồn tại như thách thức pháp luật. 

KCN Phước Đông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Công ty IMG Phước Đông đã đầu tư gần 400 tỷ đồng (chưa tính tiền lãi cả trăm tỷ đồng) vào dự án. Thế nhưng sau gần 11 năm, cả khu đất rộng lớn vẫn nằm phơi nắng, phơi sương vô cùng lãng phí. Không chỉ chủ đầu tư thiệt hại nặng nề mà tỉnh cũng mất nguồn thu rất lớn cho ngân sách. Theo quy hoạch, có 900.000m2 của KCN là đất thương phẩm cho thuê đất hoặc làm nhà xưởng cho thuê…Lấy tỷ lệ ở mức 60% diện tích lấp đầy với giá thuê đất 2USD/m2/ tháng, trong vòng 8 năm qua (từ ngày 01/01/2010 đến 31/12/2017), IMG Phước Đông có thể tạo ra doanh thu gần 100 triệu USD, tương đương 2.250 tỷ đồng. 

Với số tiền này doanh nghiệp phải nộp cho nhà nước khoảng 700 tỷ đồng tiền thuế. Chưa dừng lại, hàng nghìn người dân địa phương mất cơ hội làm việc tại KCN. Trong khi đó, mỗi tháng chủ đầu tư phải móc hầu bao gần 1 tỷ đồng chi phí cho Ban quản lý dự án, bảo vệ, dọn dẹp KCN, khu tái định cư…

Không chỉ thất thu cho ngân sách số tiền lớn, uy tín của lãnh đạo tỉnh Long An cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Chưa hết, việc này còn làm xấu đi môi trường đầu tư của tỉnh.

Với những gì đã và đang xảy ra, Công ty IMG Phước Đông kiến nghị ba vấn đề:

Thứ nhất, UBND tỉnh Long An khẩn trương thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thu hồi đất của DNTN Thăng Long để giao cho Công ty IMG Phước Đông triển khai và sớm đưa dự án KCN Phước Đông vào hoạt động, tránh để lãng phí khủng khiếp kéo dài, gây thiệt hại cho chủ đầu tư cũng như người dân tại địa phương. 

Thứ hai, bãi cạp cát của DNTN Thăng Long nằm trong phần diện tích 1.433.712m2 đã được UBND tỉnh Long An ra quyết định thu hồi để triển khai dự án KCN Phước Đông. Khu đất thuộc diện quy hoạch, giải tỏa đã bị thu hồi với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ được phê duyệt chỉ 1,1 tỷ đồng nhưng Phòng Giao dịch Rạch Ông (quận 8) Agribank Chi nhánh TPHCM hô biến thành khu đất “vàng”, định giá hơn 52,2 tỷ đồng rồi duyệt cho DNTN Thăng Long vay trái quy định của pháp luật đến 26 tỷ đồng từ năm 2010 đến nay ngân hàng vẫn chưa thu hồi vốn. Sai phạm đã rành rành, lộ rõ dấu hiệu thông đồng, cấu kết nâng khống giá trị khu đất đế chiếm đoạt tiền của ngân hàng cần phải được điều tra, làm rõ, xử lý.

Thứ ba, làm rõ trách nhiệm và xử ý của các đơn vị, cá nhân liên quan đến việc ban hành công văn 6464 trái pháp luật, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Chưa hết, nếu không có sự “chống lưng” của một số cán bộ cho DNTN Thăng Long thì vụ việc không kéo dài suốt hơn 1 thập niên. Việc này cũng phải làm rõ, xử lý nghiêm thể hiện sự kiên quyết trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng nhằm làm trong sạch bộ máy chính quyền cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh…

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin. 

Đọc thêm